Thảm họa chực chờ dưới vịnh Mexico

21/04/2011 23:08 GMT+7

Một năm sau vụ tràn dầu, nguy cơ thảm họa vẫn ám ảnh vịnh Mexico với hơn 3.200 giếng dầu có thể rò rỉ hoặc nổ tung bất cứ lúc nào.

Tròn một năm sau vụ nổ giàn khoan Deepwater Horizon tại vịnh Mexico, các bên chịu trách nhiệm chính lại đang kiện tụng lẫn nhau. Tập đoàn năng lượng BP hôm 20.4 nộp đơn đòi hãng điều hành giàn khoan Transocean phải bồi thường ít nhất 40 tỉ USD. BP cáo buộc Transocean gây nên vụ nổ dẫn đến vụ tràn dầu tồi tệ nhất lịch sử thế giới. Tập đoàn Anh cũng kiện luôn 2 đối tác khác là nhà sản xuất thiết bị chống nổ Cameron Int và Halliburton, công ty chịu trách nhiệm cung cấp ximăng trong kết cấu bê tông của giàn khoan. BP khẳng định toàn bộ hệ thống cũng như thiết bị an toàn và quy trình kiểm soát giếng dầu đều có vấn đề, góp phần tạo nên thảm họa hôm 20.4.2010. Đáp lại, Transocean nộp đơn lên tòa tiểu bang New Orleans đòi BP bồi thường 12,9 triệu USD, còn nhà thầu xi-măng Halliburton và các công ty khác phải bồi thường 20 triệu USD.

 
Giếng dầu tại giàn khoan Deepwater Horizon từng thuộc dạng nhàn rỗi trước khi nổ tung hôm 20.4.2010 - Ảnh: Reuters

Vụ nổ nói trên khiến 11 người thiệt mạng và làm đổ hơn 4,9 triệu thùng dầu ra biển. Thảm họa này để lại những hậu quả khủng khiếp, chưa thể đo đếm hết đối với hệ sinh thái và công ăn việc làm của hàng trăm ngàn người trong khu vực.

Những quả bom nổ chậm

Người gốc Việt mệt mỏi đòi tiền đền bù của BP

Tập đoàn BP đã lập quỹ ủy thác trị giá 20 tỉ USD để đền bù cho ngư dân và các bên bị ảnh hưởng trong vụ tràn dầu tại vịnh Mexico. Đến nay, khoảng 3,9 tỉ USD đã được chi cho 177.000 đơn kiện. Tuy nhiên, còn khoảng 79.000 đơn chưa được xét đến và 43.000 đơn bị trả lại vì không đủ giấy tờ cần thiết. Trong số này, có nhiều trường hợp của người gốc Việt. AFP dẫn trường hợp của gia đình chị Kim Vo, kinh doanh nhà hàng hải sản tại Louisiana. Sau khi nộp khoảng 400 hóa đơn thuế và chứng từ các loại, vợ chồng chị nhận được thư cho hay trường hợp của họ không thuộc diện được đền bù. Theo báo The New York Times, khoảng 1/4 đến 1/3 trong số 12.400 giấy phép đánh bắt tại Louisiana là của dân Mỹ gốc Việt. Ông Tuan Nguyen thuộc Cơ quan Phát triển cộng đồng MQVN, tổ chức hỗ trợ nạn dân gốc Việt của vụ tràn dầu, cho hay hầu hết các ngư dân người Việt không thỏa mãn với khoản đền bù của BP.

Theo phóng sự điều tra của AP đăng hôm 20.4, hơn 3.200 giếng nhàn rỗi trên vịnh Mexico và chủ sở hữu cũng chẳng màng đến bất cứ biện pháp bảo đảm an toàn nào. Trên giấy tờ, các giếng trên vẫn còn hoạt động nhưng chúng không hề được sử dụng trong ít nhất 5 năm và chưa có kế hoạch hồi phục sản xuất. Chính phủ Mỹ vẫn chưa yêu cầu các công ty giành được quyền khai thác những giếng này phải đổ ximăng bịt chúng lại vì chưa hết hạn hợp đồng. Hầu hết trong số này đều trên 10 tuổi, đặc biệt một số giếng đã được khoan cách đây 60 năm.

AP dẫn lời các chuyên gia cảnh báo những lớp ximăng và kim loại bên trong giếng bị bỏ hoang cũng như bộ phận đậy miệng giếng có thể bị ăn mòn theo thời gian, khiến dầu rò rỉ ra ngoài đại dương. Đó là chưa kể các sự cố không lường trước như nổ, động đất... đều có thể gây ra những vụ tràn dầu không kém gì vụ Deepwater Horizon. Theo giới kỹ sư dầu khí, những giếng dầu nhàn rỗi nhưng vẫn chưa hết hạn thuê trên hợp đồng là mối đe dọa chủ yếu đối với môi trường sinh thái.

Trong văn bản hồi tháng 9.2010 gửi cho các nhà khai thác, giới chức liên bang tuyên bố khởi động chương trình mới mang tên Idle Iron, nhằm hoàn tất việc dùng ximăng bịt kín các giếng dầu nhàn rỗi trong vòng 3 năm. Theo chương trình này, các hãng điều hành có thể chọn cách bịt giếng hoàn toàn trong trường hợp bỏ hoang vĩnh viễn hoặc một phần đối với các giếng chỉ bị tạm thời bỏ đó. Giải pháp thứ 3 là họ có thể nêm xung quanh khu vực chứa dầu hoặc khí đốt bên trong giếng, nhưng sau đó phải bịt chặt giếng trong thời gian 2 năm.

Những nhà khai thác dầu và khí đốt thường không muốn bịt luôn giếng dầu vẫn còn thời hạn sử dụng vì khi cần sẽ có thể khởi động lại việc khai thác vào bất cứ lúc nào. Khi giếng dầu tại giàn khoan Deepwater Horizon của BP nổ tung hồi năm ngoái, giếng này đã bị bỏ hoang tạm thời và BP chỉ trám tạm lớp xi-măng bên trên. Các nhà điều tra xác định đây là một trong những nguyên nhân gây ra thảm họa.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.