Lao động về từ Libya chậm được hỗ trợ

10/04/2011 01:05 GMT+7

Hơn một tháng kể từ khi 9.000 lao động từ Libya về nước, Bộ LĐ-TB-XH vẫn chưa đưa ra phương án hỗ trợ, khiến họ chờ đợi trong bức xúc.

Sau những ngày đoàn tụ gia đình, hàng nghìn lao động từ Libya bắt đầu phải đối mặt với hiện thực cuộc sống. Về nước không một xu dính túi, cần một số vốn làm ăn, anh Nguyễn Văn Luân (Thạch Thất, Hà Nội) mong ngóng 2 tuần trôi qua thật nhanh để đến công ty hỏi chuyện thanh lý hợp đồng. “Cục Quản lý lao động nói sau 2 tuần về nước chúng tôi được thanh lý hợp đồng. Vậy mà đại diện công ty nói phải chờ số lao động còn lại về bằng đường biển công ty sẽ giải quyết một thể. Thời gian cụ thể sẽ gọi điện thông báo sau. Chúng tôi cần công ty trả lời sớm, còn biết lựa đường kiếm kế sinh nhai. Chờ đợi biết đến bao giờ, cả tháng nay ăn không ngồi rồi, sốt ruột lắm rồi”, anh Luân bức xúc.

Theo anh Luân, hiện chủ sử dụng lao động còn nợ anh 4 tháng lương, tính ra khoảng 30 triệu đồng. Không có tiền, những người nông dân nghèo như anh chẳng biết sẽ sống thế nào trong thời buổi giá cả tăng cao, việc làm ngày một khó kiếm.

Ông Nguyễn Xuân Vui, Tổng giám đốc Công ty Airseco, giải thích lý do công ty chưa thanh lý hợp đồng là vì còn phải chờ hướng dẫn chính sách bồi thường. Còn ông Nguyễn Văn Hiệp, Tổng giám đốc Công ty Vinaconexmec, cho biết một khi chưa có quy định hướng dẫn của cơ quan chức năng, doanh nghiệp chưa thể thanh lý hợp đồng cũng như chi trả các khoản trợ cấp. “Chúng tôi có chủ trương tạo điều kiện cho người lao động đi làm ở nước khác. Tuy nhiên, với hơn 3.000 lao động, công ty cũng phải thu xếp, tuyển chọn dần dần, không thể nói giải quyết ngay một sớm, một chiều. Chúng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm các hợp đồng với các đối tác nước ngoài, bao giờ nắm được hợp đồng trong tay, có đầy đủ thông tin chúng tôi sẽ thông báo tới người lao động”, ông Hiệp nói.

Do chưa thỏa mãn với câu trả lời của doanh nghiệp, ngày 31.3 vừa qua, tại Hà Nội một số lao động đã có những hành động quá khích, đập phá cửa kính tại Công ty Ilsaco và Chi nhánh Công ty Nibelc Ninh Bình. Một số doanh nghiệp lo ngại, nếu giải quyết chậm trễ, lao động chờ đợi lâu sẽ dẫn tới những bức xúc tiêu cực từ phía người lao động.

Chiều 9.4, ông Lê Văn Thanh, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho hay hiện vẫn chưa thể ban hành phương án hỗ trợ bởi Bộ LĐ-TB-XH vẫn đang tiếp tục họp bàn với bộ, ngành và doanh nghiệp trước khi trình Thủ tướng phê duyệt.

Hải Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.