Đẳng cấp thương hiệu

10/04/2011 01:33 GMT+7

Chỉ trong vòng 16 tháng qua, Toyota đã phải thu hồi hơn 18 triệu xe hơi trên thế giới. Vì vậy, việc một số nhãn hiệu của Toyota Việt Nam (TMV) bị lỗi có lẽ không quá bất ngờ đối với nhiều người.

Nhưng điều gây bất bình, thất vọng cho người tiêu dùng trong nước chính là thái độ của TMV khi xảy ra các sự cố này.

Có thể nói, TMV vi phạm nghiêm trọng đạo đức kinh doanh khi coi thường tính mạng của khách hàng. Bởi chính ông Tadashi Yoshida, Giám đốc sản xuất của TMV trong cuộc trao đổi với báo giới sau tố cáo của kỹ sư Lê Văn Tạch, làm tại bộ phận lắp ráp của TMV đã thừa nhận, hãng biết trước các lỗi này nhưng khẳng định an toàn nên vẫn đưa để sản phẩm lưu thông trên thị trường và "nếu xảy ra tai nạn mà cơ quan chức năng xác định nguyên nhân thuộc lỗi của TMV thì hãng sẽ chịu trách nhiệm". Thiết nghĩ, một thương hiệu lớn như Toyota, khi phát hiện ra bất cứ một lỗi gì, dù nhỏ đến đâu, cũng không thể hành xử như vậy. Nhất là khi sản phẩm của hãng lại liên quan trực tiếp đến sức khỏe, sự an toàn, tính mạng của người tiêu dùng. Thay vì cảnh báo cho khách hàng và tìm cách khắc phục thì TMV chỉ lên tiếng giải trình khi bị chính kỹ sư của chính mình tố cáo. Chúng ta hoàn toàn có thể đặt câu hỏi, nếu không có sự tố cáo của kỹ sư Lê Văn Tạch, liệu người tiêu dùng VN, những khách hàng của TMV sẽ bị lừa dối đến bao giờ?

Điều đáng buồn hơn nữa là thái độ, cách ứng xử của TMV sau khi xảy ra sự việc này. Thay vì nhận lỗi ngay lập tức (vì chính họ đã biết trước), TMV lại vòng vo, giải thích, giải trình... để bào chữa, gây thất vọng cho hàng ngàn người tiêu dùng VN đã và đang tin dùng thương hiệu Toyota. Tất nhiên, cuối cùng thì TMV cũng phải nhận lỗi nhưng cách họ làm đã không thể hiện được "đẳng cấp" của một thương hiệu lớn, không thể hiện sự tôn trọng với người tiêu dùng VN. Sòng phẳng mà nói, không thể có sản phẩm hay dịch vụ hoàn hảo tuyệt đối. Vì vậy, chúng ta chấp nhận sự sai sót và thực tế trên thế giới, vẫn xảy ra hàng loạt các vụ thu hồi sản phẩm do bị lỗi trong quá trình sản xuất của nhiều thương hiệu lớn. Vấn đề là thái độ, văn hóa, cách hành xử... của nhà sản xuất như thế nào trong những sự việc này để khách hàng của họ nói riêng và người tiêu dùng nói chung có thể thông cảm và không quay lưng với họ sau những sự cố đó.

Để sở hữu xe hơi, người tiêu dùng VN phải trả số tiền gấp 3 lần ở Mỹ, hơn ai hết, các hãng xe hơi trong nước đều biết rõ điều này. Vì vậy, đây là lúc, người tiêu dùng VN phải thể hiện "quyền lực" của mình nếu như các nhà sản xuất không thể hiện sự chuyên nghiệp trong việc xử lý sự cố cũng như thái độ đúng đắn trong ứng xử với khách hàng.

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.