“Tổng thống ca sĩ” của Haiti

18/04/2011 13:45 GMT+7

(TNTS) Chỉ mới trước lễ Giáng sinh năm rồi, ca sĩ đầu trọc Michel Martelly còn suy nghĩ về những sự kiện đã xảy ra ở quê hương hỗn loạn của ông và kết luận rằng mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn sàng để đảm bảo một thất bại cay đắng dành cho ông tại các phòng phiếu.

Một cuộc tổng tuyển cử đầy rẫy gian lận đã loại người đàn ông 50 tuổi khỏi cuộc đua vào chức tổng thống. Giấc mơ của Martelly lãnh đạo đảo quốc Haiti có thể nói đã tan thành mây khói. Nhưng 4 tháng kiểm phiếu lại và điều tra các cáo buộc gian lận cùng cuộc bầu cử vòng hai được tổ chức sau đó đã thay đổi mọi thứ. Và ứng cử viên ít ai ngờ tới giờ đây chuẩn bị bước vào dinh tổng thống Haiti.

"Kẻ ngoại đạo" chính trị

Ông Martelly chưa bao giờ là chính trị gia. Người đàn ông 50 tuổi này được biết đến nhiều hơn với cái tên "Sweet Mickey" (Mickey ngọt ngào) - ca sĩ hát nhạc kompa (loại nhạc thịnh hành ở Haiti) làm mê hoặc người hâm mộ bằng những trò khôi hài nghịch ngợm trên sân khấu, trong đó phải kể đến hành động khoe... "bàn tọa" cho khán giả thưởng lãm.

 
Ông Michel Martelly -Ảnh: Reuters

Chính hình ảnh mà Martelly khẳng định được tạo dựng chỉ nhằm phục vụ sự nghiệp diễn xuất của mình đã khiến không ít người đặt câu hỏi: Liệu ông có thích hợp để điều hành một đất nước hay không, đặc biệt một quốc gia "lắm chuyện" như Haiti.

Là nước nghèo nhất khu vực Tây bán cầu, Haiti vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn chồng chất sau trận động đất khủng khiếp hồi đầu năm 2010 và trận dịch tả ập đến ngay sau đó. Nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai và dịch bệnh không mấy tiến triển của chính quyền đã khiến cử tri quay lưng với Jude Celestin, ứng cử viên được họ hậu thuẫn. Với các cử tri Haiti, Martelly là gương mặt mới trên chính trường Haiti, không bị lấm lem bởi tình trạng tham nhũng vốn đã làm mất uy danh nhiều đời tổng thống ở đảo quốc vùng Ca-ri-bê.

Theo nhận định của ông Gary Pierre-Pierre, tổng biên tập và là nhà xuất bản báo The Haitian Times có tòa soạn đặt tại New York (Mỹ), chiến thắng của ông Martelly phù hợp với thông điệp mà người dân Haiti đang muốn gửi gắm. "Họ không muốn thể chế hiện tại. Họ không muốn duy trì nguyên trạng", ông cho biết.

Trên đường phố thủ đô Port-au-Prince, hàng nghìn người đã đổ ra đường hô vang một trong những biệt hiệu nổi tiếng của ông là "Tet Kale", nghĩa là "Đầu hói" theo tiếng Creole. Cử tri Haiti, đặc biệt là giới trẻ, đang khao khát một làn gió mới. Và họ đã được toại nguyện hôm 4.4, khi Ủy ban Bầu cử Haiti công bố kết quả sơ bộ cuộc bầu cử vòng hai ngày 20.3. Theo đó, ông Martelly, đã giành được 67,6% phiếu bầu, trong khi đối thủ Mirlande Manigat (phu nhân của cựu Tổng thống Leslie Manigat) chỉ giành được 31,5% phiếu. Ông Martelly sẽ được xác nhận là tổng thống đắc cử sau khi thời gian khiếu nại hết hạn và kết quả được thông báo vào ngày 16.4, trước khi tuyên thệ nhậm chức vào giữa tháng 5.

 

 

Giải mã chiến thắng

"Chúng ta sẽ cùng nhau nỗ lực vì tất cả người dân Haiti. Chúng ta có thể làm được điều đó nếu hợp tác cùng nhau", đó là cam kết ngắn gọn mà ông Martelly đưa ra trên website xã hội Twitter ngay sau khi kết quả sơ bộ được công bố. Theo các nhà phân tích, có 3 yếu tố giúp ca sĩ nhạc pop này leo lên đỉnh cao quyền lực. 

Thứ nhất, ông Martelly vận động tranh cử bằng thông điệp "thay đổi", điều mà người dân Haiti mong chờ sau khi phải gánh chịu tình cảnh đói nghèo, động đất, nạn dịch tả và bất ổn chính trị kéo dài. Martelly tỏ rõ quyết tâm bài trừ tham nhũng và thành lập một chính phủ có năng lực. Ông cũng cam kết giảm tỷ lệ thất nghiệp. Chính lời hứa này đã thắp sáng ngọn lửa hy vọng trong giới trẻ Haiti. Trước đó, Martelly từng nói nếu đắc cử thì việc đầu tiên mà ông làm sẽ là "đưa người dân ra khỏi những chiếc lều bạt" hiện nay. Nhờ vậy mà ông giành được sự ủng hộ của dân nghèo thành thị, vốn chiếm một tỷ lệ lớn trong dân số Haiti.

Yếu tố thứ hai đem đến thành công cho Martelly chính là sự thiếu kinh nghiệm chính trị của ông. Trong bối cảnh cử tri Haiti chán ghét và mất niềm tin vào những chính khách dày dạn kinh nghiệm thì điểm yếu trên đã tạo ra thế mạnh riêng cho ông Martelly. Hơn 1 năm sau trận động đất kinh hoàng, Haiti vẫn phải vật lộn với hậu quả nặng nề của thảm họa này. Khoảng 810.000 người đang phải sống vạ vật trong các lều bạt bẩn thỉu. Điều này đã làm dấy lên sự bất mãn của người dân đối với chính phủ đương nhiệm. Nạn tham nhũng tràn lan trở thành rào cản chính cho nỗ lực tái thiết. Bên cạnh đó, tình trạng gian lận trong vòng bầu cử đầu tiên cũng khiến người dân nước này phẫn nộ.

Yếu tố cuối cùng giúp ông Martelly chiến thắng chính là khả năng mê hoặc và sức hấp dẫn của ông. "Sweet Mickey" có rất nhiều người hâm mộ. Và nhóm này chiếm một tỷ lệ quan trọng trong số những người ủng hộ ông Martelly. Trong mắt của nhiều người dân, hình ảnh mạnh mẽ và đầy sinh khí của Martelly tượng trưng cho ước mơ về một tương lai tốt đẹp hơn cho quốc gia nhỏ bé này.  

Cộng đồng quốc tế cũng hy vọng ông Martelly có thể đảm đương trách nhiệm tổng thống nhằm thắt chặt mối đoàn kết trong nước, thúc đẩy công cuộc tái thiết và bài trừ "đại dịch" tham nhũng. Sau hàng loạt thảm họa, hơn lúc nào hết, người dân Haiti trông chờ một chính phủ có khả năng dẫn dắt họ ra khỏi bóng tối.

Nghệ sĩ làm chính khách

Ronald Reagan (1911-2004): Ông là tổng thống thứ 40 của Mỹ, cầm quyền từ năm 1981 đến năm 1989. Ông Reagan khởi đầu sự nghiệp là diễn viên điện ảnh, xuất hiện trong hơn 50 phim và gặt hái thành công vừa đủ để trở nên nổi tiếng trước khi tham gia chính trường. Trước khi vào Nhà Trắng, ông là Thống đốc thứ 33 của bang California từ năm 1967 đến năm 1975.

 

Arnold Schwarzenegger: Sinh năm 1947, Schwarzenegger từng làm vận động viên thể hình, diễn viên điện ảnh, người mẫu và doanh nhân trước khi trở thành Thống đốc thứ 38 của bang California từ năm 2003 đến tháng 1.2011.

 

Václav Havel: Sinh năm 1936, ông là tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Czech, nhiệm kỳ 1993-2003. Trước khi tham gia hoạt động chính trị, ông là nhà viết kịch, nhà văn và nhà thơ, tác giả của hơn 20 vở kịch và vô số tác phẩm văn chương.

Joseph Estrada: Sinh năm 1937, ông Estrada là tổng thống thứ 13 của Philippines, cầm quyền từ năm 1998 đến 2001. Estrada là một diễn viên điện ảnh, từng thủ vai chính của hơn 100 phim trong sự nghiệp diễn xuất kéo dài 33 năm của mình.

 

Maria Rosaria (Mara) Cafagna: Sinh năm 1975, Cafagna hiện là Bộ trưởng Cơ hội Bình đẳng trong chính phủ của Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi. Bà từng có nhiều năm hành nghề người mẫu trước khi trở thành chính khách.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.