“Làm cũ” nhà mới

26/04/2011 14:12 GMT+7

(TNTS) Một ngôi nhà có sinh khí luôn giữ sự kết nối tốt giữa các không gian và người cư trú, tạo được sự thoải mái và thuận lợi về nhiều mặt cho người cư ngụ (như sức khỏe, cảm giác thoải mái, tiến triển trong công việc, không khí gia đình hòa thuận, vui vẻ…).

Thế nhưng không phải tất cả các ngôi nhà mới xây đều có được những điều đó, nhiều gia đình than phiền khi dọn về nhà mới lại thiếu đi sự ấm cúng quây quần của ngôi nhà cũ, sự quen thuộc thuận lợi trong sinh hoạt, cho dù nhà mới tiện nghi, hoành tráng hơn nhà cũ. Do vậy, giải pháp cân bằng khí giữa cũ và mới cần đặt ra để không tạo nên sự thay đổi đột ngột, không gây trở ngại về phong thủy cho các thành viên cư ngụ.

Lưu tâm đồ đạc

 

Việc sử dụng lại một số vật dụng cũ tương thích với không gian mới vừa giúp tiếp nối thói quen sinh hoạt sẵn có, vừa không gây ra khác biệt về không gian mà những đồ vật mới còn trong quá trình "làm quen" với gia chủ. Dĩ nhiên, sử dụng lại đồ đạc không hề là tận dụng đồ hư cũ, mà phải chọn lọc và bảo trì tốt hơn đồ cũ, đồng thời tìm cách để cho đồ cũ cũng như đồ mới hài hòa cùng nhau trong không gian.

Một số gia đình có thói quen "thanh lý" tất cả đồ đạc cũ khi dọn về nhà mới, điều này không có gì sai trái nhưng không có nghĩa là ngôi nhà mới xây xong sẽ đoạn tuyệt với quá khứ. Những bộ sưu tập nho nhỏ, tranh ảnh gia đình, kỷ vật và đồ dùng do bạn bè tặng nếu khéo "quy hoạch" có thể góp phần giữ gìn không khí gia đình, gợi nhớ kỷ niệm và kết nối nội khí tốt hơn (hình 1).

Chú ý chiếu sáng

 

Hệ thống chiếu sáng của nhà mới xây thường khá rực rỡ, thậm chí dư thừa và chưa được kiểm soát, chưa quen thuộc bằng nhà cũ. Giải pháp phong thủy khuyên dùng: nên giảm bớt lượng ánh sáng trực tiếp, tăng cường chiếu sáng gián tiếp giảm độ chói, thêm ánh sáng vàng tại những nơi cần sự ấm áp, thư giãn, bổ sung ánh sáng trắng cho những chỗ cần sáng sủa tập trung (hình 2). 

Kiểm soát dòng năng lượng

 
Ảnh: Nguyễn Hưng

Việc kiểm soát năng lượng cho ngôi nhà thường thông qua các giải pháp về vật liệu. Ví dụ nơi nghe nhạc, phòng giải trí, phòng bếp ăn có nhiều thiết bị hiện đại khiến không gian bị "lạnh lẽo" thì có thể sử dụng gạch trần, giấy dán tường sậm màu trên các bề mặt tường để tạo nét mộc mạc, bề mặt nhám cũng tốt. Hoặc quanh nhà có cây kiểng đẹp nhưng lại khá dày đặc, thì việc tỉa tót, di chuyển bớt một số chậu cây giúp lưu thông khí vào nhà tốt hơn. Nhiều nhà làm cửa theo kiểu hiện đại, dùng mảng kính lớn và gắn máy lạnh nên ít khi mở cửa hết, khiến nội khí hay bị tù hãm. Giải pháp đề xuất là vài ngày trong tuần nên cố gắng mở rộng hết các cửa lớn và cửa sổ vào buổi sáng nắng sớm, hoặc vào lúc gió mát xế chiều để tiếp nạp năng lượng mới. Đồng thời hằng tháng nên có sự dịch chuyển tất cả các đồ đạc ra khỏi vị trí hằng ngày để dọn dẹp vệ sinh, có thể bớt đi một số đồ dùng không cần thiết nhằm giải phóng sự tù túng cho không gian và thay đổi "không khí" nội thất, dĩ nhiên trên cơ sở giữ nguyên phương vị các vật dụng cơ bản ban đầu. (hình 3).

KTS Hà Anh Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.