Vào “chiến dịch” ôn thi tốt nghiệp

08/04/2011 22:39 GMT+7

Ngay khi Bộ GD-ĐT công bố môn thi tốt nghiệp, thầy và trò các trường THPT đã bắt đầu “chiến dịch” ôn tập, khảo bài trong khoảng 2 tháng.

 

HS lớp 12 trường THPT Nguyễn Trãi (TP.HCM) ở lại trường sau giờ học để khảo bài (Ảnh chụp trưa ngày 8.4) - Ảnh: Khả Hòa

Miệt mài khảo bài

Cũng giống như nhiều trường khác, trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM) đều tăng tiết các môn thi tốt nghiệp. Các môn Toán, Văn, Tiếng Anh học 7 tiết/tuần/môn; Sinh, Địa và Vật lý học 6 tiết/tuần/môn. Phân nửa thời gian của học sinh (HS) là phải học thuộc và khảo bài ngay tại lớp. Sương Thùy (lớp 12A1) nói: “Trường em học từ 7 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Sau 3 giờ, ai không thuộc bài phải ở lại học tiếp đến 5 giờ 30. Sau giờ đó, nếu vẫn chưa thuộc thì cuối tuần phải đến trường học và khảo bài”.  Kể về lịch học của mình trong một ngày, Thùy cho hay: “Ban ngày học ở trường, chiều về ăn cơm, rồi vội vàng đi học thêm để luyện thi ĐH đến 9 giờ tối. Sau đó, về nhà tiếp tục làm bài tập và học bài để trả bài các môn học ngày mai”.

Mệt mỏi, căng thẳng đến nỗi mới học xong một tiết buổi sáng là đã ngủ gục rồi

 

Một HS trường THPT Nguyễn Trãi (Q.4, TP.HCM)
6 giờ 30 phút sáng, tất cả HS lớp 12 trường THPT Nguyễn Trãi (Q.4, TP.HCM) phải có mặt tại sân trường để thực hiện truy bài đầu giờ cho 4 môn: Sinh, Lý, Địa và Văn. Sau đó là bắt đầu 9 tiết học trong một ngày cũng chỉ để ôn tập, học thuộc và khảo bài 6 môn thi. Một học sinh lớp 12 than thở: “Cả tuần tụi em học 2 buổi ở trường (sáng 5 tiết, chiều 4 tiết), sáng đi sớm thêm 30 phút nữa là 10 tiết rồi. Chưa kể tối còn phải học thêm ở trung tâm hoặc ở nhà thầy cô đến 9 giờ hơn mới về đến nhà. Tắm rửa cơm nước xong hơn 10 giờ. Đêm nào cũng phải học bài hơn 12 giờ khuya mà vẫn không kịp”.

Ở trường Nguyễn Trãi, nếu HS nào sáng vô trường trễ không trả bài kịp thì trưa đó phải ở lại trả bài. Nếu không ở lại, hôm sau sẽ bị thông báo dưới sân trường và bị giáo viên phê bình trên lớp. Khi giáo viên trưởng bộ môn yêu cầu trả bài mà không thuộc thì bị phạt đứng dưới sân học.

Trong khi đó, việc ôn thi tốt nghiệp không quá căng thẳng tại những trường THPT tốp đầu của Hà Nội.

Một giáo viên dạy lớp 12 trường THPT Phạm Hồng Thái (Q.Ba Đình) cho hay năm nay nhà trường không tổ chức ôn thi tốt nghiệp (có thu tiền) như các năm trước mà chỉ tăng thêm 1 tiết/môn đối với các môn thi tốt nghiệp trong lịch học chính khóa. Chính vì vậy, ngày nào HS lớp 12 cũng phải học 5 tiết/ngày.  Bên cạnh đó, trường cũng yêu cầu các tổ bộ môn biên soạn nội dung ôn tập cho từng môn thi, giúp HS ôn tập theo chủ đề cũng như cấu trúc đề thi.

Học 3 ca/ngày

Về thực trạng các trường phải chạy đua ôn tập, ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), khẳng định: “Việc dạy học, rèn luyện kỹ năng phải tiến hành trong suốt quá trình học tập của cả năm học chứ không phải chỉ đến khi kỳ thi gần bắt đầu. Việc tổ chức ôn tập thế nào cho phù hợp và có hiệu quả với HS của mình thì không ai có thể làm tốt hơn giáo viên và chính lãnh đạo của trường đó. Tuy nhiên, Bộ đề nghị các trường và giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phải thống nhất với HS, phụ huynh để sắp xếp thời gian hợp lý cho con em họ học tập có hiệu quả nhất, nhưng không quá tải”.

Tình hình căng thẳng nhất là ở các trường ngoài công lập và trường có chất lượng đầu vào thấp.

Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) đã chủ động hoàn tất chương trình vào tháng 3 để có thêm thời gian tập trung vào các môn thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng, cho rằng do thiếu phòng học nên để tăng cường ôn tập cho HS, ngoài các buổi học sáng và chiều, trường phải tổ chức học ca 3 từ 17 giờ 30 đến 19 giờ.

Một HS trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết: “Vừa lo ôn thi ĐH vừa ôn thi tốt nghiệp nên em bắt đầu học 3 ca từ tháng 3 và hầu hết các buổi tối đều phải học”. Trường THPT Nguyễn Trãi (Hà Nội) cũng cho rằng trường đã phải mở các lớp phụ đạo vào buổi chiều.

Ngoài tăng ca trên lớp, nhiều HS còn “chạy sô” ở các trung tâm luyện thi hoặc ôn thi với gia sư tại nhà.

Một HS lớp 12 trường THPT dân lập Hồ Tùng Mậu (Hà Nội) cho biết: “Sáng em học ở trường, chiều đến “lò luyện”, buổi tối có gia sư đến nhà kèm thêm một số môn. Hầu như ngày nào em cũng học đến 1 giờ sáng mới đi ngủ”.

Các trường ngoài công lập tại TP.HCM tăng tiết lên gấp đôi, thời gian khảo bài kéo dài đến tận 9 giờ tối. Lý giải việc này, các hiệu trưởng trường THPT dân lập đều cho rằng do trình độ đầu vào của HS quá thấp, nên đến mùa thi chỉ còn cách dò bài, thậm chí có HS quá kém phải có riêng một giáo viên kèm cặp.

Hầu hết các trường dân lập, tư thục đều có một thời khóa biểu ôn tập tương tự nhau. Như HS các trường THPT dân lập Đăng Khoa (Q.Phú Nhuận), THPT tư thục Đông Du (Q.Tân Phú)... mỗi ngày học từ 8 - 9 tiết trên lớp, sau đó từ 6 giờ tối là dò bài, tự học. Tất cả HS bán trú đều phải ở lại trường đến 9 giờ tối mới được về nhà. Bình Minh - HS trường THPT dân lập Đăng Khoa (Q.Phú Nhuận), kể: “Riết rồi tụi em mở tập ra là thấy mệt mỏi ngay. Lúc đầu còn tập trung, học còn vô, đến giờ thì con chữ bay loạn xạ”.

Không những HS mà cả giáo viên cũng áp lực. Một giáo viên trường THPT dân lập Đăng Khoa diễn tả tâm trạng nhũng ngày ôn thi tốt nghiệp: “Trò mệt mỏi một phần, thầy căng thẳng gấp bội”.

Tuệ Nguyễn - Phi Loan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.