Sớm thu hồi đất công sử dụng sai mục đích

25/04/2011 21:52 GMT+7

Rất nhiều bạn đọc đã có ý kiến phản hồi chung quanh bài viết “Ông lớn” cố thủ đất công đăng trên Thanh Niên ngày 25.4.

Thu hồi nếu sử dụng không đúng mục đích

Theo tôi, Nhà nước cứ chiếu theo luật mà làm, đất giao cho đơn vị nào mà không thực hiện dự án (DA) đúng tiến độ, có dấu hiệu chây ì, lãng phí, sử dụng đất công không đúng mục đích thì thu hồi, giao cho đơn vị khác thực hiện. Nếu được như vậy thì dù “ông lớn” hay “ông nhỏ” cũng đều có trách nhiệm thực hiện DA, tránh lãng phí. Vấn đề cốt lõi ở đây vẫn là sự quản lý của Nhà nước còn mang tính cả nể, thậm chí “lãng quên” các DA này. Thanh Thức ( thanhthuc98@yahoo.com)

 
Minh họa: DAD

Sao bên trọng bên khinh?

Sau khi đọc bài viết này, tôi thực sự bức xúc: Tại sao đất của nhân dân dù thực hiện các DA nhằm mục đích kinh doanh nhà nước, ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận lại tiến hành cưỡng chế, giải tỏa thu hồi mặt bằng một cách sốt sắng, nhanh nhạy thế, trong khi các DA lớn, đất công thì việc giải tỏa, thu hồi mặt bằng lại ì ạch, chậm trễ? Có phải cha chung không ai khóc? Hay vì người dân thì dễ “cưỡng chế” hơn là các cơ quan, đơn vị nhà nước? Phải thực hiện chủ trương, chính sách nhà nước cho công bằng chứ. Đặng Nguyễn Tuấn Anh ( Phạm Thế Hiển, Q.8, TP.HCM)

Chỗ ăn không hết nơi lần không ra

Trong khi một số đơn vị nhà nước không có trụ sở để hoạt động hoặc phải thuê mướn, tiêu tốn tiền ngân sách thì một số cơ quan khác được Nhà nước giao đất, thậm chí giao diện tích lớn lại bỏ hoang, cho thuê lại, sử dụng sai mục đích… Đó là sự bất công, gây lãng phí. Nhà nước cần sớm rà soát lại tình trạng đất công bị bỏ hoang, chưa khai thác hết tiềm năng để có hướng xử lý sớm, tránh lãng phí, tránh gây bức xúc trong dư luận. (tienquancamau@yahoo.com)

Do cơ chế quản lý

Theo tôi, một trong những lý do các “ông lớn” cố thủ đất công để trống, cho thuê hoặc sử dụng sai mục đích bắt nguồn từ nguyên nhân cơ chế quản lý của chúng ta quá lỏng lẻo. Đất công là đất nhà nước, các “ông lớn” ôm đất, cho thuê theo giá thị trường nhưng báo cáo và giấy tờ thì thuê theo giá nhà nước, chênh lệch rất lớn và họ hoàn toàn có thể trục lợi. Bên cạnh đó, việc không đủ khả năng thực hiện các DA cũng khiến các “ông lớn” ôm đất để “chờ thời”, tìm cách xoay xở. Nếu Nhà nước có cơ chế quản lý tốt, tiêu chuẩn rõ ràng, thời hạn bao lâu phải thực hiện DA, nếu không sẽ thu hồi thì chắc chắn tình trạng lãng phí sẽ không xảy ra và các “ông lớn” sẽ không còn dám ôm đất công. Gia Thiện (Ngô Tất Tố, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

Ban CTBĐ
(tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.