Quán trà vỉa hè - “được” và “chưa được”

04/05/2011 15:16 GMT+7

Dọc các tuyến phố, từ khu phố cổ trong trung tâm Hà Nội đến những khu đô thị mới, đâu đâu cũng la liệt quán trà vỉa hè, đến mức trở thành một nét quen thuộc của thành phố, dù không phải không có bất cập.

Quán có thể trú ngụ tận trong những ngõ ngách sâu hun hút, cũng có thể “nay đây mai đó”, rồi đột ngột ra đời cạnh một bãi đậu xe ôm, một khu cửu vạn chợ người. Mùa hè năm trước, quanh tam giác đường Nguyễn Chí Thanh và đầu cầu Trung Hòa có hàng chục quán trà như thế, bán về đêm. Khách hàng chủ yếu là các đối tượng cờ bạc, bảo kê, hành nghề mại dâm. Khi các đối tượng này chuyển địa điểm hoạt động để tránh con mắt các cơ quan chức năng, thì hàng quán không ai bảo ai, cũng theo đó mà đi đâu hết.

 
Quán trà cạnh một bãi đất đá lổn nhổn và dòng sông bốc mùi xú uế - Ảnh: D.S

Một vòng quanh khu vực Đại học Bách Khoa Hà Nội, đếm sơ sơ đã có trên 40 quán trà. Quanh khu vực sân vận động Mỹ Đình hoặc khu vực bờ hồ Thuyền Quang vào buổi tối thì mật độ dày đặc, nhiều không đếm xuể. Sẽ có một con số bất ngờ hơn nữa nếu ai đó cất công đi đếm số lượng quán trà cư ngụ bên cạnh các trạm xe buýt.

Khách uống trà đông đảo và đủ mọi thứ hạng. Chỉ cần vài nghìn đồng là người ta có thể ngồi uống nước hàng giờ đồng hồ, tán đủ chuyện trên trời dưới biển. Có lẽ, ít ai biết đến “quán nước chè câm” chỉ bán vào buổi tối ở đầu phố Nguyễn Công Trứ, cạnh khu Chợ Giời. Ở quán này, từ bà chủ đến khách đều là người khiếm thính, mọi người đều nói chuyện bằng tay.

Những người làm nghề bán trà, một là do không có công ăn việc làm ổn định, hai là đã về hưu và ba là lao động ở quê ra Hà Nội kiếm sống. Chỉ cần đầu tư vài trăm nghìn đến trên dưới một triệu đồng là có thể kinh doanh hết công suất, từ sáng sớm đến tận đêm khuya. Một cốc trà đá từ 1 ngàn đồng trước kia, nay đã tăng lên khoảng 2 - 3 ngàn đồng. Trừ chi phí, mỗi ngày người bán cũng thu về khoảng 200 - 300 ngàn đồng. Đây là thu nhập có khi cao hơn cả công chức và người lao động làm việc ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chị Hoa (Cầu Diễn) bán trà vào buổi tối ở sân vận động Mỹ Đình vui vẻ kể: “Trước kia nhà em trồng 3 sào rau muống. Sau khi giải phóng mặt bằng, hai vợ chồng trẻ thành ra thất nghiệp. Giờ cả hai vợ chồng bán quán ở đây, cũng đủ sinh sống và nuôi hai cháu đi học”.

Bên cạnh những cái “được” ấy, nếu xem xét ở góc độ mỹ quan đô thị, an toàn vệ sinh thực phẩm và một số vấn đề xã hội khác thì quanh chén trà vỉa hè cũng còn rất nhiều điều phải trăn trở.

Đa phần các quán đều dựng lên một cách tạm bợ, có nhiều chỗ nhếch nhác, kẻ đứng người ngồi ngay cạnh bờ sông nồng nặc mùi nước thải. Những hình ảnh đó góp phần làm xấu đi nét thẩm mỹ của thành phố. Nhiều quán trà đá bày bán tự do, lấn chiếm lòng lề đường, chiếm dụng cảnh quan công cộng, cản trở giao thông. Mỹ quan đô thị sẽ đẹp hơn rất nhiều nếu không có dãy trà đá ven đường Thanh Niên, không có quán trà đá xập xệ cạnh một tòa nhà cao tầng trên đường Ngô Quyền, không có cảnh lố nhố người ngồi, người đứng mất an toàn trên cầu Long Biên…

Và trà được pha chế ra sao? Tại quán nước ở ngã ba Hoàng Quốc Việt giao với đường Phạm Văn Đồng, người bán hàng với bộ móng tay đen nhẻm đập đá vào một cái thùng chứa cáu bẩn, lớp xốp lót trong thùng đã ố đen, lỗ chỗ. Ngay đằng sau quán vài mét, hai người đàn ông thản nhiên tranh thủ đi vệ sinh trong lúc chờ xe khách. Một lần khác ở quán trà đá cóc gần cổng Bệnh viện E, tôi bắt gặp bà chủ quán lén lút đổ ly nước trà nóng của vị khách uống thừa vào một cái ca nhựa, sau đó lại rót trà từ chính cái ca nhựa ấy ra cốc để pha chế trà đá cho vị khách khác.

Không ai phủ nhận được cái thú vị, độc đáo quanh chén trà hè phố. Nhưng để nét ẩm thực này trở thành một thói quen văn hóa thanh lịch thì chén trà vỉa hè còn phải thay đổi rất nhiều về hình thức và chất lượng phục vụ, đồng bộ cùng với những thay đổi trong lối sống của cư dân một đô thị đang dần hiện đại hóa.

Doãn Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.