Định hướng cho con

26/04/2011 15:45 GMT+7

Chuyện tranh cãi, mâu thuẫn trong cách dạy dỗ và định hướng tương lai cho con xảy ra ở không ít gia đình.

Khẩu chiến vì con

Hằng - nhân viên văn phòng (Q.Đống Đa, Hà Nội) vứt tan cái chén ăn cơm chỉ vì bị chồng chê là cô không đủ trình độ dạy con. Một bữa tối gia đình lẽ ra phải vui vẻ, ấm áp sau một ngày làm việc căng thẳng lại biến thành một cuộc khẩu chiến dữ dội.

 

 Không ít cặp vợ chồng mâu thuẫn vì bất đồng cách dạy con - Ảnh: SHUTTERSTOCK

Anh Đức - chồng Hằng, vốn là một kỹ sư máy tính, khăng khăng đòi dạy cậu con trai 6 tuổi theo ý mình và yêu cầu vợ không can thiệp với lý do chồng có trình độ văn hóa cao hơn. Theo đó, anh đưa ra một lịch sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi, thể dục và học tập cho cậu con cưng rất kín, khiến thằng bé không khỏi than vãn với mẹ. Xót con, Hằng lại đấu tranh với chồng và lần nào cũng xảy ra cãi cọ căng thẳng. Hằng không ít lần tức giận mang con về nhà bố mẹ đẻ, sau đó lại dịu xuống khi chồng tới xin lỗi, song mọi việc lại đâu vào đấy.

Không ít gia đình khác cũng rơi vào trường hợp tương tự. Bố mẹ nhiều khi không thống nhất cách dạy dỗ con cái như: chồng muốn con theo học khối A, vợ lại thích con học khối D, bất chấp con mình không hề muốn học cả hai khối trên. H. -  một cựu học sinh trường THPT Việt Đức, Hà Nội - từng chán nản và tuyệt vọng khi thi trượt đại học bởi cậu là nạn nhân của việc bố mẹ tranh giành trong cuộc chiến định hướng tương lai cho con.

Cậu cho biết bố rất cổ hủ với quan niệm xưa khi luôn cho rằng con trai là phải theo khối A mới thành người đàn ông mạnh mẽ, còn học các khối khác, đặc biệt khối C hoặc D sẽ trở nên ẻo lả, yếu ớt, mất nam tính. Trong khi đó mẹ của H. lại khăng khăng muốn con học khối D vì theo bà, ngoại ngữ là chìa khóa vạn năng của tương lai, mở được mọi cánh cửa ra thế giới. Thế là H. bị đào tạo theo kiểu lúc khối A lúc khối D tới mức “tẩu hỏa nhập ma”, nhiều lúc phát điên lên vì không biết phải xoay xở ra sao để hài lòng cả bố và mẹ. Trong khi đó cậu lại rất đam mê học vẽ và khát khao thi vào trường đại học kiến trúc hoặc mỹ thuật. Cậu phải nhịn ăn tiêu, giấu bố mẹ để có tiền đóng học phí luyện vẽ. Tuy rất bí mật nhưng rốt cục H. vẫn bị lộ và bị cả bố lẫn mẹ kịch liệt phản đối, ép bỏ học vẽ và từ bỏ luôn giấc mơ của mình. Hai năm lớp 10, 11 cậu bị ép học theo khối A nhưng năm lớp 12 lại bị chuyển sang khối D do sức ép của mẹ quá lớn, nên kết quả cậu đã thi trượt.

Hãy chỉ làm cố vấn cho con

Nhiều bậc phụ huynh do quá lo lắng cho tương lai của con, nên thường không tránh khỏi việc thay con chọn ngành học mà không hề tính toán tới việc con mình thực sự có khả năng và yêu thích học ngành đó hay không. Không ít cha mẹ thường áp giấc mơ thời trẻ của mình lên con cái, ra sức cổ vũ và gây áp lực lên con một cách trực tiếp hoặc gián tiếp chọn ngành học mà mình yêu thích. Việc làm này thực sự gây nên rất nhiều hậu quả sai lầm. Không ít người con thuận theo ý cha mẹ phải học và làm những ngành mà họ không thích, từ đó gây tâm lý chán nản và tiếc nuối sau này.

Các bậc phụ huynh nên đứng ở góc độ là chuyên viên cố vấn, cùng hỗ trợ con phân tích xem liệu con có khả năng bao nhiêu phần trăm để theo đuổi ngành học mà con yêu thích. Khuyến khích con nên theo đuổi ước mơ và dũng cảm kiên trì con đường mà con đã lựa chọn. Tất nhiên đừng quên cùng con phân tích những ưu - khuyết của con mình đối với ngành học mà con yêu thích, cố tạo ra cơ hội cho con trải nghiệm nghề nghiệp gần giống để từ đó chỉ ra trước những khó khăn và tình huống xấu nhất mà con mình có khả năng vấp phải.

Ngọc Bi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.