Vì sao F-22 không tham chiến ở Libya?

18/04/2011 14:09 GMT+7

(TNTS) Ngay sau khi không tiếp tục tham chiến ở Libya, Mỹ đã lên tiếng giải thích vì sao chiếc tiêm kích thế hệ thứ 5 đầu tiên của thế giới là F-22 Raptor không tham gia chiến dịch Bình minh Odyssey. Điều đáng ngạc nhiên là không ai đòi hỏi Mỹ phải giải thích như vậy.

Chiến dịch Bình minh Odyssey của phương Tây bao gồm Anh, Pháp, Mỹ, Ý, Canada, tiến hành đối với Libya bắt đầu vào ngày 19.3.2011. Trong đó không lực chủ yếu sử dụng các loại tiêm kích F-15 Eagle, F-16 Fighting Falcon, Dassault Rafale và  Panavia Tornado GR4.

Trái với sự chờ đợi của nhiều nhà phân tích quân sự, chiếc F-22 Raptor đã không tham dự vào chiến dịch chống Libya. Vào ngày 22.3.2011, nhà phân tích Lauren Thompson thuộc Viện nghiên cứu Lexington, Mỹ, cho rằng: chiếc F-22 dù được trang bị 2 trái bom JDAM loại 450 kg, nhưng lại không thể tiêu diệt các mục tiêu di động. Ngoài ra, radar của chiếc máy bay hiện đại này không thể tự xác định mục tiêu như radar của một số loại tiêm kích khác. Vì thế nó không thể tự tìm, xác định và tiêu diệt mục tiêu. Như vậy với hệ thống radar như hiện nay, nếu tham chiến, F-22 cần phải có dữ liệu về mục tiêu dự tính tiêu diệt được cài đặt sẵn trong bộ máy tính chứa đựng thông tin chỉ huy trước khi cất cánh.

 
Bảo dưỡng F-22 

Hệ thống thông tin liên lạc của chiếc máy bay hiện đại bậc nhất này còn rất hạn chế, khi nó chỉ có thể kết nối liên lạc cùng với chiếc máy bay F-22 khác trong phi đội bay cùng với nó. F-22 có hệ thống thông tin chuẩn loại Link 16, được sử dụng khá rộng rãi trong quân đội Mỹ và khối NATO, nhưng nó chỉ có thể tiếp nhận thông tin từ các máy bay khác mà không thể sử dụng để truyền thông tin. Đây là hệ quả của việc các kỹ sư thiết kế Mỹ muốn F-22 hạn chế thông tin liên lạc để nâng cao tính "tàng hình" của nó.

Bắt đầu từ năm 2012, Mỹ sẽ chi 500 triệu USD/năm để cải tiến chiếc F-22. Trong đó có cả hiện thực hóa chương trình Increment 3.1. Sau đó bắt đầu từ năm 2014, sẽ tiến hành chương trình Increment 3.2 đối với F-22 nhằm nâng cấp hệ thống chỉ huy cũng như thay đổi một vài thiết kế và lắp đặt hệ thống máy tính hiện đại hơn cho F-22.

Về phía mình, vào cuối tháng 3.2011, lãnh đạo không lực Mỹ, tướng Norton Schwartz cho biết do các căn cứ của F-22 nằm xa Libya, nên phía Mỹ không điều động loại tiêm kích này tham gia Chiến dịch Bình minh Odyssey. Norton Schwartz nói: "Nếu như F-22 có tại một căn cứ nào đó của châu u, chắc chắn nó sẽ tham dự chiến dịch ở Libya. Hơn nữa, chiến dịch được tiến hành nhanh chóng, nên không cần thiết phải sử dụng các nguồn lực từ xa". Hiện F-22 có ở các căn cứ quân sự tại Virginia, New Mexico, California, Florida, Alaska và Hawaii của Mỹ. Schwartz nhấn mạnh: "F-22 không tham chiến không có nghĩa là nó không hữu dụng".

Tướng Norton Schwartz cũng giải thích, vì sao trong năm 2010, không lực Mỹ không nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc cho F-22 như chương trình Increment 3.2 đã định ra. Theo ông Schwartz, dự kiến F-22 sẽ lắp đặt hệ thống thông tin chuẩn MADL, loại được sử dụng cho chiếc F-35 Lightning II. Tuy vậy, do MADL là loại mới, chưa được kiểm tra trên thực tế, nên lắp đặt cho F-22 là mạo hiểm và tốn thêm chi phí. Nghe lời giải thích của ông Schwartz, cựu lãnh đạo bộ phận tình báo không lực Mỹ - ông David Deptula, đã phản ứng dữ dội. Theo Deptula, nếu không lắp đặt MADL cho F-22 thì quả là vô ý nghĩa khi "chiếc tiêm kích hiện đại nhất thế giới" lại không thể trao đổi thông tin với các máy bay khác. 

 
Tướng Norton Schwartz (giữa) đang trò chuyện với một quân nhân - Ảnh: AF.MIL

David Deptula  phản ứng là có lý do. Bởi để chiếc F-22 có thể liên lạc thông tin với các máy bay khác, kể cả trực thăng và bộ binh trên mặt đất, không lực Mỹ buộc phải thành lập trạm thông tin đặc biệt trên không. Trạm này bao gồm máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk Block 20 làm cầu nối thông tin của chiếc F-22 đến với các loại máy bay và trực thăng có lắp đặt hệ thống Link 16. Hình thức liên lạc thông tin này chỉ áp dụng cho các chiến dịch lớn và chưa một lần được tiến hành trên thực tế.

Vài thông số kỹ thuật của F-22 Rapor

Tổ lái: 1 người
Chiều dài thân: 18,9m
Chiều dài sải cánh: 13,56m
Trọng lượng: 19,7 tấn
Trọng tải: 38 tấn
Động cơ 2 P&W F-119-PW-100
Tốc độ cao nhất: 2.500 km/giờ
Tốc độ hành trình: 1.500 km/giờ
Tầm bay: 769 km
Trần bay: 19,8 nghìn mét
Vũ khí: súng 20 ly, có thể mang 6 tên lửa không đối không hoặc 2 trái bom loại JDAM. Có 4 điểm treo 2,3 tấn vũ khí trên hai cánh.

Cần nhắc lại là chiếc F-22 được biên chế vào quân đội Mỹ vào năm 2005. Từ đó đến nay nó chưa hề tham gia một chiến dịch quân sự nào bên ngoài nước Mỹ. Vì thế, F-22 trên thực tế chưa chứng minh được tính ưu việt của nó.

Một động thái khác làm xấu hình ảnh chiếc F-22, là vào tháng 3.2011, không lực Mỹ ra lệnh hạn chế trần bay của nó chỉ là 7,6 nghìn mét. Trong khi đó thiết kế kỹ thuật chiếc tiêm kích hiện đại này có trần bay là 19,8 nghìn mét. Nguyên nhân là do cần phải kiểm tra lại hệ thống ô-xy (OBOGS) trên khoang máy bay, được lắp đặt cho nhiều loại tiêm kích của Mỹ.

Theo không lực Mỹ, OBOGS có thể có lỗi. Việc chiếc F-22 rơi vào ngày 17.11.2010, tại Alaska có thể là do lỗi của OBOGS khiến phi công điều khiển hôm ấy Jeffrey Haney thiếu ô-xy thở và dẫn đến bị ngất. Việc hạn chế trần bay là có lý do. Bởi ở độ cao 15 nghìn mét, nếu phi công không được truyền ô-xy vào mặt nạ mà anh ta đeo, thì trong vòng 10 giây (trước khi bị ngất), máy bay không kịp hạ xuống độ cao 5,4 nghìn mét để có thể thở mà không cần đến mặt nạ. Còn ở trần bay 7,5 nghìn mét thì điều này có thể thực hiện được.

Trước đó, vào năm 2009, không lực Mỹ đưa 12 chiếc F-22 đến căn cứ quân sự ở Alaska để thử nghiệm. Nhưng do thời tiết mưa nhiều nên sự thử nghiệm không đạt yêu cầu. Hóa ra, với độ ẩm cao, hệ thống điện tử của máy bay hoạt động không ổn định, còn hệ thống làm mát các thiết bị máy tính lại "chết" hẳn. Đến nay chưa có thông tin phía Mỹ đã khắc phục các điểm này hay chưa. Nhưng từ đó đến nay chiếc F-22 đã không cất cánh trong điều kiện thời tiết có độ ẩm cao.

 
F-22

Vào tháng 2.2007, không lực Mỹ quyết định lần đầu tiên đưa F-22 ra khỏi lãnh thổ Mỹ. 6 chiếc F-22 cất cánh từ quần đảo Hawaii đến căn cứ không quân tại đảo Okinawa của Nhật Bản. Khi bay qua kinh tuyến 180 độ (ranh giới hai bán cầu và là mốc thay đổi thời gian), toàn bộ hệ thống định vị và một phần hệ thống thông tin không hoạt động. Vì thế cả 6 chiếc F-22 phải bám đuôi chiếc máy bay tiếp xăng trên không quay về Hawaii. Đây là lỗi chương trình khiến hệ thống computer không hoạt động khi thay đổi thời gian. 

Những lỗi kỹ thuật nêu trên được không lực Mỹ công bố. Không loại trừ còn những lỗi khác của F-22 mà lực lượng này muốn che giấu. Nhưng việc phía Mỹ bỗng dưng lên tiếng biện minh cho việc F-22 không tham chiến Libya là "điều không thể hiểu được" đối với một số chuyên gia quân sự. Bởi với các chiến dịch ở Iraq hay Afghanistan, chiếc F-22 cũng vắng bóng mà phía Mỹ không có động thái như trên. Cũng có thể do giá bán quá đắt, mà Mỹ cho rằng không cần thiết phải sử dụng F-22 vào những chiến dịch mà các loại tiêm kích khác có thể thực thi nhiệm vụ. Ngày 31.3.2011, phía Mỹ vừa công bố giá bán một chiếc F-22 giờ đã là 411,7 triệu USD. Quân đội Mỹ đã đặt mua 187 chiếc F-22, 170 chiếc trong số này đã được biên chế vào quân đội nước này.

Ngữ Tử Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.