Chân trần, chí thép: Ám sát hụt

19/04/2011 22:43 GMT+7

(Sách của cựu trung tá thủy quân lục chiến Mỹ James G.Zumwalt - con trai Tư lệnh Hải quân Mỹ tại Việt Nam Elmo R.Zumwalt; First News ấn hành tại VN) Sự kỳ lạ của số phận đã dẫn tôi tới cuộc gặp gỡ với Thiếu tướng Trần Hải Phụng. Trong cuộc phỏng vấn ông, tôi rất kinh ngạc khi biết được rằng một phần tư thế kỷ về trước, con người này suýt giáng thảm họa lên gia đình tôi.

Vì muốn biết về địa đạo Củ Chi, tôi lên kế hoạch phỏng vấn tướng Phụng. Ông đã kể tỉ mỉ về lịch sử địa đạo, cách thức thiết kế, xây dựng, việc chuyển đổi tính năng từ một căn cứ phòng thủ sang bàn đạp tấn công…. Rồi ông Phụng giải thích rằng trong chiến tranh ông còn có nhiệm vụ tổ chức các cuộc đột kích vào nhiều loại mục tiêu tại Sài Gòn và vùng kế cận. Tôi chăm chú nghe ông liệt kê ra một loạt mục tiêu: “…Dinh Tổng thống, đài phát thanh, Đại sứ quán Mỹ, tổng hành dinh hải quân…”.  Khi ông Phụng nói đến mục tiêu cuối cùng ở trên, tôi cắt ngang:

Ý ông là Tổng hành dinh Hải quân Mỹ?”, tôi hỏi.

Đúng vậy”, ông trả lời. Khi ông cười, tôi thấy con người này dường như biết rõ những câu hỏi mà tôi sắp đưa ra.

Đó là Tổng hành dinh Hải quân Mỹ ở Sài Gòn?”, tôi hỏi tiếp.

“Đúng thế”, ông lại đáp.

Vào năm 1969?”, tôi lại hỏi.

Đúng rồi”, ông cười.

Mục đích của cuộc tấn công là gì?”, tôi chất vấn. Và nín thở chờ câu trả lời.

Để giết vị đô đốc chỉ huy Hải quân Mỹ ở Việt Nam”, ông đáp.

Tôi cần một câu trả lời cuối cùng để xua đi cái hoàn cảnh trớ trêu ấy. Tôi không chắc lúc đó mình thực sự muốn nhận câu trả lời.

Ông có biết người ấy là ai không?”, tôi hỏi.

Có chứ, ông ấy là cha của ông”.

Tôi nhớ lại lần đầu tiên nhận được tin về vụ tấn công hồi mùa xuân 1969. Vụ việc diễn ra vào ngày 11.5.1969. Khi đó tôi đang nghe đài, đến phần điểm tin chiến sự, lời phát thanh viên vang lên: “Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự cho Việt Nam vừa cho biết có một vụ ám sát nhằm vào Tư lệnh Hải quân Mỹ ngay tại tổng hành dinh ở Sài Gòn. Không có báo cáo về thương vong”.

Tôi không thể nghe phần tiếp theo của bản tin - vì bị sốc. Phải mất nhiều tiếng đồng hồ tôi mới gọi điện được đến trụ sở của cha tôi và biết ông vẫn bình an. Nhiều năm sau, tôi đã có dịp nói chuyện trực tiếp với người chịu trách nhiệm mưu sát cha tôi.

Tổng hành dinh COMNAVFORV ở trung tâm Sài Gòn có tường bê tông cao hơn hai mét bao quanh. Bốn mặt giáp các con phố đông đúc. Điều mà người Mỹ không hề biết, đó là quân của ông Phụng đã theo dõi cơ sở này khá kỹ từ các vị trí thuận lợi cả ở bên trong lẫn ngoài khu nhà - trinh sát bên ngoài được một điệp viên bên trong hỗ trợ. Sau nhiều lần quan sát kỹ, ông Phụng phát hiện ra một kiểu hoạt động đặc thù của kẻ địch.


Tướng Trần Hải Phụng 

 
Tư lệnh Elmo Zumwalt (phải) tại tổng hành dinh Hải quân Mỹ ở Sài Gòn năm 1969 - Ảnh: tác giả cung cấp

Là Tư lệnh Hải quân Mỹ tại Việt Nam, cha tôi làm việc theo một lịch trình khá cố định. Ông thường bắt đầu một ngày bằng cữ chạy bộ bên trong khuôn viên trụ sở, tiếp đó là họp với nhân viên. Tiếp theo, cha tôi thường tới căn cứ ở trong rừng thăm các thủy thủ vừa tham gia chiến đấu đêm hôm trước và trở về vào cuối buổi sáng để triệu tập thêm một cuộc họp nữa. Buổi họp kết thúc vào giờ ăn trưa và mọi người bắt đầu chơi thể thao. Khuôn viên trụ sở có một sân bóng chuyền nằm sát vách tường ngăn cách với một đường phố tấp nập. Những pha bóng sôi nổi hằng ngày giúp các nhân viên tạm thời quên đi không khí chiến tranh.

Khi nhận được thông tin tình báo về hoạt động thường ngày của cha tôi, ông Phụng liền lên kế hoạch hành động. Ông biết rằng để cho cú đấm thành công, cần phải hội đủ một số yếu tố quan trọng.

Trước hết là yếu tố bất ngờ. Cần phải tiếp cận mục tiêu ở cự ly rất gần trước khi tung ra cú đánh. Ông Phụng cho rằng phải sử dụng một lực lượng gọn nhẹ. Ông cũng muốn có kế hoạch rút lui cho nhóm hành động. Cuối cùng, ông cử hai người thực hiện cuộc tấn công.

Hóa trang cẩn thận, hai sát thủ đi trên một chiếc xe gắn máy, người ngồi phía sau ôm theo một bọc chất nổ. Xế trưa một ngày rất nóng vào tháng 5, chiếc xe hòa vào dòng người tấp nập trên đường phố áp với trụ sở COMNAVFORV, phía bức tường che chắn sân bóng chuyền.

Hai người biết rõ cần đi bao xa dọc con phố để đến được vị trí tương ứng với sân bóng chuyền. Nội gián bên trong khu trụ sở là một đầu bếp, người này đã lén đánh dấu trên bức tường bên ngoài chỗ sân bóng. Tới được nơi này, nhóm tấn công chỉ còn cách mục tiêu một bức tường bê tông cao hơn hai mét. Người ngồi phía sau xe liếc nhanh qua đám lính gác. Một người lính đứng ở góc đường tỏ ra mất tập trung. Khi lái xe giảm tốc độ, ngay lập tức, người ngồi sau quẳng bọc thuốc nổ qua bức tường, nhằm vào sân bóng chuyền bên trong khuôn viên.

Người này định vị và ném rất chính xác, khối thuốc nổ rơi ngay giữa sân. Chiếc xe máy lập tức rồ ga, lách qua dòng người đang chạy chầm chậm trên đường. Vài giây sau, một tiếng nổ chấn động khu dinh thự. Cuộc tấn công mà ông Phụng chỉ đạo là kết quả của hàng tháng trời thu thập tin tức và lên kế hoạch cẩn thận. Vụ tấn công đã diễn ra trót lọt - nhưng thất bại. Cha tôi vẫn tuân theo các hoạt động thường nhật, nhưng một thay đổi bất ngờ trong lịch trình đã nằm ngoài kế hoạch của ông Phụng..

Ngay trước khi chuẩn bị chơi bóng, cha tôi bất ngờ được triệu tập tham dự cuộc họp tại trụ sở Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Mỹ tại Việt Nam. Trận bóng bị hủy vào phút chót. May mắn cho cha tôi, nhưng không may cho ông Phụng, là khối thuốc đã nổ trên mặt sân trống trơn.

Lúc tôi phỏng vấn xong, tướng Phụng đứng dậy bắt tay. “Khi nào gặp lại cha anh, cho tôi gửi lời xin lỗi”, vị tướng nói. “Nhưng cũng hãy nói cho ông ấy rằng tôi chỉ thực hiện nhiệm vụ của một người lính”. Là một quân nhân, tôi hiểu rõ điều ông Phụng nói. Tôi cảm ơn về lời xin lỗi, và nói thêm: “Thật may là ông đã đánh hụt mục tiêu!”.

Tôi muốn nói về sự trớ trêu và những cảm xúc trong thời khắc ấy. Tôi đang đứng đối diện với người đàn ông từng tìm cách giết cha tôi hai mươi bảy năm về trước. Nhưng, tôi đang bắt tay ông trong tình ái hữu, bởi tôi biết rõ rằng ông chỉ làm nhiệm vụ của một người lính.

Cuộc phỏng vấn tướng Phụng diễn ra trước khi cha tôi qua đời; đêm hôm đó, tôi đã gọi điện từ Sài Gòn để thuật lại câu chuyện cho ông. Sau cùng, tôi nói: “Nhưng mà Cha ơi, con đã cho ông ấy địa chỉ mới của Cha rồi!”. Tôi nghe vọng lại từ đầu dây bên kia một giọng cười nồng ấm.

Đỗ Hùng
(dịch và giới thiệu)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.