Coi chừng điều trị nhầm bệnh tuyến giáp

22/04/2011 20:01 GMT+7

Chẩn đoán nhầm và điều trị sai bệnh tuyến giáp có thể dẫn đến chậm phát triển trí tuệ, giảm chuyển hóa, ăn uống - hấp thu kém. Ở trẻ em có thể bị đần độn...

Bị thăm khám cẩu thả

Bướu giáp là một bệnh dễ chẩn đoán nhầm vì tuyến giáp có sự thay đổi kích thước theo lứa tuổi. Một tuyến giáp có thể có kích thước hơi lớn hơn khi bước sang tuổi dậy thì, đó là chuyện không phải là bất thường. Chính vì thế nếu chỉ chẩn đoán bướu giáp dựa vào “cảm quan” thì có thể dễ bị sai.

Tình huống này đã xảy ra với chị N.T.M.H (Hà Nội). Chị H. 22 tuổi, đã hơn 2 tháng nay cảm thấy như cổ mình có vẻ to hơn bình thường; soi gương, sờ nắn thấy vùng trước cổ to ra. Đọc sách báo tham khảo, cảm giác tuyến giáp của mình có vấn đề nên chị đi khám. Đến một phòng mạch tư, chị H. nói qua triệu chứng của mình, sau khi hỏi han vài câu, bác sĩ đếm nhịp mạch, sờ cổ, rồi cho luôn một kết quả: nhịp tim nhanh, cổ hơi to, chẩn đoán chị bị bướu cổ. Và, chị được bác sĩ này kê đơn thuốc có một loại hormone của tuyến giáp.

 
Không nên sử dụng thuốc chữa bệnh tuyến giáp tùy tiện - Ảnh: Tư liệu

Do được khám, chẩn đoán quá nhanh, chị H. thấy lo ngại nên vội đến khám tại bệnh viện thì lại cho kết quả bình thường. Sau khi được siêu âm, kết quả tuyến giáp của chị không to. Xét nghiệm hormone tuyến giáp T3, T4, FT3 (các xét nghiệm đặc trưng của tuyến giáp) đều cho kết quả bình thường, các bác sĩ kết luận chị H. không bị bướu giáp. Hiện tượng cổ hơi to đó là do cảm giác và do sự phát triển của lứa tuổi mà thôi.

Việc chẩn đoán bướu giáp nhất định phải có sự biến đổi trên hình thể siêu âm hoặc biến đổi hàm lượng hormon giáp trong máu. Còn nhịp tim hơi nhanh là do vận động, không phải do tuyến giáp. Tại bệnh viện, chị H. được nghỉ ngơi trước khi khám nên không thấy nhịp tim nhanh. Vậy là suýt chút nữa, chị đã lao vào điều trị tuyến giáp vốn bình thường của mình.

Không bệnh, uống thuốc rất nguy hiểm!

Khác với các bộ phận khác và các bệnh lý khác của cơ thể như hệ máu, nhiễm trùng, dinh dưỡng, chúng ta có thể uống thuốc dự phòng mà không gây ra trạng thái nguy hại nào. Còn trong trường hợp tuyến giáp, nếu sử dụng hormone tuyến giáp bừa bãi sẽ nguy hiểm.

Khi uống một hormone của tuyến giáp vào, nó có thể sẽ gây ra một loạt các tác dụng cho cơ thể như tăng chuyển hóa, nhịp tim nhanh, nhiễm độc cơ tim, nhiễm độc gan, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, ảnh hưởng tới thai nhi... Có trường hợp hormone còn làm ức chế tiết TSH (một hoạt chất kích thích sự phát triển tuyến giáp). Sử dụng hormone này có thể làm giảm kích thước tuyến giáp, thậm chí là có thể dẫn tới suy chức năng tuyến giáp.

Vì thế, việc sử dụng hormone tuyến giáp cần tuân thủ những quy định chặt chẽ. Nó thường được dùng như một liệu pháp thay thế hormone trong các trường hợp suy chức năng tuyến giáp. Lúc này thuốc có tác dụng bù vào phần hormone tuyến giáp bị thiếu hụt. Nó cũng được sử dụng trị các trường hợp có bướu giáp khi kết hợp điều trị với các thuốc kháng giáp. Cần biết, trong trường hợp này phải thận trọng vì nó có thể làm suy tuyến giáp thứ phát không mong muốn, tức là tuyến giáp không hoạt động đầy đủ. Người bệnh có thể bị chậm trí tuệ, giảm chuyển hóa, ăn kém, hấp thu kém. Ở trẻ em có thể bị đần độn.

BS Yên Lâm Phúc
(Học viện Quân y)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.