Hiệp hội Truyền hình trả tiền: Toa tàu sẽ đi đúng ray?

24/04/2011 22:55 GMT+7

Sau những “lùm xùm” trong quá trình vận động, cuối cùng Hiệp hội Truyền hình trả tiền cũng đã ra mắt vào ngày 23.4.

Những hứa hẹn về sự phát triển mới của ngành dịch vụ này được mở ra, song câu trả lời cho việc có còn những cuộc chạy đua bản quyền quyết liệt giữa các nhà đài, lợi ích của khán giả truyền hình có được đảm bảo… thì vẫn còn bỏ ngỏ.

Cách đây 5-6 năm, người ta đã bàn đến việc thành lập hiệp hội này, bởi đó là nhu cầu cấp thiết. Sự nở rộ như “nấm mọc sau mưa” của các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền (pay TV - theo thống kê có khoảng 50 đơn vị hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ gồm truyền hình cáp, kỹ thuật số, vệ tinh, di động) dẫn đến những cạnh tranh theo chiều hướng tiêu cực, việc tranh chấp bản quyền truyền hình ngày càng gay gắt mà đỉnh điểm là vụ K+ vào năm ngoái càng cho thấy nhu cầu cần thiết phải có một tổ chức trung gian kết nối, hòa giải.


Những người trong cuộc vẫn hoài nghi về vai trò của Hiệp hội Truyền hình trả tiền - Ảnh: Bạch Dương

Giải quyết vấn đề bản quyền truyền hình là một trong những việc được quan tâm hàng đầu khi thành lập hiệp hội. Ông Nguyễn Thanh Lâm, nguyên Trưởng ban biên tập Trung tâm Truyền hình cáp Việt Nam, cho biết: “Trong thời kỳ hội nhập, vấn đề bản quyền càng ngày càng trở nên quan trọng”. Chỉ vì mạnh ai nấy chạy trong các cuộc đấu thầu, mà nhiều đơn vị Việt Nam phải mua bản quyền các giải bóng đá quốc tế với cái giá bất hợp lý, cao gấp nhiều lần so với các nước trong khu vực và chịu thiệt thòi nhiều nhất không ai khác chính là khán giả. 

Nếu hiệp hội hoạt động kém, hoặc bị chi phối bởi lợi ích nhóm - đây là trường hợp nguy hiểm nhất, thì có khi tình hình còn tồi tệ đi so với lúc chưa thành lập

Ông Trần Đăng Tuấn, Tổng giám đốc AVG
“Kinh doanh truyền hình trả tiền rất phức tạp từ việc mua bản quyền chương trình cho đến xây dựng cơ sở hạ tầng. Việc có hiệp hội sẽ giúp kết nối các đơn vị kinh doanh với nhau, có thể chia sẻ bản quyền, hay cơ sở hạ tầng, giúp giảm bớt thiệt hại về đường truyền, chi phí sản xuất, chi phí đầu vào, từ đó có thể giảm giá cước thuê bao cho người dân” - ông Nguyễn Thành Lương, Phó tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, cho hay.

Theo ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông), hiệp hội thành lập cùng với Quy chế Quản lý hoạt động truyền hình trả tiền bắt đầu được đưa vào áp dụng từ ngày 15.5.2011 có thể giúp cho “chất lượng, giá cả dịch vụ dành cho người tiêu dùng tốt hơn”.

Ông Trần Đăng Tuấn - Tổng giám đốc Công ty CP nghe nhìn toàn cầu AVG - từng nhìn nhận sự cấp thiết của việc ra đời hiệp hội còn ở chỗ các đơn vị truyền hình trả tiền Việt Nam cần phải tập hợp sức mạnh để đối phó với các đối thủ lớn mạnh hơn là các hãng truyền hình cáp nước ngoài có thể xâm nhập thị trường qua nhiều hình thức khác nhau.

Nguy cơ có thể gặp phải

Đại hội Hiệp hội Truyền hình trả tiền diễn ra vào ngày 23.4 tại Hà Nội. Trong phiên họp nội bộ vào buổi sáng (không cho phép báo chí tham dự), nhiều đại biểu cho biết đã có những cuộc tranh luận khá gay gắt, nhưng đó là “chuyện bình thường và tất nhiên phải thế”.

Nhìn vào danh sách 148 thành viên hiệp hội có thể thấy sự xuất hiện của hầu hết các “ông trùm” trong lĩnh vực truyền hình trả tiền của VN: Đài truyền hình Việt Nam, Tổng công ty truyền thông đa phương tiện VTC, Công ty truyền thông giải trí FPT, Công ty TNHH truyền hình cáp Saigontourist (SCTV), Công ty CP nghe nhìn toàn cầu AVG, Trung tâm kỹ thuật truyền hình cáp Việt Nam, Trung tâm truyền hình cáp TP.HCM, Công ty phần mềm và truyền thông VASC, Công ty TNHH truyền hình số vệ tinh VN (VSTV)…

Lợi ích từ việc thành lập hiệp hội truyền hình là thấy rõ, nhưng mới chỉ dừng lại ở mức kỳ vọng, hiệu quả ra sao thì phải chờ thời gian. Phát biểu trước đại hội trong vai trò Chủ tịch hiệp hội, ông Vũ Văn Hiến nhìn nhận một trong những khó khăn có thể gặp phải là việc kết nối giữa các hội viên chỉ dựa theo nguyên tắc thỏa thuận, hiệp thương chứ không ràng buộc về mặt pháp lý.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, hiệp hội chỉ là diễn đàn để các đơn vị  trao đổi với nhau, chứ không làm thay việc của mỗi đơn vị với những mục tiêu lợi ích, quan điểm phục vụ khách hàng khác nhau. Việc cạnh tranh giữa các đơn vị vẫn tiếp tục chứ không dừng lại. Còn theo ông Trần Đăng Tuấn, không phải hiệp hội ra đời thì đương nhiên mọi việc đều tốt đẹp. Ông cho rằng nếu hiệp hội hoạt động kém hiệu quả, trong trường hợp nguy hiểm nhất là bị chi phối bởi lợi ích nhóm, thì tình hình có khi còn tồi tệ hơn so với lúc hiệp hội chưa ra đời.

Tất nhiên, “toa tàu” hiệp hội truyền hình trả tiền vận hành trên đúng đường ray là kỳ vọng của không chỉ của các đơn vị kinh doanh mà còn của khán giả truyền hình.

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.