Quyết liệt kiềm chế lạm phát

26/04/2011 00:15 GMT+7

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm nay đã tăng đến mức 9,64%, vượt xa chỉ tiêu dưới 7% mà Quốc hội đã đề ra. Theo các chuyên gia kinh tế, nếu không thực hiện các giải pháp quyết liệt thì CPI cả năm có thể lên đến 15 - 17%.

Cần thực hiện đồng bộ

TS Lê Thẩm Dương - trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho rằng các giải pháp thực hiện như thế nào đã được Nghị quyết 11 của Chính phủ nêu khá rõ. Quan trọng nhất là việc triển khai thực hiện còn chưa quyết liệt và đồng bộ. TS Dương phân tích: Bài học từ thị trường vàng, USD trong những tháng đầu năm đã cho thấy rõ nếu chính phủ kiên quyết thì có thể thực hiện được việc ổn định những thị trường này.

 
Diễn biến của lạm phát những tháng cuối năm khó lường - Ảnh: H.Việt

Chính phủ không nên đồng ý tăng giá những hàng hóa cơ bản như xăng dầu, điện từ nay đến cuối năm

PGS-TS Nguyễn Văn Trình

Vì vậy trong những tháng qua, Chính phủ đã thực hiện giải pháp kiểm soát tổng cầu bằng chính sách tiền tệ tốt nhưng CPI vẫn chưa thể giảm theo mong muốn. Đó là vì chi tiêu công và đầu tư công chưa giảm khiến tổng cầu cũng không thể giảm theo. Ngay cả việc cắt giảm đầu tư công vẫn cứ loay hoay khiến những người dân bình thường cũng thấy vô lý. Bởi những chỉ tiêu căn bản để xác định dự án nào chưa cần thiết các bộ, ngành có thể dễ dàng đưa ra để cắt giảm ngay mà không cần phải đợi đến hướng dẫn của Chính phủ.

Bên cạnh đó cũng phải thực hiện ngay việc kiểm soát từ hàng rào kỹ thuật để giảm mức nhập siêu xuống thấp nhất. “Chúng ta cứ triển khai quyết liệt đúng các giải pháp mà Nghị quyết 11 đã nêu. Khi đó có thể tăng trưởng GDP của VN chỉ còn ở mức 3-4% nhưng chắc chắn sẽ xử được vấn đề lạm phát. Nhiều quốc gia trong thời kỳ khủng hoảng chỉ kỳ vọng GDP tăng 1-2%, thậm chí chấp nhận GDP tăng trưởng âm nhưng để giữ ổn định nền kinh tế. Nếu kéo dài việc tăng lãi suất thì các doanh nghiệp (DN) không dám vay, không dám đẩy mạnh sản xuất thì lại càng mất cân đối tiền - hàng và lạm phát lại cứ tiếp diễn”, TS Dương khẳng định.

Cần có chính sách hỗ trợ người thu nhập thấp

Phân tích của các chuyên gia cho thấy, sau 3 năm lạm phát thì mức độ giá tăng xấp xỉ 50%. Hay nói cách khác, nếu một người thu nhập không thay đổi về mặt danh nghĩa thì thu nhập thực của họ giảm 50% trong 3 năm qua. Điều đó khiến một loạt những người cận ngưỡng nghèo hoàn toàn đã có thể rớt xuống ngưỡng nghèo, trở thành người nghèo. Cộng thêm sức ép giá cả trong năm nay thì gánh nặng về đảm bảo mức sống, đảm bảo phúc lợi cho người dân cực kỳ quan trọng đối với Chính phủ trong 6 tháng cuối năm. Nếu không có chính sách đúng đắn thì e rằng rất nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn và có thể có xáo trộn về mặt xã hội.

Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội, nhận xét lạm phát ở ngưỡng hai con số hiện nay bộc lộ rõ điểm yếu của công tác cung ứng thị trường khi trong rổ tính chỉ số CPI thì chỉ số giá các mặt hàng lương thực thực phẩm tăng vào hàng cao nhất. Do đó, TS Phong dự báo CPI tháng 5 sẽ không cao như tháng 4, nhưng diễn biến các tháng còn lại sẽ phức tạp vì như thường lệ, các tháng cuối năm thường xảy ra thiên tai lũ lụt. Nếu thực hiện nghiêm túc các giải pháp kiềm chế lạm phát đã được đưa ra rất đầy đủ trong Nghị quyết 11 của Chính phủ chắc chắn việc chống lạm phát sẽ thành công.

Hỗ trợ sản xuất

Theo dự báo của TS Nguyễn Minh Phong, CPI cả năm sẽ ở mức tăng 13 - 15%. Còn nếu áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện, giá xăng dầu nhưng không được kiểm soát có thể tiếp tục tạo áp lực lớn tăng lạm phát, thì CPI có thể tăng 15 - 17%. Vì vậy cần tăng cường sản xuất sản lượng lương thực thực phẩm để cân đối nhu cầu và giữ giá. “Tại sao thịt bò, lợn, rau... lại tăng giá cao, trong khi chúng ta có thế mạnh về sản xuất? Vì thế, nếu có chương trình hỗ trợ tín dụng đặc biệt để tăng sản lượng, thì kiềm chế lạm phát sẽ có hiệu quả trong vòng 2 - 3 tháng tới”, TS Phong đề xuất.

Thế nhưng, quan điểm của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, khó đảm bảo được giá lương thực thực phẩm ở mức "chấp nhận được" do giá đầu vào tăng nhanh vì bị ảnh hưởng của giá thế giới. “Chúng ta nên hết sức thận trọng trong việc tăng giá điện, giá xăng dầu, bởi đây là hai nhân tố lớn nhất làm cho lạm phát tháng 4 đi khác với quy luật của nhiều năm trước. Hơn nữa, một khi giá xăng dầu, giá điện vận hành theo cơ chế thị trường thì giá điện sẽ tăng 3 tháng một lần. Nghĩa là, tháng 6 sẽ là kỳ hạn tăng giá điện, lúc đó sẽ đẩy giá cả lên cao không thể hình dung được, cộng với giá xăng dầu có thể cũng sẽ tăng”, bà Lan lo ngại.

Tương tự, PGS-TS Nguyễn Văn Trình - Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng đề xuất Chính phủ không nên đồng ý tăng giá những hàng hóa cơ bản như xăng dầu, điện từ nay đến cuối năm. Việc điều chỉnh giá các mặt hàng này theo giá thị trường là cần thiết nhưng không phải lúc “dầu sôi lửa bỏng” hiện nay.

Thực tế ghi nhận, tỷ lệ lạm phát ở ngưỡng hai con số trong năm 2010 khiến DN không dám mạnh tay trong các chiến lược kinh doanh năm 2011. Do đó, nếu năm 2011 lạm phát cao, DN sẽ lại bi quan, góp phần khiến nền kinh tế khó có mức tăng trưởng tốt; công ăn việc làm của người lao động không được đảm bảo... Và như vậy, vòng luẩn quẩn của lạm phát tiếp tục diễn ra. Đặc biệt khi lãi suất quá cao, các DN không dám mạnh tay sản xuất thì tổng cung cho xã hội lại không thể tăng như mong muốn. Việc hỗ trợ để thúc đẩy sản xuất, đặc biệt cho các DN vừa và nhỏ cũng cần phải được thực hiện song hành với những giải pháp thắt chặt tổng cầu như đã nói ở trên.

M.Phương - N.T.Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.