Chân trần, chí thép: Đại bàng gãy cánh

17/04/2011 23:59 GMT+7

(Sách của cựu trung tá thủy quân lục chiến Mỹ James G.Zumwalt - con trai Tư lệnh Hải quân Mỹ tại Việt Nam Elmo R.Zumwalt; First News ấn hành tại VN)

Là phóng viên chiến trường, ông Trần Công Tấn đã chứng kiến nhiều mặt của cuộc chiến tranh. Rút một cuốn nhật ký ra, ông Tấn đưa lên mũi ngửi: “Vẫn còn mùi khói lửa” - hàng thập niên sau khi ra đời, những trang nhật ký ấy vẫn còn phảng phất mùi vị chiến tranh.


Phi công Robert H. Shumaker bị bắt vào năm 1965 - Ảnh: Tác giả cung cấp

Một mục nhật ký ghi lại cuộc không kích do 12 chiếc F-105 thực hiện vào tuần đầu tiên của tháng 2.1965 ở Đồng Hới. Một số mục tiêu quân sự bị trúng bom, nhiều nhà cửa và khu chợ cũng bị tàn phá. Một chiếc F-105 trúng đạn cao xạ và phi công buộc phải nhảy ra. Bộ đội lập tức tỏa đi tìm bắt.

Viên phi công là thiếu tá Robert H. Shumaker. Anh này nói được tiếng Pháp, nên những người biết tiếng Pháp lập tức tới thẩm vấn. Cuộc tra hỏi đã bị gián đoạn khi dân làng giận dữ vây quanh viên phi công. Sợ rằng không thể kìm giữ được dân làng, những người bắt giữ đã nhanh chóng chuyển tù binh đi nơi khác. (Hồ sơ Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay Robert H. Shumaker được trả tự do cùng các tù nhân khác vào năm 1973).

Nhật ký của Tấn còn đề cập tới một phi công trẻ người Mỹ nữa; anh này kém may mắn hơn. Sau khi Shumaker bị bắt, 5 máy bay của Hải quân Mỹ, trong đó có chiếc do trung úy Edward Andrew Dickson lái, tấn công một phi trường gần Đồng Hới. Theo ông Tấn, tốp máy bay lướt qua trên đầu những chiếc thuyền gần bờ trên đường tiếp cận mục tiêu. Sau khi hoàn tất vụ không kích, máy bay trở ra biển, xả súng xuống đoàn thuyền.

Máy bay bay rất thấp, cách mặt biển chừng 50 mét. Ở độ cao như vậy, chúng trở thành mục tiêu của lưới lửa bủa ra từ các trận địa cao xạ trên bờ cũng như súng trường trên thuyền. Máy bay Dickson trúng đạn. Nó loạng choạng rồi đâm xuống biển. Trước khi máy bay biến mất, một chiếc dù bung ra.

Vài ngày sau, ngư dân làng Nhân Trạch, Quảng Bình phát hiện xác một viên phi công Mỹ dính dù dạt vào bờ. Theo quan sát lúc đó thì người này bị thương nặng khi bật ra khỏi máy bay và các vết thương đã giết chết anh ta. Người ta tìm thấy nhiều vật dụng trên người phi công, trong đó có một khẩu súng ngắn, tiền Mỹ, hình ảnh gia đình, đồng hồ, một lá cờ Mỹ nho nhỏ, một thẻ quân nhân và một mảnh kim loại khắc thông tin nhân thân. Mặt sau lá cờ Mỹ có một thông điệp bằng nhiều thứ tiếng: “Tôi là người Mỹ. Hãy giúp tôi thức ăn và nơi ở. Hãy giúp đưa tôi trở về Mỹ. Chính phủ chúng tôi sẽ tưởng thưởng cho quý vị”.

Ông Tấn đã vẽ hình viên phi công trong cuốn nhật ký. Từ thẻ quân nhân người chết, ông ghi lại những thông tin sau:

“Tên: Edward A. Dickson

Số: 9520447

Cấp bậc: Trung úy, Hải quân Mỹ

Ngày sinh: 3 tháng 9 năm 1937

Nhóm máu: A”

Người ta đào một hố sâu hai mét cách nơi người chết dạt vào chừng năm mươi mét để an táng. Bà Nay, một người dân địa phương có chồng chết trong cuộc chiến chống Mỹ và VNCH, cắm hương lên ngôi mộ. Trang nhật ký cho biết vừa cắm hương bà vừa cầu nguyện cho người lính trẻ nước Mỹ phải nằm xuống ở một nơi rất xa quê nhà: “Cầu cho hương hồn chú được trở về với gia đình bên Mỹ”.

Ông Tấn còn ghi lại sự kiện hai máy bay Mỹ rơi trong một ngày. Sáng 3.3.1965, một đợt máy bay oanh tạc vùng phụ cận Đồng Hới. Hai chiếc bị bắn rơi; hai phi công nhảy dù. Dân địa phương hè nhau đi bắt.

Ngay sau khi máy bay bị bắn cháy, pháo thủ trên trận địa cao xạ trông thấy một chiếc trực thăng từ biển bay vào để cứu phi công. Lúc 10 giờ 35, người ta phát hiện một người Mỹ đang hái quả mọng trong rừng ăn và tìm cách leo lên đồi. Ngay lập tức đơn vị quân đội tuần tra được thông báo để truy đuổi. Dân làng cũng thấy một chiếc dù đẫm máu. (Nhật ký ông Tấn viết rằng dân làng thấy rất nhiều máu, họ không chắc là viên phi công bị thương nặng khi máy bay rơi hay bị cọp vồ).

Cuối ngày hôm đó, một phi công với vết thương ở chân đã bị nhóm tuần tra ba người bắt giữ khi anh ta đang xem bản đồ. Người ta lấy tấm bản đồ để rịt vết thương. Nhóm bắt giữ tước súng của anh ta và bắn chỉ thiên ba phát để thông báo cho những người khác. Khi viên phi công kêu đói, anh ta được dân làng cho ăn.

Viên phi công khai mình là trung úy Hayden J. Lockhard của Không quân Mỹ. Các cuộc thẩm vấn sau đó cho biết anh ta quê ở Ohio và đã phục vụ Không quân Mỹ hai năm trước khi được điều tới Việt Nam. Khi được hỏi về phi công còn lại, Lockhard nói đó là “Ronca”, nhưng anh này đã thiệt mạng. (Tài liệu Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Hayden James Lockhard bị bắn rơi máy bay và bị bắt, cuối cùng được trả tự do đồng thời với Shumaker. Không tìm thấy người nào có tên là “Ronca”).

Khi Lockhard bị giải vào làng, một phụ nữ có chồng vừa chết trong đợt không kích đã cầm dao tấn công. Ông Tấn kể mình đã buộc phải ngưng viết trong chốc lát để nhảy vào bảo vệ viên phi công. Ông giải thích cho người phụ nữ kia biết rằng khi đang ngồi trên máy bay thì viên phi công là kẻ thù của nhân dân, nhưng một khi đã trở thành tù binh thì anh ta cần được bảo vệ. Người phụ nữ sụp xuống khóc.

Một chuyện liên quan tới người phụ nữ này, theo ông Tấn, cho thấy lòng vị tha của người Việt Nam. Dù mới trải qua bi kịch gia đình trong ngày hôm ấy, người phụ nữ sau đó đã xách một con gà tới chỗ ông Tấn và bảo: “Làm thịt nấu cháo cho nó ăn kẻo nó không quen thức ăn Việt Nam”.

Đỗ Hùng
(dịch và giới thiệu)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.