Chính phủ họp báo thường kỳ tháng 4: Không thắt thêm chính sách tiền tệ

29/04/2011 23:51 GMT+7

Dù CPI vượt mục tiêu 7%, đứng ở mức cao 9,64%, nhưng NH Nhà nước khẳng định không thắt chặt thêm chính sách tiền tệ. Trong khi đó, Chính phủ khẳng định vẫn ưu tiên kiểm soát lạm phát thông qua việc quyết liệt cắt giảm đầu tư công, quản lý chặt chẽ thị trường giá cả…

 

Chính phủ họp phiên thường kỳ từ 28 - 29.4 - ảnh: TTXVN

Nhập quá nhiều hàng xa xỉ

Đánh giá chung về tình hình kinh tế sau 4 tháng, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết xuất khẩu đạt nhiều kết quả ấn tượng, tổng kim ngạch ước đạt trên 26,9 tỉ USD, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất công nghiệp tăng 14%; nông nghiệp được mùa, được giá... Tuy nhiên, nền kinh tế còn nhiều khó khăn và đang phải đối mặt với ba thách thức lớn là lạm phát cao, nhập siêu cao trên 18% kim ngạch xuất khẩu và lãi suất cho vay trên 18%/năm. Đặc biệt, tình trạng nhập siêu cao do nền kinh tế nhập quá nhiều mặt hàng xa xỉ.

Lý giải nguyên nhân lạm phát vượt mục tiêu 7% đề ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết CPI tháng 4 tăng cao (3,32%) là do nhóm hàng giao thông vận tải, lương thực thực phẩm và vật liệu xây dựng tăng cao. Còn trong cả 4 tháng, CPI chịu áp lực tăng giá của tất cả các mặt hàng nguyên, nhiên liệu trên thế giới: xăng dầu, lương thực thực phẩm…, do tác động của đợt điều chỉnh giá điện, xăng, tỷ giá.

Truyền đạt kết luận của Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết mục tiêu hàng đầu của Chính phủ vẫn là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn sẽ cố gắng giữ tăng trưởng ở mức cần thiết - GDP bằng hoặc không quá thấp hơn so với năm ngoái để đảm bảo đời sống, công ăn việc làm cho người dân. Ngoài ra, Thủ tướng vừa đồng ý sẽ tăng cường hỗ trợ thêm 3 đối tượng khó khăn, gồm công nhân lao động khu vực ngoài nhà nước, đặc biệt ngành dệt, may, da giày, học sinh - sinh viên và lực lượng vũ trang.

Miễn giảm thuế TNCN: chờ tháng 7

Để kiềm chế lạm phát, theo ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng chỉ đạo thời gian tới cần quyết liệt cắt giảm đầu tư công, loại bỏ dự án kém hiệu quả, dừng dự án khởi công mới.

Liên quan đến kế hoạch điều chỉnh thuế TNCN và thuế TNDN, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết đã trình Chính phủ phương án điều chỉnh, nhưng trước mắt Thủ tướng chỉ đạo thực hiện trong thẩm quyền cho phép. Bộ Tài chính mới gia hạn giãn thuế TNDN thêm 1 năm, đối với việc miễn giảm thuế TNCN hay không thì còn phải chờ Quốc hội quyết định vào tháng 7 tới. Quan điểm của Bộ Tài chính, theo ông Ninh vẫn cân nhắc, xem xét thận trọng mức điều chỉnh và đối tượng, vì hiện tại số đối tượng phải nộp mang tính thường xuyên chỉ là 650.000 người/86 triệu dân. Trong số này khoảng 20% là người nước ngoài nộp 80% số thuế, 80% là người trong nước nộp 20% số thuế. “Khi xem xét nên cân nhắc hỗ trợ, miễn giảm cho đúng đối tượng, tránh giảm thuế cho người giàu”, ông Ninh nói.

Về thị trường tiền tệ, Phó thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết sau 4 tháng tăng trưởng tín dụng hơn 5%, so với mục tiêu dưới 20% trong năm nay vẫn cần phải thận trọng để kiểm soát. Tổng phương tiện thanh toán tăng 1,5% so với mục tiêu 15% là khá an toàn. Ông Tiến cũng cho biết thêm, trong khi chờ đợi phản ứng của thị trường đối với chính sách tiền tệ, trong 3 đến 6 tháng tới khả năng sẽ không thắt chặt thêm chính sách tiền tệ. 

Cũng theo ông Tiến, dù mức lạm phát cao lên tới 9,64%, nhưng NH Nhà nước trước mắt chưa tính tới việc “dỡ” trần lãi suất tiền gửi 14%/năm.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.