Rusalka - 130 tỉ đồng hoang phế

17/04/2011 00:49 GMT+7

Tháng 6.2005, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an khởi tố, bắt giam bị can Nguyễn Đức Chi về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; toàn bộ tài sản tại dự án Rusalka ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) có giá trị hơn 130 tỉ đồng bị kê biên. Sau hơn 6 năm “đắp chiếu”, dự án này trở nên hoang phế.

Dự án khu du lịch Rusalka do Công ty đầu tư và phát triển du lịch Rus-Invest-Tur (RIT) làm chủ đầu tư trên diện tích 43,8 ha dọc bờ biển phía bắc TP Nha Trang. Dự án được cấp giấy phép năm 2000, với tổng vốn dự kiến đầu tư khoảng 15 triệu USD. Ngày 25.6.2005, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an khởi tố, bắt giam bị can Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐQT Công ty RIT, về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; đồng thời kê biên tài sản thuộc dự án này. Tuy nhiên sau đó, cơ quan tố tụng đã không thể truy tố Nguyễn Đức Chi tội danh trên, mà chuyển sang tội danh khác.

 

 Khu biệt thự hư hỏng, cỏ mọc um tùm  - Ảnh: Thiện Nhân

Theo kết luận điều tra, từ tháng 11.2002-1.2003, Công ty xuất nhập khẩu và lương thực (XNK-LT) Trà Vinh đã bán cho Nguyễn Đức Chi 31.488 tấn gạo, trị giá hơn 5,9 triệu USD. Trong quá trình điều tra và trước khi xét xử sơ thẩm, Nguyễn Đức Chi đã trả cho Công ty XNK-LT Trà Vinh toàn bộ số tiền mua gạo, còn số tiền lãi hơn 2,6 tỉ đồng chưa bồi thường.

Tại bản án hình sự sơ thẩm ngày 16.10.2008, TAND tỉnh Trà Vinh đã phạt bị cáo Nguyễn Đức Chi 4 năm tù về tội “sử dụng trái phép tài sản”, chấp nhận sự tự nguyện của bị cáo bồi thường tiếp cho Công ty XNK-LT Trà Vinh số tiền lãi nêu trên. Về xử lý tài sản, án tuyên tiếp tục kê biên các tài sản đã bị kê biên còn lại để đảm bảo thi hành án.

Tại bản án hình sự phúc thẩm ngày 31.12.2008, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM quyết định tiếp tục kê biên các tài sản của bị cáo với lý do: Nguyễn Đức Chi bị Viện KSND tối cao tiếp tục truy tố về tội “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” trong quá trình thực hiện dự án Rusalka. Tuy nhiên, khi bị TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử về tội này (bản án đã có hiệu lực pháp luật), Nguyễn Đức Chi cũng không bị buộc phải có nghĩa vụ liên quan đến tài sản (bồi thường dân sự, tịch thu tài sản). Mặt khác, trước khi xét xử phúc thẩm vụ án “sử dụng trái phép tài sản”, bị cáo Nguyễn Đức Chi đã tự nguyện thực hiện xong các khoản bồi thường. Chính vì vậy, ngày 1.4.2010, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao có quyết định giám đốc thẩm: Hủy bản án hình sự phúc thẩm số 1502/2008/HSPT ngày 31.12.2008 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM về phần quyết định “tiếp tục kê biên các tài sản của bị cáo Nguyễn Đức Chi” và bản án hình sự sơ thẩm số 51/2008/HSST ngày 16.10.2008 của TAND tỉnh Trà Vinh về phần quyết định “tiếp tục kê biên các tài sản đã bị kê biên còn lại để đảm bảo thi hành án”; đồng thời đình chỉ vụ án về phần này.

Sau hơn 6 năm “đắp chiếu”, nhiều tài sản thuộc dự án Rusalka đã hư hỏng trầm trọng do không được chăm sóc, bảo dưỡng. Toàn bộ dãy nhà 40 biệt thự được thiết kế, xây dựng theo kiến trúc nhà sàn Tây Nguyên, chuẩn bị đưa vào sử dụng gần như bị mục nát. Từ lối đi vào dự án cũng như khu vực quanh các hạng mục đang xây dựng dang dở, cỏ dại mọc um tùm trông như những ngôi nhà hoang. Trong khi đó, người lao động, nhà thầu xây dựng dự án Rusalka đang tìm cách đòi nợ chủ dự án, nhưng họ không biết đòi ở đâu, vì Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã có quyết định chấm dứt hoạt động của dự án.

Mới đây, trong đơn gửi cơ quan chức năng, ông Nguyễn Đức Chi có nguyện vọng tiếp tục đầu tư vào dự án Rusalka. Tuy nhiên, ngày 14.4.2011, một cán bộ lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tài sản dự án Rusalka đã được giải phóng kê biên và tòa án đã khẳng định tài sản là của ông Nguyễn Đức Chi. Khó khăn lớn nhất đối với tỉnh hiện nay là chọn nhà đầu tư mới, tin cậy để tiếp tục triển khai dự án. Sau đó, việc thỏa thuận tài sản giữa nhà đầu tư mới và nhà đầu tư cũ (chủ dự án Rusalka) sẽ được tiến hành một cách hài hòa, có lợi cho cả hai phía. Do vậy, chưa biết dự án Rusalka hoang phế đến bao giờ?

Thiện Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.