Thua lỗ, nhiều công ty niêm yết bán tài sản

19/04/2011 23:30 GMT+7

Kinh doanh thua lỗ, nợ nần chồng chất đã khiến nhiều công ty niêm yết buộc phải bán bớt tài sản để trả nợ, giảm lỗ.

Chẳng đặng đừng

Năm 2010, Công ty cổ phần (CTCP) hàng hải Đông Đô (DDM) bị lỗ 74,31 tỉ đồng. Do không đủ tiền để thanh toán đúng hạn các khoản nợ vay trước đó nên công ty bị phạt lãi quá hạn (khoảng 150% so với lãi suất vay). Do đó tại ĐHCĐ thường niên 2011 vừa qua, các cổ đông thống nhất sẽ để công ty tiến hành thủ tục chào bán rộng rãi tàu chở hàng khô Đông Phong (đóng năm 1999 tại Nhật Bản, giá trị sổ sách còn lại là 45,2 tỉ đồng/86,9 tỉ đồng nguyên giá). Ngoài ra nếu có cơ hội, công ty này cũng sẽ bán cặp tàu container chuyên dụng Đông Mai/Đông Du để cắt lỗ, tái cơ cấu lại đội tàu cho phù hợp với năng lực quản lý điều hành; sang tên - chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất ở số 11 đường Biệt Thự (Nha Trang) với giá khoảng 2 tỉ đồng hoặc tổ chức khai thác dưới các hình thức mà pháp luật cho phép để nâng cao năng lực tài chính cho công ty; tiến hành thủ tục bán toàn bộ diện tích 1.763,34m2 sàn nhà tại Lạc Trung B - Hà Nội lấy tiền cân chỉnh năng lực tài chính doanh nghiệp theo giá thị trường.

 
Bất động sản là tài sản dễ bán nhất của các doanh nghiệp khi thua lỗ (ảnh chỉ có tính chất minh họa) - Ảnh: D.Đ.M

Với CTCP dược Viễn Đông (DVD) thì dù năm 2010 vẫn có lãi nhưng DVD vẫn đang đối diện với những khó khăn kể từ khi nhiều lãnh đạo công ty bị bắt giữ vì làm giá cổ phiếu. Do đó các cổ đông đã chấp thuận kế hoạch bán một số tài sản hiện có để thanh toán khoản lãi vay 728 tỉ đồng (tính đến cuối năm 2010), đồng thời để bổ sung nguồn vốn hoạt động trong thời gian tới. Cụ thể đối với Nhà máy Lili of France, công ty dự kiến bán cho Ngân hàng An Bình với giá tương đương khoản đầu tư ban đầu là 300 tỉ đồng và sau đó DVD sẽ thuê lại nhà máy này để duy trì hoạt động sản xuất. DVD cũng sẽ bán thửa đất dự định xây trụ sở tại số 88 đường Lũy Bán Bích (Q.Tân Phú, TP.HCM) có giá trị sổ sách là 26,3 tỉ đồng và bán số cổ phiếu Savifarm đang nắm giữ với giá trị sổ sách gần 36,6 tỉ đồng...

Áp lực lãi vay ngân hàng

Ước tính tổng nợ trên tổng tài sản của các doanh nghiệp (DN) niêm yết (trừ khối tài chính ngân hàng) trên sàn Hà Nội khoảng 70%; trên sàn TP.HCM là 53,7%. Hiện lãi suất cho vay của ngân hàng trên 20%/năm nên chi phí lãi vay đã trở thành gánh nặng quá lớn đối với nhiều DN. Tổng giám đốc một công ty chứng khoán tại TP.HCM cho rằng ông sẽ không ngạc nhiên nếu có thêm các DN khác công bố bán bớt tài sản.

TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (trường ĐH Mở TP.HCM), nhận xét trong khi lãi vay ngân hàng quá cao thì ước tính lợi nhuận cả năm của nhiều DN chỉ ở mức 10-15%. Lợi nhuận làm ra không đủ trả lãi, trong khi tỷ lệ nợ quá cao là rủi ro lớn trong hoạt động của DN. Vì vậy, các DN phải tái cơ cấu lại nguồn vốn để giảm tỷ lệ nợ xuống thấp hơn mức 50% nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động. Thế nhưng giảm tỷ lệ nợ bằng cách nào mới là bài toán đau đầu của DN. Tăng vốn chủ sở hữu bằng cách phát hành thêm cổ phiếu mới cũng khó khả thi khi thị trường chứng khoán đang trầm lắng. TS Thuận nhận định: việc bán bớt một số tài sản để trả nợ như DVD hay DDM có thể là giải pháp khả dĩ nhất hiện nay. “Nhưng không phải DN nào cũng thực hiện được giải pháp bán tài sản. Chỉ có những DN có tài sản giá trị như tàu, xe, bất động sản... mới tìm được người mua”, ông Thuận nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp (trường ĐH Ngân hàng TP.HCM), cho rằng việc tái cơ cấu nguồn vốn của DN là cần thiết trong tình hình khan hiếm nguồn vốn. Ban quản trị DN cần phải xem xét và có thể giảm bớt những tài sản không hiệu quả; giảm chi phí hàng tồn kho... để quay vòng nguồn vốn nhanh hơn. Từ đó có thể giúp giảm được nguồn vốn đi vay trong khi vẫn đảm bảo duy trì sản xuất.

Theo dự báo của nhiều chuyên gia, diễn biến chung của nền kinh tế trong và ngoài nước vẫn còn nhiều khó khăn. Điều đó sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động của các DN từ nay đến hết năm 2011. Đặc biệt lạm phát của Việt Nam năm 2011 khó kiềm chế dưới 10% nên lãi suất ngân hàng vẫn có thể tiếp tục được duy trì ở mức cao. Vì vậy, DN nào sử dụng càng nhiều nợ vay hoặc không quản trị được tình hình tài chính hiệu quả thì con đường thua lỗ hoặc thậm chí phải phá sản là không tránh khỏi.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.