Đi tìm sách cũ

13/04/2011 07:49 GMT+7

Có nhiều cách để sở hữu những cuốn sách hay, nhưng với một số người, chọn mua sách cũ là cách để tiết kiệm nhưng vẫn hiệu quả.

Theo chân một sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội đi tìm một cuốn giáo trình vật lý cũ, mới thấy nghề… mua sách cũ vừa vất vả vừa thú vị. Sắp đến mùa thi, các cửa hàng sách cũ đông nghẹt người mua, chủ yếu là học sinh, sinh viên đến mua giáo trình. Các loại sách khác bán được ít hơn, tuy nhiên, chủ một hàng sách cũ trên đường Láng lại cho biết, vào thời điểm này, truyện các loại chạy nhất với hàng trăm cuốn được bán mỗi ngày, mặc dù ở đây sách gì cũng có.

 
Sách cũ hấp dẫn vì giá phải chăng… - Ảnh: T.T

Nguyễn Thị Thương, một sinh viên Viện Đại học Mở Hà Nội, trọ ở tít tận Kim Ngưu vẫn lặn lội đạp xe đến một hiệu sách cũ trên đường Trần Quốc Hoàn gần Cầu Giấy để tìm mua một cuốn từ điển Anh - Anh - Việt. “Em thích cuốn sách này, đã tìm ở nhiều nơi, thậm chí vào cả hiệu sách mới mà không thấy, may mà ở đây lại có, và rất rẻ, giá có vài chục nghìn”, Thương nói.

Một cuốn sách cũ chỉ bằng 40-50% giá mới, nhưng với Hằng, sinh viên ĐH Công Nghiệp, quê ở Hà Tĩnh thì “dù có cũ sách vẫn là thứ xa xỉ, vì em khó khăn lắm”, cầm cuốn giáo trình ôn luyện tiếng Anh trên tay, Hằng chia sẻ. Để có tiền mua sách ông luyện, dự định thi tiếp vào một trường ngoại ngữ, cô bé này đã phải tiết kiệm nhiều khoản chi tiêu…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sách cũ được thu thập ở khắp nơi trên cả nước rồi về một đầu mối ở gần… chợ Long Biên, sau đó phân phối đến các cửa hàng. Cũng có khi sách cũ đến từ những người bán đồ phế liệu đồng nát, vì thế, nếu đi mua sách cũ cần chú ý để tránh mua phải các cuốn sách đã mất tờ, hoặc bị ẩm ướt mà dính bết hoặc mục nát bên trong. Theo những người mê sách cũ thì Hà Nội cũng chỉ còn một số cửa hàng bán sách cũ nằm rải rác ở khu vực đường Láng, trước cửa ĐH Bách Khoa, nhưng nơi uy tín và có nhiều sách hiếm nhất là các hiệu sách ở 180 Bà Triệu và số 5 Bát Đàn.

Sách cũ xuất bản càng lâu càng khó tìm và càng quý vì nhiều cuốn không tái bản nữa. Hỏi về cuốn sách lâu đời nhất tại cửa hàng, anh An, chủ cửa hàng sách ở phố Trần Quốc Hoàn nói trên cho biết, ở đây “cổ nhất là cuốn từ điển Pháp - Pháp, xuất bản 1922, các cuốn còn lại đều thuộc các năm về sau từ 1945 trở lại đây, đây cũng là những cuốn sách “vô giá” vì ít người có nhu cầu và nếu có thì cũng phải lừa lựa mới bán được”, anh An cho hay.

Lang thang khắp các cửa hàng sách cũ, chúng tôi phát hiện ra có một văn hóa sách cũ của người Hà Nội đang tồn tại giữa thời đại của sách điện tử và internet. Vốn là công chức, anh Hiển ở Hà Đông có một bộ sách cũ đồ sộ với hơn 2000 cuốn về văn học, chính trị, tôn giáo… “Tôi chỉ tìm mua sách cũ, tủ sách chặt cứng rồi nhưng vẫn muốn tìm thêm, nếu ai thích sách, lại lỡ dính vào sách cũ thì coi như nghiện thuốc phiện, khó rứt ra lắm”, anh nói.

Không chỉ sách, tạp chí cũ cũng đông người hỏi mua, chị Hiền ở phố Đội Cấn khi gặp chúng tôi ở một quán sách trên đường Láng đã cho biết, đã đi mấy hiệu để tìm một số tạp chí chuyên về ô tô, xe máy về cho chồng và con trai. “Ở nhà có tới vài chục quyển nhưng không đầy đủ theo số ra thứ tự, nên bây giờ phải đi tìm cho bố con ông ấy đến đủ thì thôi”, chị Hiền kể.

Thiên Trang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.