Trách ai?

12/04/2011 10:59 GMT+7

Sự ích kỷ, vô tâm của cha mẹ cũng là một nguyên nhân khiến trẻ sa ngã, trở thành tội phạm.

“Thằng Duy nó nghiện rồi cháu! Bây giờ cô biết phải làm gì để cứu nó đây?’’ - cô Bình, một người quen với gia đình tôi, mếu máo. Tuổi già, nay ốm mai đau vậy mà cô vẫn phải vất vả vì con, vì cháu.

Cô đơn bên người thân

Chị Thùy, con cô Bình, sinh Duy khi mới 18 tuổi. Hôn nhân không hạnh phúc khiến chị buồn chán, bỏ mặc con cho mẹ chăm sóc và lao vào tìm quên trong những cuộc tình chóng vánh. Lâu lâu chợt nhớ ra mình có một đứa con, chị mới ôm hôn, nựng nịu hoặc mua cho Duy tấm bánh, ít quà. Cô Bình tuy rất thương cháu nhưng là chủ một cơ sở chế biến mực tẩm nên rất bận rộn, thời gian dành cho cháu cũng không nhiều. Việc ăn uống, tắm rửa của Duy được giao cho người phụ việc tin cẩn, chuyện học hành đã có gia sư.

 
Minh họa: Nguyễn Tài

Đi học về, Duy lủi thủi chơi một mình hoặc lang thang chơi trong xóm. Càng lớn, Duy càng thích lấy hè đường làm nhà, bạn bè làm người thân. Thấy cháu như vậy, cô Bình đâm lo, nhắc nhở chị Thùy để mắt đến con. Sau vài năm ly hôn với cha Duy, chị Thùy lấy chồng khác, không sống chung với cô Bình và cũng không thể đem Duy theo về nhà chồng.
 
Thỉnh thoảng, chị về thăm hai bà cháu, dúi ít tiền cho con hoặc mắng sa sả vài câu khi nghe nói Duy làm điều gì đó sai quấy, rồi đi. Duy bây giờ dửng dưng khi thấy mẹ về, không buồn khi mẹ lại đi.

Năm Duy lên lớp 9, chị Thùy lại ly hôn vì không sinh được con cho người chồng thứ hai. Trở lại nhà mẹ sống, thấy Duy ương bướng, ăn mặc kỳ dị, chị Thùy cố gắng gần gũi tìm hiểu, dạy dỗ nhưng dường như đã quá muộn! Duy không thích trò chuyện cùng mẹ, trơ trơ mỗi khi bị mẹ rầy la. Rồi Duy thi rớt lớp 10, nhất quyết không chịu học và thi nữa, suốt ngày lang thang tiệm net, bida.
 
Sợ con hư, chị cho con học nghề nhưng chẳng có nghề nào ra hồn vì Duy mau chán. Duy đề nghị mẹ mở tiệm net kinh doanh, chị Thùy đồng ý, hy vọng Duy sẽ bớt ham chơi, chăm chỉ làm ăn. Có tiệm do mình làm chủ, Duy mặc sức chơi game và cho bạn bè chơi miễn phí. Giận quá, chị Thùy kêu người sang tiệm.

18 tuổi, không học, không nghề, không ai quản nổi, Duy mặc sức rong chơi với đám bạn hư. Khi cô Bình và chị Thùy phát hiện thì Duy đã là con nghiện.

Lạc lõng ở chợ đời

Cũng như Duy, Tí gặp “sự cố” ngay từ bé. Cha mẹ ly hôn khi Tí vừa vào học lớp 1. Tí được giao cho mẹ nuôi dưỡng. Một năm sau, mẹ Tí đi bước nữa rồi ra nước ngoài sống với người chồng Đài Loan, bao năm rồi chẳng thấy mẹ về. Cha Tí cũng có vợ mới và một nhóc tì nên quên luôn trách nhiệm làm cha đối với Tí. Vậy là bỗng dưng Tí thành trẻ “mồ côi’’, phải sống cùng bà ngoại.

Bà đã già lại nghèo khó nhưng rất mực thương Tí. Có điều, tình yêu thương và sự chăm sóc ấy không làm cho Tí vơi đi cảm giác cô đơn. Học xong tiểu học, Tí thấy ngoại nghèo quá, cái ăn lo chưa xong làm sao lo nổi tiền học, Tí đòi đi bán vé số phụ bà. Được vài năm, khi chưa được 15 tuổi, Tí xin bà đi theo hai đứa bạn lớn ở trong xóm lên thành phố phụ quán ăn. Tí đi chỉ gần tháng, bà điếng người khi biết tin Tí bị bắt vì cùng đồng bọn nhiều lần cắt dây điện đem bán lấy tiền tiêu xài.

Trước tòa, Tí líu ríu: “Đây là lần thứ tư anh Đẳng rủ con đi cắt dây điện, ảnh nói không sao đâu rồi kêu con đứng dưới đất coi chừng. Con không biết làm như vậy là bị ở tù. Xin tòa tha cho con về, bà ngoại con già rồi…’’. Dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng cuối cùng, Tí vẫn bị tuyên phạt 4 năm tù do tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia. Nghe tòa tuyên án, bà ngoại Tí lau nước mắt, tự trách: “Tại tui nghèo quá, không nuôi dạy cháu đàng hoàng…’’.

Hôm ấy, ngoài bà ngoại lặn lội từ Đồng Tháp lên TPHCM dự phiên tòa, Tí chẳng có người thân nào. Mẹ Tí ở Đài Loan không về được, cha Tí đã được bà ngoại nhờ người nhắn cho biết ngày Tí ra tòa nhưng “đến giờ này cũng hổng thấy”… Tí đã là đứa trẻ mồ côi thật rồi!

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.