Phát triển bền vững đòi hỏi sự thay đổi đồng bộ

19/04/2011 01:01 GMT+7

Phát triển bền vững, hiểu theo cách chúng ta đang hướng tới hiện nay thì đó là sự cân bằng giữa 3 vấn đề: tăng trưởng - bảo vệ môi trường - bảo đảm an sinh xã hội. Theo TS Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, để thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững như quan điểm xuyên suốt trong Chiến lược phát triển KTXH 10 năm tới, đòi hỏi sự thay đổi đồng bộ từ tư duy đến hành động với 3 cấp độ cụ thể:

 

TS Nguyễn Đức Kiên  - Ảnh: L.Q.Phổ

Thứ nhất, về phía Chính phủ (CP), hơn lúc nào hết, cần kiên quyết hơn trong cải cách hành chính để tách bạch quản lý nhà nước (NN) và đại diện chủ sở hữu ra khỏi hoạt động thường ngày. Qua đó, CP có thể tập trung vào việc xây dựng chính sách vĩ mô, điều tiết toàn bộ nền kinh tế cả nước, bao gồm tất cả các thành phần kinh tế. Việc điều tiết ở đây trước hết thông qua công cụ chính sách thuế.

CP phải định hình được mô hình phát triển kinh tế đất nước trong 10 năm tới, 20 năm tới, 30 năm tới. Từ mô hình ấy chúng ta mới định ra được những DN nào tham gia vào mô hình này thì sẽ có chính sách thuế ưu đãi. Người dân và DN sẽ căn cứ vào các văn bản pháp quy đó để tự điều chỉnh định hướng và mục tiêu của mình cho phù hợp. Bên cạnh đó cần có một cơ quan quản lý vốn NN tại các DN, đây mới chính là nơi CP báo cáo với QH về kế hoạch đầu tư, tốc độ tăng trưởng cụ thể.

Một việc nữa CP phải làm là hỗ trợ. Chẳng hạn, khi chúng ta xác định châu Phi là trọng điểm xuất khẩu lúa gạo của VN trong những năm CNH - HĐH đất nước thì hoạt động của Cục Xúc tiến thương mại, của VCCI, của Hiệp hội Xuất khẩu lương thực phải đổi mới theo hướng đề xuất ra được những giải pháp cụ thể, hữu ích để hỗ trợ, khuyến khích DN xuất khẩu được lúa gạo sang thị trường đó…

Thứ hai, tương ứng với đó, về phía DN (cả DNNN, tư nhân, FDI), muốn phát triển bền vững, đầu tiên DN phải hiểu được năng lực của mình, trình độ sản xuất đang đứng chỗ nào, để từ đó xác định phương châm phát triển: hoặc phát triển kinh tế đặt lên hàng đầu với việc sử dụng lợi thế lao động rẻ, nguồn nhân lực tại chỗ; hoặc đã đến mức độ giới hạn lực lượng lao động, cần đổi mới công nghệ để giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất… Lúc này chúng ta lại phải đối xử với các công chức được phân sang DNNN giống như đối xử với doanh nhân của các DN tư nhân, DN FDI thì mới huy động được nguồn chất xám của họ và chính họ căn cứ vào các chính sách ưu đãi và các chính sách thuế của NN để định ra được DN của họ phải phát triển thế nào. Thí dụ nếu không muốn tiêu tốn quá nhiều tài nguyên không tái tạo là điện năng, hạn chế ô nhiễm môi trường thì hạn chế phát triển ngành thép bằng công cụ thuế, đánh thuế thu nhập cao hơn với ngành thép so với các ngành nghề ưu tiên...

Thứ ba, về phía người dân, ví dụ như ngoài khối lượng nước tiêu thụ phải trả tiền, cũng phải đóng tiền xả thải để NN có nguồn kinh phí xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Mỗi một làng chúng ta sẽ quy hoạch thành một khu dân cư gắn liền với một trạm xử lý nước thải mini phù hợp với công nghệ, khả năng quản lý của người dân. Sau này sẽ tiến lên mức xử lý nước thải tập trung. Vì vậy, cần phải có quy hoạch.

Để phát triển bền vững đòi hỏi sự thay đổi đồng bộ, trước hết là về mặt tư duy hành động, sau đó là đến từng động tác, từng cấp độ, như vậy mới đem lại kết quả.

Bảo Cầm (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.