Bin Laden và mối thâm thù nước Mỹ

02/05/2011 12:36 GMT+7

(TNO) Không phải đợi đến vụ khủng bố ngày 11.9.2001 khiến nước Mỹ bàng hoàng, mà trước đó, Osama Bin Laden đã nằm trong mục tiêu truy lùng hàng đầu của Nhà Trắng bởi hàng loạt vụ tấn công nhằm vào quân đội và công dân nước này.

>> Dân Mỹ ăn mừng vì Bin Laden đã chết
>> Trùm khủng bố Bin Laden đã chết

Sớm có ý nghĩ nổi dậy

Theo nhiều nguồn từ truyền thông thế giới cho thấy, trùm khủng bố Osama Bin Laden sinh ngày 10.3.1957 tại Riyadh, Ả Rập Xê Út, là con thứ 17 trong 52 người con của triệu phú ngành xây dựng Mohamed Bin Laden.

Năm 1968, cha của Bin Laden đã tử nạn trong một tai nạn trực thăng và để lại gia tài ước tính vào khoảng 250 triệu USD.

Ngay từ nhỏ, Osama đã bộc lộ thiên hướng chính trị tôn giáo. Khi đang học ngành quản trị và kinh tế tại Đại học King Abdul Aziz ở Jedda, Osama đã gặp Sheik Abdallah Azzam - người đã hướng Osama vào con đường tôn giáo và chính trị phức tạp của cộng đồng Ả Rập.

Khoảng cuối 1979, Osama sang Pakistan bắt đầu từ công việc hậu cần, tài trợ tiền, xây dựng trường học, nhà ở cho dân tị nạn Afghanistan ở Pakistan và bắt đầu tạo dựng hình ảnh, uy tín của mình, từ đó tạo nên danh tiếng là người lương thiện và khả kính trong cộng đồng Afghanistan.

Khoảng giữa thập niên 1980, Osama chuyển sang sống tại Afghanistan, điều hành việc xây dựng đường sá, đào hệ thống hầm trú ẩn cho các phiến quân Hồi giáo hay còn gọi là các mujahadeen - những người đang chống lại Liên Xô.

Tuy nhiên, sự căm ghét của Osama với Moscow đã chuyển hướng sang Washington sau khi 300.000 lính Mỹ, bao gồm cả phụ nữ, được triển khai ở Ả Rập Xê Út trong cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất.

Bin Laden đã thề sẽ báo thủ sự báng bổ này. Bin Laden được cho là chủ mưu của vụ đánh bom Tòa Đại sứ Mỹ ở Nairobi (Kenya). Cùng với các "chiến hữu" của mình, Bin Laden đã truyền bá những kỹ năng chiến đấu và lòng sùng bái đạo Hồi cho nhiều thành phần chống Mỹ ở Trung Đông.

Mỹ đã gây áp lực để chấm dứt khoảng thời gian cư trú của Bin Laden ở Ả Rập Xê Út, nước tước quyền công dân của Bin Laden vào năm 1994. Sau khi đến Sudan, Bin Laden trở lại Afghanistan vào tháng 1.1996.

Tại Afghanistan, Osama đã đóng góp tài chính phát triển tổ chức Maktab Al-Khidamat (MAK), một tổ chức tuyển dụng nhân sự nhằm kiếm tài chính cho các tổ chức từ thiện Hồi giáo trên khắp thế giới. Tại đây, Bin Laden cũng bắt đầu kết hợp với phiến quân Taliban rồi hình thành và lãnh đạo mạng lưới khủng bố Al-Qaeda làm cho Mỹ phải điên đầu trong những phi vụ tiếp theo.

Liên tục làm nước Mỹ điên đảo

Trước khi dùng máy bay khủng bố hai tòa tháp đôi tại New York, Osama Bin Laden đã lọt sớm lọt vào danh sách truy nã hàng đầu của nước Mỹ bởi các vụ tấn công không thương tiếc vào những người Mỹ trên khắp thế giới.

Tháng 8.1998, Osama đứng ra nhận trách nhiệm cùng 16 chiến hữu của mình đã đánh bom hai tòa nhà đại sứ Mỹ tại Kenya và Tanzania khiến 224 người chết và gần 5.000 người bị thương.

Khi ấy, Osama đã bị lực lượng FBI đưa vào danh sách truy nã toàn cầu với số tiền thưởng lên đến 25 triệu USD cho những người cung cấp thông tin để lấy được tính mạng của ông trùm khủng bố này.

Những tưởng lúc đó, Osama đã bị tiêu diệt khi Mỹ cử một lực lượng hùng hậu về thủy quân sang Afghanistan trong 6 tuần để truy sát đối tượng. Tuy nhiên, Osama đã nhanh chân trốn thoát trước đó một giờ đồng hồ trước khi lính Mỹ ra tay.

Sau khi đánh bom tại châu Phi, Bin Laden bắt đầu chuyển hướng sang tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới tại New York vào năm 1993. Hai năm sau đó, lại cuộc một vụ khủng bố bằng bom vào xe hơi lại được ông trùm này thực hiện tại thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê Út khiến 19 lính Mỹ thiệt mạng.

Mối thâm thù của Osama và nước Mỹ như không đội trời chung. Trùm khủng bố này từng có một câu bất hủ để chống lại người Mỹ khi nói rằng: "Tôi luôn luôn giết những người Mỹ bởi vì bọn họ giết chúng tôi. Khi chúng tôi tấn công nước Mỹ, chúng tôi không để ý những người khác".

Hàng loạt vụ đánh bom tiếp theo lại được Bin Laden "đạo diễn" nhưng các vụ xảy ra tại Nairobi và Dar es Salaam của ông trùm này chỉ làm chết và bị thương một số người châu Phi chứ không có một người Mỹ nào thiệt mạng.

Lúc ấy có thông tin cho rằng Osama đã củng cố lực lượng khủng bố nổi tiếng Al-Qaeda của mình bằng cách tiến tới trang bị vũ khí hạt nhân.

Sự hiện diện trong thế giới ngầm của Bin Laden là một nỗi lo ngay ngáy đối với Nhà Trắng trong giai đoạn này. Để rồi một kịch bản không tưởng nhất cuối cùng đã xảy ra vào ngày 11.9.2001, lúc ấy nước Mỹ đã bị Osama Bin Laden tấn công trong bàng hoàng và đau khổ tột cùng.

Vụ việc cướp hai chiếc máy bay và dùng chúng đâm thẳng vào hai tòa tháp đôi World Trade Center (Trung tâm Thương mại Thế giới) tại New York đã khiến khoảng 3.000 người thiệt mạng, hàng ngàn người khác bị thương.

Đó là cú sốc và nỗi đau lớn nhất của nước Mỹ kéo dài trong gần 10 năm qua. Chính quyền Mỹ sau hàng loạt vụ điều tra đã khẳng định Bin Laden là người cầm đầu vụ khủng bố man rợ này.

Ông trùm khủng bố sau đó cũng không ngần ngại đứng ra nhận trách nhiệm để rồi lui vào bóng tối trong cuộc truy tìm ròng rã 10 năm của lực lượng an ninh Mỹ.

Trước khi bị Mỹ kết liễu, Osama chính là một trong số 10 đối tượng hàng đầu đang được FBI truy nã toàn cầu. Theo nhận dạng của FBI, Osama là một người đàn ông khá cao khoảng 1m93 - 1m98, nặng khoảng 75kg, da ngăm nâu màu ô liu, thuận tay trái, hay sử dụng gậy trong di chuyển.

Thành Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.