VNPT thoái vốn khỏi MobiFone hoặc Vinaphone

29/04/2011 23:31 GMT+7

Tin tức về việc Tập đoàn bưu chính - viễn thông VN (VNPT) sẽ phải thoái vốn tại một trong hai mạng di động Vinaphone hoặc MobiFone sau khi Nghị định 25/2011-CP có hiệu lực đang thu hút sự chú ý đặc biệt của giới đầu tư. Tuy nhiên, hiện không có gì đảm bảo cơ hội này sớm thành hiện thực.

 

Nhà đầu tư quan tâm tới việc VNPT sẽ thoái vốn ở MobiFone và Vinaphone - ảnh: D.Đ.M

Theo khoản 1 điều 3 Nghị định 25/2011/NĐ-CP (NĐ-25) quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông, một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một DN viễn thông thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của DN viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông thuộc danh mục dịch vụ viễn thông do Bộ TT-TT quy định.

Chọn 1 trong 2

Ngay sau khi NĐ-25 được ban hành đầu tháng 4.2011, giới đầu tư và các doanh nghiệp viễn thông đã đặc biệt quan tâm đến số phận hai mạng di động

Cần cổ phần hóa nhanh hơn

Trả lời Thanh Niên, ông Jacques Fulcrant - Tổng giám đốc FCR Vietnam, công ty nhánh của France Télécom (Pháp) - cho rằng quyết định cổ phần hóa hay sáp nhập hai DN viễn thông như MobiFone và Vinaphone là hoàn toàn phụ thuộc vào Chính phủ. Cổ phần hóa sẽ là một giải pháp tốt hơn, bởi nếu sáp nhập hai nhà mạng này thì thị trường viễn thông VN sẽ chỉ còn hai nhà mạng lớn độc quyền, và điều này có thể ảnh hưởng không tốt đến cạnh tranh lành mạnh.  Tổng giám đốc FCR Vietnam cảnh báo việc trì hoãn cổ phần hóa quá lâu sẽ làm các nhà đầu tư bớt quan tâm hơn, vì khi thị trường viễn thông đã trở nên bão hòa thì giá trị tiềm năng của DN viễn thông đó cũng giảm.

T.Sơn

Vinaphone và MobiFone hiện đang do Tập đoàn bưu chính - viễn thông VN (VNPT) sở hữu 100% vốn. Với điều khoản “20%” này VNPT sẽ phải buộc phải tính toán lại cơ cấu vốn của mình. Một trong những cách thức được nhắc tới là việc VNPT sẽ phải bán 80% (ước tính lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng) vốn của một trong hai công ty trên cho các nhà đầu tư khác.

Theo ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ TT-TT), mục tiêu lớn nhất của điều khoản này là nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Việc VNPT đồng thời sở hữu cả Vinaphone và MobiFone với tỷ lệ như hiện nay sẽ làm cho sự cạnh tranh giữa 2 mạng di động này không thực chất, ông Hải nói.

Chưa rõ những tác động của điều khoản “20%” đến môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực di động của VN sẽ ra sao nhưng điều mà dư luận hiện nay dường như quan tâm hơn đó là cơ hội cho các nhà đầu tư khác đặt chân vào lĩnh vực vốn đang là “con gà đẻ trứng vàng” này của VNPT. Năm 2010, doanh thu MobiFone công bố đạt 36.034 tỉ đồng, trong đó lợi nhuận 5.860 tỉ đồng, còn doanh thu của Vinaphone đạt trên 28.172 tỉ đồng. Trong số 8.450 tỉ nộp ngân sách của VNPT năm 2010, riêng MobiFone đã chiếm 4.200 tỉ đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng với việc NĐ-25 có hiệu lực vào 1.6.2011,“VNPT đang ngồi trên lửa” khi thời hạn đang đến gần. Trên thực tế câu chuyện không đơn giản như vậy.

Bao giờ cho đến…

Theo luật sư Phạm Văn Phất, Trưởng văn phòng luật sư An Phát Phạm, NĐ-25 không đưa ra một mốc thời gian cụ thể nào cho việc thực hiện cơ cấu lại sở hữu vốn đối với các công ty viễn thông. TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển IDS, cho rằng điểu khoản này của NĐ-25 là “rất lỏng lẻo”. Lẽ ra phải quy định rõ thời hạn, ví dụ như Luật Doanh nghiệp năm 2005 (có hiệu lực năm 2007) quy định DN Nhà nước phải chuyển đổi trong vòng 4 năm, “Còn để thế này thì họ bảo tôi đang chuẩn bị đây... và quá trình chuẩn bị kéo dài chẳng hạn vài chục năm thì quy định trở nên vô nghĩa”, TS Nguyễn Quang A bình luận.

Vụ trưởng Vụ Viễn thông Phạm Hồng Hải cũng thừa nhận tiến độ xây dựng lộ trình cơ cấu lại vốn ở VNPT vẫn chưa thể xác định. Ông Hải cho biết việc thay đổi tổ chức của các tập đoàn kinh tế nhà nước sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Vì vậy phải sau thời điểm 1.6.2011, Bộ TT-TT mới có văn bản yêu cầu VNPT đề xuất phương án tổ chức của tập đoàn này. Theo ông Hải, Bộ TT-TT sẽ cố gắng thúc đẩy thông qua lộ trình này trong thời gian nhanh nhất. Tuy nhiên, tiến độ không nằm trong tay Bộ TT -TT mà còn phụ thuộc rất nhiều ý kiến các bộ ngành liên quan. “Chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian và chưa thể khẳng định được thời gian sẽ là bao lâu”, ông Hải nói.

Kinh nghiệm từ việc cổ phần hóa MobiFone được tiến hành từ 2005 đến nay vẫn chưa hoàn tất do có nhiều vướng mắc cho thấy có lẽ sẽ phải mất một thời gian rất dài nữa chuyện cơ cấu lại vốn của VNPT may ra mới có thể ngã ngũ.

Trường Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.