Đại diện các công ty bị kiện ở Mỹ: “Các lao động đã nói sai sự thật”

19/04/2011 00:40 GMT+7

Hôm qua 18.4, trao đổi với Thanh Niên, đại diện Công ty TTLC và Interserco khẳng định, thông tin các lao động (LĐ) khiếu kiện đều là bịa đặt và đã vi phạm hợp đồng (HĐ) ký kết.

 

Khu nhà ở của các lao động tại Houston (Mỹ) - ảnh do Công ty TTCL cung cấp  

Lao động vi phạm luật pháp

Ông Nguyễn Trí Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty TTLC cho rằng, các LĐ nói bị giam trong nhà, hiếp đáp và phải sống trong điều kiện tồi tệ là hoàn toàn sai sự thật. Để chứng minh, ông Dũng đã đưa cho PV xem bức thư gửi Công ty TTLC của nhóm LĐ gửi ngày 5.1.2008, có đoạn: “Ngày 27.12.2007, sau khi xuống sân bay Houston, chúng tôi được Công ty Coat to Coat đón về nhà tập thể. Ở 4 người một phòng, khoảng 60m2, đầy đủ bếp nấu, tủ lạnh, lò sưởi, bàn ghế, toilet… khu tập thể sạch sẽ và văn minh… Chúng tôi tự đi chợ nấu ăn bởi vì nó phù hợp và rẻ hơn nhiều so với đặt cơm ngoài… Công việc chúng tôi làm ở xưởng sửa chữa tàu, sà lan. Chúng tôi làm ca từ 15 giờ 30 đến 24 giờ… Phương tiện chúng tôi đi làm có người lái xe đưa đón, ở đây không có xe buýt cũng như các bốt điện thoại công cộng nên không gọi được về VN”. 

Có thể sẽ kiện ngược lại người lao động

Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm đầu tư thương mại và dịch vụ quốc tế Interserco cũng khẳng định, thông tin các LĐ khiếu kiện hoàn toàn bịa đặt. Công ty đã kêu gọi LĐ trở về VN để giải quyết, tuy nhiên các LĐ cố tình bỏ trốn. “Căn cứ vào pháp luật VN, các LĐ đã vi phạm HĐLĐ. DN có thể kiện lại người LĐ”, ông Hải nói.

Ông Nguyễn Trí Dũng cho biết, trao đổi qua e-mail ngày 18.4, ông Vũ Quốc Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty  ILP Agency LLC (công ty cung cấp LĐ bên Mỹ) cho hay, vấn đề LĐ VN thưa kiện tại Mỹ đã được giải quyết xong ngoài tòa từ cách đây 3 tháng.

Ông Dũng cho biết thêm, đoàn công tác của Bộ Ngoại giao và Bộ LĐ-TB-XH sang Mỹ hồi tháng 5.2010 đã đến thăm nơi ở của công nhân. Đó là một khu nhà ở rộng rãi, không chỉ có LĐ VN mà còn có LĐ nước ngoài sinh sống.

Về việc các LĐ nói, họ bị sa thải sau 8 tháng làm việc, ông Dũng giải thích: “Thủ tục I-129 của Bộ Lao động Mỹ chỉ có hiệu lực trong vòng 10 tháng, sau đó bắt buộc người LĐ phải gia hạn visa tiếp. Các LĐ đã được tạo điều kiện gia hạn giấy phép một lần ngay tại Mỹ. Do không được gia hạn tiếp visa nên Công ty Coast to Coast  đã chính thức yêu cầu người LĐ quay trở về nước vào ngày 1.3.2009 và chờ đợi duyệt cấp visa mới vào tháng 4.2009. Tuy nhiên, ngày 27.2, một số LĐ bị kích động không muốn quay về nước đã tham gia kiện cáo công ty sử dụng LĐ”.

Theo báo cáo của các DN với các cơ quan chức năng, trước khi sang Mỹ, các LĐ đã được cung cấp thông tin chính xác về thời hạn làm việc thực tế tại đây và khả năng tiếp nhận “có thể được gia hạn giấy phép hoặc không” nên tất cả LĐ đều đã chấp thuận và khi giấy phép làm việc của họ bị cơ quan di trú Mỹ từ chối gia hạn, một số LĐ đã chấp thuận về nước. Số còn lại không quay về, mặc dù đối tác đã mua vé máy bay cho các LĐ. Tổng số thời gian làm việc tại Mỹ, người ít nhất là 9 tháng, người nhiều nhất là 14 tháng. Tổng thu nhập của các LĐ từ 12.000 USD - 30.000 USD. 

Sau khi sự việc xảy ra, Công ty TTLC đã gửi thông báo đến các cơ quan chức năng địa phương và gia đình LĐ; đồng thời mong muốn gia đình khuyên bảo và động viên người LĐ quay trở về nước. Theo ông Dũng, căn cứ luật VN và những điều khoản ký kết giữa công ty với người LĐ; các điều khoản người LĐ ký kết với Công ty Coast to Coast, người LĐ đã vi phạm luật pháp như: ở lại nước ngoài trái phép; người LĐ chạy trốn hoặc có ý định chạy trốn là vi phạm HĐ và bị trả về nước. Trong trường hợp LĐ bỏ trốn, công ty có toàn quyền từ bỏ trách nhiệm quản lý từ ngày bỏ trốn và bản thân LĐ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật VN và pháp luật sở tại.

Thị trường XKLĐ đi Mỹ “chết yểu”

Năm 2008, Bộ LĐ-TB-XH cho phép 5 DN thí điểm xuất khẩu LĐ VN sang Mỹ làm việc. Có hàng trăm LĐ đã được đưa sang Mỹ làm nghề hái cam, cắt cỏ, chăm sóc sân golf, thợ hàn, y tá… với mức lương cơ bản 1.300 - 3.500 USD/người/tháng. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Thanh, Phó cục trưởng Cục Quản lý LĐ ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), hiện chưa có DN nào đăng ký đưa LĐ sang Mỹ làm việc. Lý do là xin visa vào Mỹ rất khó, phía Mỹ lo ngại LĐ VN khi sang đây làm việc sẽ bỏ trốn; hơn nữa, các tiêu chuẩn phía Mỹ đưa ra rất khắt khe cả về trình độ tay nghề, ngoại ngữ lẫn sức khỏe. Chỉ sau một thời gian ngắn thí điểm, thị trường xuất khẩu LĐ đi Mỹ đã “chết yểu”.

Hải Bình 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.