Những đứa con tiêu biểu của bản làng

17/04/2011 23:22 GMT+7

Trong khuôn khổ Festival thanh niên các dân tộc Việt Nam lần đầu được diễn ra ngày 17.4, Thanh niên & cuộc sống xin giới thiệu những gương mặt thanh niên tiêu biểu.

Góp phần giảm tỷ lệ học sinh bỏ học


Phan Trung Hiếu - Ảnh: P.N

Sinh ra và lớn lên ở bản Châu (xã Tân Tiến, H.Tràng Định, Lạng Sơn), Phan Trung Hiếu, dân tộc Tày, là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó học giỏi cho học sinh ở bản nghèo vùng cao này. Từ nhỏ cho đến lúc vào đại học, Hiếu luôn nằm trong nhóm có thành tích học tập tốt nhất, lần lượt được tuyển thẳng lên các cấp học tiếp theo.

Sau hơn 4 năm rèn luyện tại Học viện An ninh, Phan Trung Hiếu vẫn thuộc tốp sinh viên người dân tộc có thành tích học tập nổi bật với 4 lần nhận bằng khen của Tổng cục Xây dựng lực lượng công an nhân dân, 3 năm liên tiếp được T.Ư Đoàn tặng bằng khen về triển khai sáng tạo hiệu quả các phong trào hoạt động ở trường và tại địa phương. Điển hình là chương trình thắp sáng ước mơ, lan tỏa ngọn lửa đam mê học tập cho những học trò vùng cao. Cứ mỗi kỳ nghỉ hè hay dịp về quê nghỉ lễ tết, Hiếu cùng cán bộ Đoàn tại địa phương tổ chức nhiều chương trình giao lưu với thanh thiếu niên. Nhân vật giao lưu là những cán bộ, học sinh giỏi, sinh viên biết vươn lên bằng con đường học tập. Họ chia sẻ kinh nghiệm vượt khó, khích lệ tinh thần học tập cho cộng đồng học sinh vùng cao. Các chương trình được duy trì từ vài năm nay đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ học sinh trong xã bỏ học giữa chừng.

Chia sẻ về dự định khi tốt nghiệp Học viện An ninh, Phan Trung Hiếu thổ lộ, chọn theo ngành này là chấp nhận gian khổ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở bất cứ đâu mà tổ chức phân công. “Nhưng thực tâm mà nói, mình luôn có nguyện vọng được trở về xây dựng quê hương” - Hiếu nói.

Làm giàu từ rừng keo


Đặng Thị Sơn - Ảnh: P.N

Rừng đã đem lại cho gia đình Đặng Thị Sơn (người Dao, xã Hòa Bình, H.Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh) một cuộc sống no ấm. Năm 2003, Sơn mạnh dạn ký hợp đồng nhận chăm sóc rừng keo cho Lâm trường Hoành Bồ. Thấy có hiệu quả, năm 2006, Sơn mở rộng thêm diện tích, tới nay là 20 ha rừng keo, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng.

Không dừng lại ở đó, Sơn còn làm giàu từ việc nuôi nhím. Với 10 con nhím nuôi, mỗi năm đẻ thêm 3 - 4 con, Sơn có thêm thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm.

Sơn cho biết, nhím hiện nay rất được giá, nhím to bán tới 30 triệu đồng/cặp. Chị chia sẻ bí quyết làm giàu: “Nhím rất dễ nuôi, nó chỉ ăn khoai, sắn, củ, quả… Nhưng nguồn thức ăn này phải sạch hóa chất và không bị hư hỏng vì nhím dễ bị ngộ độc, khi bị đau bụng thì chỉ 2 - 3 ngày là chết. Mình toàn tự trồng khoai, sắn… để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, khu vực nuôi nhím cần sạch sẽ, thoáng đãng đề phòng bệnh cho nhím”.

Mô hình trồng rừng và nuôi nhím của Đặng Thị Sơn không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo việc làm cho 30 lao động thời vụ.

Tìm vốn giúp thanh niên

Với Bàn Thanh Thảo (dân tộc Dao), Bí thư Huyện Đoàn Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, niềm vui lớn nhất khi làm công tác Đoàn chính là việc Thảo có thể giúp thanh niên quê mình tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn vay ưu đãi, có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.


Bàn Thanh Thảo - Ảnh: P.N

Năm 2006, tổng số vốn mà thanh niên H.Bảo Thắng được vay ưu đãi phát triển sản xuất chỉ hơn 2 tỉ đồng. Nhưng từ năm 2007, khi Thảo tham gia vào việc hỗ trợ thanh niên vay vốn giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh tới nay, thanh niên H.Bảo Thắng đã vay được tới 49 tỉ đồng. Đã có nhiều bạn trẻ thoát nghèo, làm giàu và tạo việc làm cho nhiều người khác nhờ nguồn vốn vay này. Điển hình như mô hình chế biến lâm sản của Phạm Văn Thịnh ở thôn Phú Long, thị trấn Phố Lu, H.Bảo Thắng, với vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội do Đoàn thanh niên giới thiệu là 178 triệu đồng. Đến nay, sau 3 năm hoạt động, cơ sở chế biến của Thịnh đã có lãi vài trăm triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động tại địa phương với thu nhập 2 - 3 triệu đồng/tháng.

Cũng nhờ Huyện Đoàn Bảo Thắng giới thiệu mà Đặng Phi Long (xã Xuân Quang) đã gây dựng được cơ sở lắp ráp các loại máy chế biến nông sản như: máy tẽ hạt ngô, máy gọt vỏ sắn, máy chặt… Những loại máy này đều do Long tự mày mò, lắp ráp từ những nguyên liệu dễ kiếm nên có giá thành rẻ, chỉ vài trăm nghìn đồng/cái. Máy do cơ sở của Long chế tạo ra được người dân H.Bảo Thắng và các huyện lân cận rất ưa chuộng vì giá rẻ và hoạt động ổn định, nên máy làm ra đến đâu là tiêu thụ hết đến đó. Với số vốn vay là 30 triệu đồng từ 3 năm trước, tới nay cơ sở của Long đã tạo việc làm thường xuyên cho 5 - 7 lao động tại địa phương.

Cuộc vận động tặng hiện vật cho các làng dân tộc

Festival Thanh niên các dân tộc VN năm 2011 với chủ đề Tuổi trẻ VN với sự nghiệp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc diễn ra ngày 17.4 tại Hà Nội do Bộ VH-TT-DL; T.Ư Đoàn; Ủy ban Dân tộc; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp tổ chức.

Bạn trẻ các dân tộc đã có nhiều hoạt động ý nghĩa như: viếng tượng đài anh hùng liệt sĩ Bắc Sơn (Hà Nội), báo công tại Quảng trường Lăng Bác, gặp mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tham gia hội thảo “Tuổi trẻ Việt Nam với sự nghiệp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong thời kỳ đổi mới, hội nhập của đất nước”... Cũng nhân dịp này, Ban tổ chức đã phát động cuộc vận động tuổi trẻ cả nước hiến tặng hiện vật, đồ dùng, dụng cụ để góp phần hoàn thiện Khu các làng dân tộc thuộc Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam.

Phương Nguyên - Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.