Quyền hư cấu của nhà văn

23/04/2011 23:13 GMT+7

Cuộc tranh luận về tiểu thuyết Hội thề của nhà văn Nguyễn Quang Thân đang tiếp tục với nhiều ý kiến xung quanh quyền được hư cấu của nhà văn trong tiểu thuyết lịch sử. Thanh Niên xin lược trích các ý kiến trái chiều.

Tiểu thuyết hiện đại đoạn tuyệt với sử thi

Trên một trang web, nhà phê bình Đỗ Ngọc Thạch đã bênh vực rằng: Chức năng cơ bản của tiểu thuyết hiện đại không phải là “minh họa” bằng một câu chuyện, một quan niệm về thế giới hay về lịch sử đã được xác lập,mà là làm phát lộ, bằng những con đường đặc trưng của nó,“cái mà chỉ có tiểu thuyết mới nói được”; vấn đề là làm cho bật ra cái không được nói bởi chính sử, các vùng trải nghiệm của con người mà các nhà sử học đã bỏ qua; là phá vỡ những điều đã được coi là niềm tin chắc chắn, các tính chính thống, các quan niệm về thế giới đã được thiết lập; là thám hiểm mặt lật ngược hay mặt trái của cái hình ảnh mà xã hội chúng ta đã tự xây dựng về chính mình... vì đó mới thật là chức năng riêng của tiểu thuyết, vì ngoài tiểu thuyết ra không có bất cứ loại diễn từ nào khác còn có thể làm được.

 
Trang bìa tiểu thuyết Hội thề (bìa mới tái bản)

Bài viết Sáng tác cần tôn trọng lịch sử của nhà văn Hoàng Tiến ngược lại ý kiến trên. “Tôi hoàn toàn đồng ý với nhà văn Trần Hoài Dương nhận xét: Nhà văn hoàn toàn có quyền hư cấu, tưởng tượng, nhưng cái cốt lõi là bản chất của nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử phải được tôn trọng. Mọi hư cấu, tưởng tượng của nhà văn rốt cuộc cũng chỉ để đạt được yêu cầu tối thượng sao cho nhân vật lịch sử ấy, sự kiện lịch sử ấy bộc lộ đúng nhất bản chất cốt lõi của mình”, ông Tiến nhận xét.

Nhà phê bình Đỗ Ngọc Thạch lại nhấn mạnh: không nên quên rằng tiểu thuyết, theo nghĩa hiện đại, được sinh ra chính bằng một cuộc đoạn tuyệt dứt khoát với sử thi - ở văn hào Rabelais, là người đã đùa nhại và biếm họa thể anh hùng ca, cười nhạo mà phá hủy nó từ bên trong, cũng như ở văn hào Cervantes, người đã đem đối lập một cách mỉa mai thể loại văn học hiệp sĩ với cái thông tục của cuộc sống thực  tại...

Nhà văn Trần Hoài Dương cũng băn khoăn: “Tôi đã đọc ngốn ngấu Hội thề. Phải công nhận anh Nguyễn Quang Thân viết rất già dặn, rất sinh động. Trong lĩnh vực tiểu thuyết lịch sử, không mấy ai viết được như anh. Còn về quan điểm lịch sử, về hình tượng các nhân vật, đặc biệt là các nhân vật kẻ thù trong Hội thề khiến tôi rất ngỡ ngàng. Tôi không hiểu nổi, sao anh Thân lại viết tác phẩm này?”. Ông Trần Hoài Dương cho rằng: Không thể hư cấu đến mức để cho bạn đọc khép cuốn sách lại, bỗng thấy quan quân Lê Lợi gồm những tướng tá nông dân đã ghét cay ghét đắng giới tri thức và quanh quẩn chỉ nghĩ chuyện hại nhau, mưu chước lật đổ nhau, tranh công hám lợi. Trong khi đó, Thái Phúc, tên hàng tướng của giặc Minh chạy sang hàng Lê Lợi, được tác giả dành cho những trang đầy ưu ái, y như một “hiền nhân quân tử”, học vấn uyên thâm, cư xử hòa nhã, đặc biệt là Vương Thông, không hiểu với quan điểm lịch sử nào mà tác giả lại thêu dệt cho tên tướng giặc có một nhân cách phải nói là không thua kém gì các danh tướng xưa nay, có một mối tình gần như huyền thoại.

Hội thề, Vương Thông trong thời gian chinh chiến ở Đại Việt có ăn ở như vợ chồng với một người đàn bà Việt, và yêu chiều hết mực. Đến khi phải đầu hàng, chuẩn bị giao lại Thăng Long cho Lê Lợi, Vương Thông đã vô cùng áy náy, thương xót cho số phận người đàn bà kia và sợ rằng quan quân Đại Việt sẽ giết hại người đàn bà này. Vì vậy đang đêm, Vương Thông cùng hai trăm tướng sĩ mở đường máu, phá vỡ phòng tuyến của quân Đại Việt, chỉ với mục đích duy nhất là bế được người đàn bà kia về tận làng quê, trao tận tay gia đình cô ta tấm thân kiều diễm của người đẹp. Từ sự hư cấu này, ông Trần Hoài Dương đặt vấn đề: “Hành động lãng mạn đó của Vương Thông đã nướng chết 75 lính và 50 con ngựa chiến của quân Minh, chưa kể số quân sĩ Đại Việt hy sinh trong cuộc tình rực lửa ấy... Tôi cứ cố nghĩ hết cách để lý giải vì sao nhà văn Nguyễn Quang Thân lại viết tiểu thuyết như thế này, với những vấn đề đặt ra khó hiểu và các nhân vật lịch sử được tô vẽ kỳ lạ như thế này... Tôi chịu, không tìm được lời giải đáp”.

Được chuyển thể từ kịch bản phim

Trên trang vanvn.net, nhà phê bình Lê Thành Nghị đã kiến giải sự thành công của tiểu thuyết rằng: Còn có những ý nghĩa khác nữa trong biên độ mở của Hội thề mà mỗi người đọc, theo cách của mình có thể cảm nhận, điều đó cũng chứng tỏ sự thành công của tiểu thuyết, khi sự gợi mở như một phẩm chất cần thiết văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng đã được hiện lên đậm đặc qua mỗi trang Hội thề. Nó giúp nghệ sĩ bớt lời thuyết giáo một cách tối đa và từ đó đạt tới một cách tối đa hiệu ứng lan tỏa của khám phá chân lý nghệ thuật. “Nhà văn Nguyễn Quang Thân đã rất dày công trước tư liệu, trước câu chữ, trước mối quan hệ giữa lịch sử - những vấn đề còn khuất lấp trong màn sương thời gian - và nghệ thuật tiểu thuyết hiện đại, trước chân lý lịch sử và chân lý nghệ thuật. “Lịch sử vốn luôn luôn tự nó, những khuất lấp, những trang trắng bí ẩn của lịch sử gợi cảm hứng khám phá đầy quyến rũ của nghệ sĩ. Tất cả có thể là những khả năng. Nhà văn là những người biến những khả năng ấy thành thẩm mỹ theo lôgic nghệ thuật. Và ở đây tài năng là yếu tố quyết định”, ông Lê Thành Nghị kết luận.

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo cho biết: “Tiền thân của tiểu thuyết này là kịch bản phim truyện Hội thề Đông Quan của chính tác giả, trong cuộc thi viết kịch bản phim mừng 1.000 năm Thăng Long. Trớ trêu thay, kịch bản giành giải nhất này không được dựng thành phim vì như tác giả trả lời phỏng vấn nhà văn Nguyễn Quang Lập trên Báo Sài Gòn Tiếp thị như sau: “Chỉ nghe nói dựng phim Hội Thề Đông Quan là một việc nhạy cảm, không được phép, thế thôi”.

Nhà văn Bảo Ninh từng tiết lộ sở dĩ kịch bản này không được dựng phim là do “nhạy cảm”. Một người trong ngành văn hóa cũng thừa nhận "tính nhạy cảm" là một trong những lý do không dựng phim. Hội thề, tuy là hội thề để đem lại hòa bình, nhưng vẫn liên quan đến đại thắng của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh, mà như thế thì... không có lợi. Thì ra là thế! Từ kịch bản phim truyện rất hoành tráng tả cảnh chiến thắng oai hùng của Lê Lợi trước quân Minh, tác giả đã sửa cho “mềm” hơn khi triển khai thành tiểu thuyết, để khỏi bị chê là “nhạy cảm”. 

Hội thề dưới con mắt nhà văn Phạm Viết Đào

Ưu: “Là một cuốn tiểu thuyết dụng công, sờ chạm tới được những vấn đề có tầm, có những đột phá và thu hút người đọc không dễ tính. Những mảng miếng, lớp lang cấu tứ nên hồn cốt được sắp đặt bởi một tay nghề có hạng trong làng tiểu thuyết Việt đương đại... Về phương diện tiểu thuyết hóa các vấn đề lịch sử, về mặt hình thức, Nguyễn Quang Thân đã thu hoạch được những thành công nhất định, có những đột phá về tay nghề, đã chế những sản phẩm mang giá trị thương phẩm, không hấp trộn màu mè…”. 

Khuyết: “Nếu như theo cách mô tả của tác giả, thì cái đám chủ chiến ấy, cái đám võ biền gắn kết với nhau một cách bản năng, do những tham vọng thôi thúc chứ họ chẳng có lý tưởng gì cao sang; thủ lĩnh của cái đám này tiêu biểu nhất, đứng đầu chính là Lê Lợi? Vì vậy mà đám học trò Thăng Long như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Nguyễn Thị Lộ… lạc vào đây như con công lạc vào đàn quạ? Nhìn nhận, đánh giá như vậy liệu có phi thực tế lịch sử? Cái bất cập của Hội thề do việc chọn điểm rơi sai; đó cũng chính là chỗ yếu, chỗ hụt hơi của Nguyễn Quang Thân khi xây dựng hình tượng nhân vật của hai tuyến nhân vật.

Tranh luận quanh tiểu thuyết "Hội thề" (phần 1)

Nguyễn Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.