Anh cả xưởng cơ khí

11/04/2011 18:41 GMT+7

Vì giúp được nhiều bạn trẻ nên khi nhắc đến Lê Anh Quốc (thôn Tân Phú, xã Quảng Phú, H.Quảng Trạch, Quảng Bình), ai cũng dành cho anh sự trìu mến.

Một ngày tháng 3, xưởng cơ khí Minh Cạnh nằm ven QL1A nhộn nhịp người ra vô, rộn ràng tiếng hàn xì, máy móc. Nhìn bên ngoài, xưởng khá nhỏ và cũ kỹ nhưng bên trong lại rộng rãi với nhiều cỗ máy hiện đại có tổng trị giá gần 3 tỉ đồng. Xưởng Minh Cạnh thuộc tốp lớn nhất, nhì trong vùng, khách hàng không chỉ trong tỉnh mà còn đến từ nhiều nơi khác như Nghệ An, Hà Tĩnh hay Quảng Trị. Ngạc nhiên hơn, quản lý xưởng là ông chủ mới 32 tuổi Lê Anh Quốc.

Để có được thành công như hiện tại, Anh Quốc mất không ít công sức, đặc biệt là chịu khó, miệt mài ngày đêm học hỏi, rèn luyện. Anh tâm sự: “Mình theo cha học nghề từ những năm lớp 8, bây giờ thì có thể nói đã biết khá nhiều. Cũng may là được kế thừa cơ sở do cha gây dựng nên. Gần 20 năm rồi nhưng chưa bao giờ mình chủ quan, lơ là; nghề này đòi hỏi tính kiên trì, chịu khó cao. Ngoài các sản phẩm thông dụng cho tất cả các loại máy công-nông-lâm-ngư nghiệp thì xưởng mình thường chế tạo những chi tiết hiếm, không bán trên thị trường trong vùng. Cũng chẳng có sách vở gì, từ mẫu cũ và theo kinh nghiệm để chế lại thôi”.


Anh Quốc (áo sáng) đang hướng dẫn thợ trẻ  - Ảnh: T.Q.Nam 

Lo phát triển kinh tế gia đình đã đành, vấn đề lo công ăn việc làm cho TN địa phương cũng khiến Anh Quốc suy tư không ít. Vì vậy hằng năm, xưởng của anh đều nhận người vào học việc, học thành thạo rồi muốn ở lại làm với anh hay tách ra làm riêng đều được. Nhìn anh nhẹ nhàng, tận tình chỉ bảo thợ trẻ của mình mới thấy hết tâm huyết của một người anh cả thực sự. “Nếu vào học khoảng 2 tháng mà thấy không có tiến bộ thì mình hướng các em sang nghề khác. Ai trụ được sau 1 năm là có lương mỗi tháng, còn khi học thì cho các em vài trăm ngàn đồng động viên”, Quốc cho biết. Hiện có 6 thợ trẻ làm tại xưởng của anh với mức lương 3,5 triệu/người/tháng. Tính đến nay, thợ lành nghề do anh đào tạo cũng hơn 15 người, một số đi lao động xuất khẩu ở Hàn Quốc, số mở xưởng tại quê nhà…

Điều khiến Quốc trăn trở nhất hiện nay là công tác đào tạo tại các trường nghề. Theo anh, ngoài lý thuyết, học viên cần phải được thực hành với những giờ học hiệu quả, khi ra trường mới có thể làm được việc liền. Chứ nhiều học viên tốt nghiệp về xin vào cơ sở anh làm đều phải đào tạo lại. Dĩ nhiên người học cũng phải nghiêm túc, ham học.

Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.