Người “khai sinh” Tiếp sức mùa thi

15/04/2011 02:02 GMT+7

Tiếp sức mùa thi (TSMT) bắt đầu bước sang năm thứ 10 và trở thành “thương hiệu” nổi tiếng trên toàn quốc. Trong đó, một phụ nữ đã góp phần quan trọng để cho ra đời chương trình đậm chất nhân văn này.

Đó là chị Nguyễn Thị Nhung - nguyên Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên (SV) TP.HCM (1998 - 2007). Chị Nhung bồi hồi nhớ lại: “Từ năm 1996, trung tâm này đã hỗ trợ thí sinh ở các tỉnh, thành xa lên TP.HCM thi ĐH nhưng còn lẻ tẻ, mang tính ngẫu hứng. Năm 2000, biết một số thí sinh bị mất đồ đạc, bị gạt gẫm ở bến xe (BX), một số khác phải nằm ngủ tại công viên..., chúng tôi đầu tư tâm sức nhiều hơn. Và trong năm đó, đội xe chở thí sinh đã được ra mắt, với 13 bạn SV tình nguyện đầu tiên”.

 

 Từ TP.HCM, Tiếp sức mùa thi đã lan tỏa đến nhiều vùng trên cả nước - Ảnh: N.L

Bắt trúng nhu cầu thiết yếu của xã hội, những hoạt động hỗ trợ thí sinh lẫn phụ huynh trong những mùa tuyển sinh ĐH, CĐ lan tỏa và lớn mạnh đến không ngờ. Một số nhóm SV thuộc các trường ĐH: Bách khoa, Kinh tế… đã kéo lên Trung tâm Hỗ trợ SV “khiếu nại” phải làm sao để họ được thường xuyên tham gia chương trình.

Tiếp sức mùa thi năm nay diễn ra ở 12 tỉnh, thành

Chương trình Tiếp sức mùa thi năm 2011 sẽ được thực hiện tại 12 tỉnh, thành trên cả nước. Chương trình sẽ tập trung những hoạt động chính: tư vấn tâm sinh lý, tình cảm; kinh nghiệm thi đạt hiệu quả cao; giới thiệu địa chỉ nhà trọ miễn phí hoặc giá rẻ; hỗ trợ thí sinh và người nhà đi lại giữa những điểm thi; chỉ dẫn địa chỉ ăn uống đảm bảo vệ sinh... Ngoài sinh viên, lực lượng tình nguyện có thể được mở rộng ra học sinh trung học và thanh niên xung phong.

Sau khi bàn bạc, đề xuất ý kiến lên Thành Đoàn TP.HCM, chị Nhung cùng nhân viên của mình (hầu hết là nữ) quyết tâm lập đội hình tình nguyện trực ở BX miền Tây - địa chỉ đầu tiên thí sinh phản ánh tình trạng mất cắp, bát nháo. Điều thú vị, đến ngày ra quân, sinh viên tình nguyện (SVTN) không chỉ có mặt tại BX Miền Tây mà còn “phủ sóng” tại BX Miền Đông.

Chị Nhung nhớ lại: “Hồi đó tụi mình làm như vậy cũng sợ lắm! Sợ nhất là một số người lái xe ôm dữ dằn gây chiến. Bên cạnh đó, còn lo không biết thương thuyết thế nào để ban giám đốc những BX thông hiểu. Còn nhớ, chỗ đặt bàn tiếp sức ở BX Miền Tây sát bãi sình lầy, suốt ngày phải nhảy qua nhảy lại những vũng nước…”. Chị Nhung cho hay, từ 2 BX ban đầu, chương trình đã được mở rộng tại 6 BX, nhà ga và sau đó là cả những trạm xe buýt. Lực lượng SVTN dần dần được các đơn vị tạo điều kiện thuận lợi hơn để hoạt động.

“Nhiều phương tiện truyền thông hồi đó liên tục đưa tin, bài về TSMT. Mỗi khi mùa thi đến, các anh chị nhà báo thường hỏi thăm: “Năm nay có gì mới không?”. Câu hỏi đó vừa khiến chúng tôi vui vì được quan tâm, vừa thấy... sợ vì áp lực. Nhưng nhờ vậy mà chúng tôi luôn động não, tìm cách cải tiến chương trình” - Chị Nhung bộc bạch.

 
Thời kỳ gắn với TSMT đã ngấm vào máu thịt, để lại những kỷ niệm rất khó quên trong đời tôi - Chị Nguyễn Thị Nhung

Từ năm 2000-2004, nhiều đội hình tình nguyện tiếp nối ra đời tại TP.HCM, đó là: Đội SVTN tại những BX; Đội SVTN tại trạm xe buýt; Đội SVTN hỗ trợ chủ nhà; Đội SVTN phát cơm miễn phí. Từ 13 thành viên ban đầu trong đội xe, sau tăng lên 100 người, rồi 500 và nay là hơn 1.500 SVTN... Điều đáng nói, chương trình đã tạo được hệ thống chân rết ngay tại nhiều trường ĐH, CĐ để kịp thời hỗ trợ thí sinh. 

Đặc biệt, chương trình mang tính xã hội hóa giáo dục này đã nhận được sự đồng thuận rất lớn từ phía chủ nhà trọ. Chị Nhung cho biết, số lượng nhà trọ miễn phí và giá rẻ (3.000-5.000 đồng/người/đêm) đã tăng lên trên 10.000 chỗ. Thậm chí, một số người dân có nhà trọ hơi xa những điểm thi đã gọi điện đến “bắt đền” trung tâm: “Tui đã dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, sao không cho đứa nào đến ở vậy?”.

Theo chị Nhung, khoảng năm 2002, Tập đoàn Thiên Long đã kết nối và tài trợ cho chương trình này. Sau nhiều tên gọi được đưa ra “trưng cầu”, như: Hỗ trợ mùa thi; Tiếp bước thí sinh thi ĐH..., cuối cùng BTC đã thống nhất chọn tên chính thức cho chương trình là “Tiếp sức mùa thi”. Tiếp đó, Tập đoàn Thiên Long phối hợp cùng Bộ GD-ĐT, T.Ư Hội SV VN, Báo Thanh Niên đưa TSMT ra phạm vi cả nước. 

Tính đến nay, chị Nguyễn Thị Nhung đã có 26 năm gắn bó với công tác SV. Những năm sau này, chị làm Giám đốc Nhà văn hóa SV TP.HCM. Tuy không còn phụ trách TSMT, song chị vẫn dõi theo chương trình và từng dành hàng chục suất học bổng giúp đỡ thí sinh khó khăn thi ĐH. “Thời kỳ gắn với TSMT đã ngấm vào máu thịt, để lại những kỷ niệm rất khó quên trong đời tôi” - chị Nhung tự hào.

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.