Đỏ mắt tìm chỗ xem pháo hoa

23/04/2011 15:20 GMT+7

(TNO) Một tuần trước ngày khai diễn Cuộc thi pháo hoa quốc tế TP Đà Nẵng (DIFC 2011), "cò" vé tha hồ hét giá, còn người dân và du khách đỏ mắt tìm chỗ xem pháo hoa tại các nhà hàng, trên thuyền...

>> Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế 2010 tại Đà Nẵng

Cò vé lộng hành

Năm nay, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch (VHTTDL) TP Đà Nẵng phát hành 30.542 vé cho 2 đêm thi 29 và 30.4. Toàn bộ là vé khán đài C (gồm C1, C2, C3), vốn có sức chứa 16.068 người.

Phòng Quản lý cơ sở lưu trú (Sở VHTTDL) cho biết có đến khoảng 40% vé (tương đương 12.000 vé) được ưu tiên cho các nhà tài trợ do nhu cầu tăng gấp 3 lần so với DIFC 2010.

Từ ngày 10.4, TP Đà Nẵng đã tổ chức 5 điểm bán vé xem bắn pháo hoa. Như mọi năm, vé xem pháo hoa đêm khai mạc luôn hết trước vì có hơn 3 màn trình diễn so với đêm bế mạc. Một tuần trước ngày khai diễn DIFC 2011, các điểm bán chính thức đã “cháy” vé, trong khi đội quân "cò" vé lại không thiếu bất kỳ loại vé nào.


Đội quân "cò" vé hoạt động trước Nhà hát Trưng Vương

Ngay trước Nhà hát Trưng Vương, đội quân vé chợ đen luôn miệng mời chào người qua đường với giá 600.000 đồng/cặp vé hạng C, đắt hơn 200.000 đồng/cặp so với quy định.

Ngay cả giấy mời khán đài A và B chỉ dành cho quan chức, nhà tài trợ và khách VIP, lực lượng "cò" cũng có nốt. Giá của những giấy mời này tăng chóng mặt, hôm 17.4, "cò" vé hét 1,2 triệu đồng/cặp (khán đài A), 1 triệu đồng cặp/khán đài B. Chỉ 4 ngày sau đó, vé khán đài A đã tăng thành 1,8 triệu đồng/cặp.

Vé chợ đen được bán trên mạng còn cao hơn: vé C1 (gần điểm bắn hơn C2, C3) có giá 400.000 đồng/vé, C2 300.000 đồng và C3 250.000 đồng.

 
Vé chợ đen khán đài C ở mức 600.000 đồng/cặp, cao hơn quy định 200.000 đồng/cặp

Tấc đất tấc vàng

Anh Trần Trung Tín (trú Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng) rút kinh nghiệm: “Xem pháo hoa ở khán đài rất bất tiện nếu trời mưa như năm ngoái. Năm nay gia đình tôi định đặt chỗ ở nhà hàng trên đường Trần Hưng Đạo để vừa ăn uống vừa xem pháo hoa nhưng cũng khó kiếm”.

Vào dịp bắn pháo hoa, các nhà hàng, khách sạn cao tầng trên đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo và Trần Phú luôn chật kín khách đặt bàn. Khách đến xem pháo hoa trên tầng thượng và các ban công khách sạn phải trả khoảng 200.000 đồng/người kèm 1 loại thức uống.

 
Nhiều khách đã đặt chỗ xem pháo hoa tại Nhà hàng Lion City Singapore - Tầng 7 Khách sạn Sông Thu (đường Trần Phú)

Một số nhà hàng trên đường Trần Hưng Đạo cho biết chỉ nhận đặt bàn cho khách đoàn trên 10 người với giá 200.000 đồng/người và khách phải trả tiền trước, sau đó tính thêm nếu hóa đơn ăn uống phát sinh. Và vị trí bàn chỉ còn một ít nằm sâu bên trong quán.

Như mọi năm, bất cứ tấc đất trống nào dọc các tuyến đường này cũng có thể mọc lên quán nhậu, xếp bàn ghế để phục vụ khách ăn uống xem pháo hoa.

Tuy nhiên người dân và du khách không nên đặt chỗ ở quán cóc, vỉa hè, vì tại DIFC 2010, đã có nhiều người mất tiền oan, khi lực lượng quy tắc đô thị xử lý lấn chiếm vỉa hè trong dịp DIFC, các chủ quán đã bỏ của chạy lấy người.

Gửi xe cũng là một nỗi khổ của người xem bắn pháo hoa. UBND TP Đà Nẵng đã đưa ra quy định dành cho các tổ chức, cá nhân đăng ký dịch vụ giữ xe trong hai đêm 29 và 30.4 với mức thu tối đa: xe đạp 2.000 đồng, xe máy 5.000 đồng, ôtô dưới 9 chỗ ngồi 30.000 đồng, ôtô 9 - 30 chỗ ngồi 50.000 đồng, ôtô trên 30 chỗ ngồi 70.000 đồng/chiếc.


Những nhà cao tầng luôn là vị trí đắc địa để thưởng thức những màn pháo hoa hoành tráng

Vé dưới sông, giá trên trời

Nét mới của DIFC 2011 là UBND TP Đà Nẵng đã đồng ý cho Công ty Sen Xanh, Công ty Lâm Phú Gia, tàu du lịch Sông Hàn (Công ty VNECO) và tàu du lịch Hàn Giang (DNTN Hàn Giang) tổ chức đón khách xem pháo hoa trên sông Hàn với 12 thuyền, tương đương 1.000 chỗ.

Ngoài yêu cầu các tàu thuyền phải đảm bảo phao cứu sinh và an toàn cháy nổ, UBND TP Đà Nẵng cũng quy định giá vé du thuyền xem bắn pháo hoa không được quá 200.000 đồng/người/đêm.


Ngoài thuyền hoa, DIFC 2011 tổ chức 12 du thuyền đón khách xem pháo hoa trên sông

Nhưng thực tế, người dân phải bỏ tiền ra nhiều hơn so với quy định. Công ty Hàn Giang bán 200.000 đồng/vé và thu thêm 100.000 đồng/khách/đêm cho dịch vụ tham quan trên sông Hàn trước giờ DIFC 2011.

Công ty Sen Xanh bán 600.000 đồng/vé, bao gồm chi phí đi thuyền và 1 suất cơm gà, một suất thức uống và khăn lạnh.

 
Các trang mạng mặc sức hét giá vé xem bắn pháo hoa trên thuyền trái quy định

Chưa dừng lại ở đó, vé xem pháo hoa du thuyền trên mạng có nơi được "hét" đến 900.000 đồng/người/đêm. Công ty quốc tế D. với du thuyền T.S giải thích giá vé bao gồm cơm tối, nước uống, chương trình văn nghệ, bảo hiểm, thưởng thức đặc sản miền Trung…

Thậm chí, nhiều trang mạng còn hét giá vé xem pháo hoa trên du thuyền từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/người/đêm.

Trong cuộc họp tại Thành Ủy Đà Nẵng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng được giao nhiệm vụ giám sát chặt chẽ hoạt động của các tàu thuyền.

Bài ảnh: Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.