Trung Quốc tự mâu thuẫn về "đường lưỡi bò"

26/04/2011 23:58 GMT+7

Hôm qua, tại Hà Nội, Chương trình Nghiên cứu biển Đông, Học viện Ngoại giao tổ chức Hội thảo Quốc gia lần thứ hai về biển Đông với chủ đề “Tranh chấp chủ quyền tại biển Đông: lịch sử, địa chính trị và luật pháp quốc tế”.

 

Quang cảnh hội thảo “Tranh chấp chủ quyền tại biển Đông: lịch sử, địa chính trị và luật pháp quốc tế” tại Hà Nội hôm qua - ảnh: Trường Sơn

Theo các học giả, sau 2 năm kể từ hội thảo khoa học quốc gia lần I với cùng đề tài (tháng 3.2009), các diễn biến gần đây cho thấy khu vực biển Đông đã có những thay đổi trên một số bình diện. Từ chỗ chỉ là tranh chấp giữa các nước trong khu vực đã trở thành một trong những vấn đề quốc tế, được đem ra bàn thảo ở những diễn đàn đa phương quốc tế, đồng thời trở thành vấn đề nổi bật trong chương trình nghị sự của ASEAN, thể hiện rõ quyết tâm chuyển từ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) sang Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) và cùng với đó là sự thay đổi trong lập trường của một số bên liên quan, quá trình đàm phán về vấn đề biển Đông cũng bắt đầu có nhiều chuyển biến...

Cần xác định rõ những hành vi không được phép tiến hành

Về việc xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở biển Đông, các học giả cho rằng COC chưa phải là phương tiện để giải quyết các tranh chấp mà sẽ là một công cụ để xây dựng lòng tin nhằm tạo môi trường hòa bình, ổn định, tin cậy lẫn nhau và khuyến khích hợp tác sử dụng và quản lý biển Đông một cách hòa bình. Do vậy, COC không nên dừng lại ở cam kết của các bên thực hiện các nguyên tắc khung, mà cần phải xác định rõ những hành vi không được phép tiến hành. Ngoài ra, COC cũng cần quy định những điều kiện và cơ chế thích hợp cho phép các bên tăng cường đối thoại, giảm thiểu căng thẳng. Trước mắt, các bên cần thúc đẩy thực thi đầy đủ DOC ký giữa TQ và ASEAN năm 2002.

Theo phân tích tại hội thảo, kể từ thời điểm 7.5.2009, một cuộc chiến pháp lý hoàn toàn mới về lượng và chất liên quan đến “đường lưỡi bò” lại nổ ra giữa các nước có tranh chấp ở biển Đông. Lần đầu tiên các bên sử dụng diễn đàn LHQ và cũng là lần đầu tiên Chính phủ Trung Quốc (TQ) chính thức đưa "đường chữ U" (hay còn gọi là "đường lưỡi bò") ra trước công chúng, thay vì thái độ mập mờ như trước đó. Cũng từ việc này đã dấy lên làn sóng phản đối "đường chữ U", từ đó bác bỏ chuyện TQ tuyên bố cho rằng "đường chữ U được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi từ lâu”.

Liên quan đến các công hàm mới đây của Philippines và TQ, trong khi Philippines lập luận theo Luật Biển thì những đường như "đường chữ U" là không có cơ sở theo luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS), thì TQ lại nhắc đến các quyền lịch sử và tìm cách hài hòa giữa quyền lịch sử và Luật Biển hiện đại bằng cách tuyên bố quần đảo Nam Sa (cách gọi của TQ, tức Trường Sa của VN) hoàn toàn có các vùng lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Đây là một điểm mới khác hẳn với các tuyên bố khuôn mẫu trước kia của TQ.

Trong khi Philippines phản đối đích danh đường đứt khúc 9 đoạn thì công hàm của TQ lại không hề đả động chút nào đến "đường chữ U" này. So sánh hai công hàm 2009 và 2011 của TQ lại càng thấy hai công hàm này mâu thuẫn nhau. Trong khi Công hàm 7.5.2009 của TQ đòi hỏi “đối với chủ quyền không thể tranh cãi của TQ trên các đảo trong biển Nam Trung Hoa và các vùng nước kế cận...”, tức theo "đường chữ U", thì Công hàm 14.4.2011 lại lờ đi "đường chữ U" này mà cho rằng quần đảo Nam Sa có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Luật Biển UNCLOS. Theo một ý kiến đưa ra tại hội thảo, nếu theo các lập luận của TQ thì cả các thành phố như TP.HCM hay Manila (Philippines) và Kuala Lumpur (Malaysia)... đều rơi vào vòng ảnh hưởng của "đường chữ U" và “các vùng biển liên quan”!

Theo các nhà nghiên cứu, việc hai công hàm trong vòng 2 năm có những mâu thuẫn nhau cho thấy chính bản thân TQ còn lẫn lộn và mâu thuẫn với chính họ, không biết giải thích thế nào về "đường lưỡi bò" cho có lý. Hoặc cũng có thể đây là lập trường nhất quán cố tình tạo lẫn lộn, áp dụng tùy tiện lúc theo Luật Biển lúc theo yêu sách lịch sử theo kiểu “mèo trắng mèo đen miễn bắt được chuột” - một chiến thuật mập mờ thường hay được sử dụng để buộc dư luận phải “tin” vào những điều vô lý?

4 kịch bản ở biển Đông

Về các kịch bản có thể diễn ra ở biển Đông trong thời gian tới, các học giả cho rằng có thể có 4 kịch bản xảy ra. Một là, tình hình khu vực sẽ tốt hơn hiện nay nếu như các bên, đặc biệt là TQ, hành xử đúng theo những gì họ đã nói, đó là “Tạo dựng biển Đông thành một vùng biển hòa bình và hợp tác”. Hai là, tình hình sẽ cơ bản như hiện nay, quá trình hợp tác và đấu tranh tiếp tục và đan xen lẫn nhau. Ba là, tình hình xấu hơn hiện nay, tức mặt xung đột, tranh chấp nhiều hơn hợp tác nhưng chưa có xung đột quy mô lớn. Bốn là, xảy ra xung đột lớn.

Theo các nhà nghiên cứu, các yếu tố tác động đến tình hình biển Đông trong thời gian tới bao gồm: thái độ và cách ứng xử của TQ, thế và lực của VN, mức độ can dự của quốc tế và Mỹ đối với các tranh chấp trên biển Đông và mức độ đồng thuận giữa các nước ASEAN về vấn đề này. Bên cạnh đó, còn có nhân tố thuộc về vấn đề nội bộ của TQ và tình hình biển Đông cũng có quan hệ chặt chẽ và tác động với tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên và an ninh eo biển Đài Loan.

Nguyên Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.