Người bệnh mãn tính dễ chết vì cúm

15/04/2011 09:30 GMT+7

Trong số 11 trường hợp tử vong từ đầu năm đến nay vì cúm A/H1N1, có 7 trường hợp được xác định có tiền sử mắc các bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đái tháo đường, huyết áp cao, vảy nến, gút…

Trường hợp đầu tiên tử vong năm 2011 vì  cúm A/H1N1 là một bệnh nhân nam 52 tuổi, ở Hà Nội, được xác định có tiền sử viêm phổi tắc nghẽn mãn tính. Tại tỉnh Quảng Nam, một bệnh nhân nam 46 tuổi tử vong vì cúm A/H1N1 cũng được xác định trước đó bị khối u trung thất. Mới đây, một bệnh nhân tử vong ở Nam Định do cúm A/H1N1 cũng có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường, huyết áp cao.


Bệnh nhân cúm A/H1N1 điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM. Ảnh: Nguyễn Thạnh

Dễ biến chứng nặng ở thai phụ

Theo các bác sĩ điều trị, bản thân các bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đái tháo đường ở giai đoạn cuối, huyết áp cao, suy thận mãn... đã có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân mà không cần đến cúm A/H1N1. Khi mắc thêm cúm A/H1N1 trên nền bệnh sẵn có như vậy thì bệnh sẽ dễ nặng hơn khiến việc cứu chữa khó khăn hơn.

Một thống kê tại Bệnh viện Các bệnh nhiệt đới Trung ương cho thấy hơn một nửa số bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 là phụ nữ mang thai, trong đó nhiều trường hợp đã phải đình chỉ thai nghén. Cũng theo bệnh viện này, hơn 40% bệnh nhân tử vong vì cúm A/H1N1 là phụ nữ mang thai ở 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ.

Lý giải tình trạng phụ nữ mang thai nhiễm cúm A/H1N1 tăng vọt trong thời gian qua, giới chuyên môn cho rằng do trong thời gian mang thai, sức đề kháng của cơ thể sẽ giảm nên dễ nhiễm bệnh hơn.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Các bệnh nhiệt đới Trung ương, cảnh báo: Với thai phụ, nếu bị nhiễm virus cúm A/H1N1, ngoài việc bệnh sẽ nặng hơn, khó điều trị thì còn dễ dẫn đến kết quả xấu cho thai nhi như dị dạng, sẩy thai, sinh non, nhẹ cân...

Không chủ quan

Theo số liệu giám sát cúm trọng điểm quốc gia, số ca mắc cúm có xét nghiệm dương tính với cúm A/H1N1 đang có dấu hiệu giảm dần về số lượng và không ghi nhận thêm chùm ca bệnh nào. Tuy nhiên, người dân không nên chủ quan và không được tự ý sử dụng thuốc điều trị cúm khi không có chỉ định của bác sĩ.

Các chuyên gia dịch tễ cũng cảnh báo rằng hầu hết mọi người đều dễ dàng mắc cúm A/H1N1 nếu tiếp xúc với mầm bệnh. Hơn nữa, do biểu hiện lâm sàng của bệnh tương đối nhẹ nên người dân chủ quan vẫn đi làm bình thường. Trong quá trình giao tiếp, nếu họ không mang khẩu trang, sẽ dễ lây cho người khác. Thông thường, sau 5 ngày nhiễm cúm A/H1N1, bệnh sẽ đỡ nhưng với trường hợp nặng có thể từ ngày thứ 4 sẽ biến chứng viêm phổi, rối loạn ý thức, da xanh, nôn liên tục, hạ huyết áp. Các trường hợp tử vong do cúm nặng thường do suy hô hấp nặng và suy đa tạng, suy thận và gan.

68% bệnh nhân tuổi dưới 20

Tại TPHCM, trong những tháng đầu năm, dù số ca mắc cúm A/H1N1 xuất hiện lẻ tẻ nhưng hầu hết là ca nặng, dễ tử vong. Mới nhất trong tháng 4 là trường hợp bệnh nhân P.V.S (44 tuổi, ngụ quận Tân Phú). Thông tin từ Viện Tim TPHCM cũng cho biết vừa tiếp nhận để theo dõi tình trạng suy tim cho một bệnh nhân vừa suy tim nặng vừa nhiễm cúm A/H1N1.

Theo Viện Pasteur TPHCM, số người mắc cúm A/H1N1 đang có chiều hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành khu vực phía Nam. Cụ thể, gần đây nhất đã xuất hiện một số ổ dịch cúm A/H1N1 ở 2 tỉnh Bến Tre và Bình Phước. Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Phượng, Trưởng Khoa Y tế công cộng của viện, cho biết ngoài việc dễ gây tử vong đối với nhóm người nguy cơ cao, mắc bệnh mãn tính thì người trẻ bị virus cúm A/H1N1 tấn công đang là vấn đề đáng quan tâm. Hiện có trên 68% bệnh nhân xét nghiệm dương tính với cúm A/H1N1 ở trong độ tuổi dưới 20.

Sở Y tế TPHCM vừa yêu cầu y tế cơ sở phối hợp cùng chính quyền các quận, huyện tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp trọng tâm trong công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt tại trường học.

Ng.Thạnh

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.