Bàn tay của trời hay của người?

21/04/2011 00:16 GMT+7

Cuộc sống luôn là những toan tính, sắp xếp, ước mơ, mong muốn. Nhưng được hay không? Ông trời có can thiệp, hay chính con người quyết định cuộc đời của mình?

Vở kịch Bàn tay của trời (tác giả NSND Doãn Hoàng Giang, đạo diễn Ái Như) vừa ra mắt tại Sân khấu Hoàng Thái Thanh (TP.HCM) là một lời giải thú vị.

 

 Cảnh  trong vở "Bàn tay của trời" - Ảnh: Nguyễn Á

Tướng cướp Tư Chớp (NSƯT Thành Hội) đã đi một “nước cờ” đúng, khi nghĩ rằng môi trường tốt sẽ đào tạo ra con người tốt. Ông ta thấy rõ hiệu quả của giáo dục. Cho nên, ông ta nhất quyết cho con mình lọt vào nhà thầy đồ, ngày đêm nghe sách, học bài, được rèn luyện nghiêm khắc. Còn ở nhà Tư Chớp, nó hư hỏng là lẽ đương nhiên, bởi chứng kiến những cảnh cướp bóc, cãi cọ, ăn chia, văng tục, chớt nhả, đàn đúm chơi bời… Tư Chớp chán cái nghề ăn cướp ba đời, chán cảnh sống phập phồng, rồi phải đút lót luồn cúi bọn quan tham. Ông ta muốn con mình đổi đời. Một ước mơ lẽ ra rất chính đáng...

Nhưng “nước cờ” thứ hai của Tư Chớp lại đi sai. Thay vì chịu khó thay đổi môi trường gia đình, cải tà quy chánh để giáo dục con, thì Tư Chớp lại gây thêm hàng loạt tội lỗi. Ông ta tráo con với thầy đồ (Quang Thảo) làm cho vợ thầy đồ chết ngay sau khi sinh, lại còn giết cả bà mụ và đệ tử thân tín để bịt miệng. Tội ác như thế, làm sao gặt hái được kết quả tốt.

Tư Chớp quên luật nhân quả, quên cả câu “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Đứa con ruột tên Nhân (Công Danh) được thầy đồ nuôi dưỡng trở nên người đạo đức, văn hay chữ tốt, làm Tư Chớp sung sướng. Còn Đức (Quốc Thịnh), đứa con của thầy đồ, vì sống trong ngôi nhà ăn cướp nên nhiễm đủ thói tật xấu xa. Và chính Đức đã vì ghen tuông, ganh tị mà giết Nhân ngay khi Nhân vừa thi đậu trạng nguyên. Tư Chớp sụp đổ, uống rượu độc chết theo con.

Thực ra, ông đã giết cả hai đứa con nuôi và con ruột. Đức sống mà như một bóng ma ám ảnh người khác. Đức cũng là hình bóng của những cậu ấm cô chiêu thời đại. Và những lời tiên tri của nhà bác học Lê Quý Đôn khiến người ta giật mình. Trẻ không kính già, trò không kính thầy là mầm mống của đại loạn. Họ tạo ra số phận, định mệnh của mình bằng những việc ác hay việc thiện, và khi kết quả tới thì không chạy đâu cho thoát.

Dàn diễn viên trẻ chiếm gần hết vở kịch như Tuyết Mai, Thế Sơn, Hùng Thuận, Quỳnh Lam, Thanh Tuấn, Kim Phước, Lương Duyên… còn dàn bao lão luyện chỉ có Ái Như, Thành Hội, Tuyết Thu. Đặc biệt, Quốc Thịnh đã diễn rất hay vai Đức cách đây mấy năm khi anh mới ra trường, nay diễn lại càng thêm xuất sắc. 

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.