Học trò trường làng chế máy sấy lúa

04/05/2011 18:10 GMT+7

Huyện vùng trũng Hải Lăng (Quảng Trị) hằng năm mưa lũ xả nước trắng đồng, ngập lúa… Thương những người dân quê mình lam lũ, hai cậu học sinh trường làng quyết tâm chế máy sấy lúa.

Về xã Hải Thiện (huyện Hải Lăng) những ngày cuối tháng 4, chúng tôi tìm đến ngôi trường làng nằm cạnh những cánh đồng lúa đang thì con gái xanh mướt. Không khó để tìm ra hai anh chàng hiện đang là “người nổi tiếng” của ngôi trường này. Trong gian phòng truyền thống đơn sơ, thầy giáo Trần Mót - Hiệu trưởng trường THCS Hải Thiện - tấm tắc khen: “Em Lê Kim Hợi và Lê Minh Hiệu hiện đang học lớp 9A, là 2 trong những học sinh học giỏi, chăm ngoan của trường. Đợt vừa rồi cả hai còn mang vinh quang về cho trường với những sáng tạo đáng khen nữa”.


Hai “nhà sáng chế” nhỏ tuổi Lê Kim Hợi và Lê Minh Hiệu bên mô hình máy sấy lúa - Ảnh: Nguyễn Phúc 


Bản thiết kế mô hình máy sấy lúa mini 

Nghe vậy, hai cậu học trò tuổi 15 không giấu nổi vẻ ngượng nghịu, lúng túng đan đôi tay vào nhau. Quả thật, ít ai có thể nghĩ rằng hai em chính là tác giả làm nên chiếc máy sấy lúa hữu ích, tiện dụng và khá phức tạp. “Chúng em nảy sinh ý tưởng làm nên chiếc máy này khi nghĩ về ba mẹ, bà con và những đứa trẻ như tụi em thường ngâm mình dưới nước lạnh hàng giờ để gặt lúa chạy lũ. Để rồi nước vẫn ngấm vào hạt làm lúa nảy mầm và ai cũng buồn thiu…”, Hợi mạnh dạn mở lời.

Theo như ghi chép của Hợi và Hiệu thì chiếc máy sấy lúa được cấu tạo với các loại vật liệu gồm: 4 quạt có công suất lớn sử dụng nguồn điện 220V, 3 dây vonfam có tiết diện 1 mm2, 1 máng sắt có diện tích 0,4m2, 3 cửa bằng sắt, 1 trục khuỷu, 1 aptomat, 4 bánh xe, rơ-le nhiệt tự ngắt có dải điều chỉnh Max= 150 độ C và thanh cảm nhiệt của rơ-le, động cơ điện 1 pha và bộ dây đai, các thanh sắt và các lá sắt khác, vỏ máy làm bằng sắt, cần gạt lúa và thanh gạt lúa ra bằng sắt.

 Hiệu giải thích: “Lúc đóng điện, các dây vonfam nóng dần lên, quạt gió sẽ đẩy nhiệt xuống máng sắt. Tiếp đó ta cho lúa vào cửa máy, lúa được đưa xuống máng và máng chuyển động qua lại sấy đều hạt lúa. Sau một thời gian nhất định, cần gạt sẽ tự động gạt lúa đã sấy khô ra ngoài…”. Cũng theo Hiệu thì nhiệt độ thích hợp nhất của máng sấy là 120 độ C, khi nhiệt độ lên cao quá 150 độ C thì rơ-le sẽ tự động ngắt. Và kết quả thử nghiệm chiếc máy nhỏ thật bất ngờ khi trong vòng chừng 17 phút đã sấy được 20 kg lúa ướt.

Thầy giáo Lê Văn Lương, người tích cực hỗ trợ Hợi và Hiệu hoàn thành chiếc máy sấy lúa, cho biết: “Vì vật liệu làm mô hình khó kiếm, các em lại không có tiền nên đã rất thông minh khi tận dụng dây vonfam từ dây đun nước, vỏ máy được làm từ chiếc tủ nhôm kính nhỏ, máng lúa được làm từ khay inox đựng ấm chén… Ngoài sấy lúa, chiếc máy này còn có thể sấy tiêu và các loại đậu”.

Mong ước lớn nhất của 2 cậu học trò nhỏ hiện nay là có ai đó giúp đỡ hoàn thiện chiếc máy, để nó thực sự đồng hành với người dân vùng lũ chứ không dừng lại ở mức chỉ là một mô hình sáng tạo trẻ con.

Qua nhiều vòng sơ tuyển tại huyện Hải Lăng và tỉnh Quảng Trị, mô hình máy sấy lúa mini của Lê Kim Hợi, Lê Minh Hiệu đã giành giải 3 cuộc thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật Intel Isef 2011 được tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên - Huế cuối tháng 1 vừa rồi.

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.