Đầu tư “tay trái”

08/04/2011 00:18 GMT+7

Trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế, việc siết lại kiểu đầu tư "tay trái dài hơn tay phải" của các tập đoàn (TĐ), tổng công ty nhà nước (TCT) là vấn đề cấp thiết để thực hiện hiệu quả việc cắt giảm đầu tư công, chi tiêu công theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Một điều phải thừa nhận là, đầu tư “tay trái” không dễ để thành công. Bởi mỗi lĩnh vực kinh doanh, đều có những thương hiệu lớn, những doanh nghiệp mạnh, phải cạnh tranh vô cùng gay gắt. Trong khi những ưu thế, sở trường, bạn hàng, kinh nghiệm... lại không thể tận dụng được. Vì vậy, muốn chiến thắng các đối thủ sừng sỏ, có thâm niên trên các lĩnh vực này, không hề đơn giản.

Đó là chưa kể, đầu tư “tay trái” của một số TĐ, TCT hiện nay chủ yếu lao vào lĩnh vực tài chính, bất động sản. Đặc điểm của những ngành này là có tương quan rất chặt chẽ với chu kỳ kinh tế, chịu sự tác động mạnh từ các chính sách nhất là chính sách tài chính, tiền tệ. Trong bối cảnh kinh tế VN đã hội nhập sâu, rộng hiện nay, sự tương quan giữa thị trường trong nước và thị trường thế giới là rất cao. Nếu không có đủ những thông tin trong và ngoài nước về những chính sách kinh tế tài chính thì không thể quản trị được rủi ro của các hoạt động này.

Thử hỏi có TĐ, TCT nào thực hiện việc mua thông tin định kỳ từ thế giới? Nói như vậy để thấy rằng rủi ro lớn nhất của hoạt động của lĩnh vực tài chính, chứng khoán và bất động sản là rủi ro hệ thống. Nếu rủi ro xảy ra, sẽ có những tổn thất nặng nề, làm hao tổn nguồn lực của các TĐ, TCT. Câu hỏi đặt ra là, tại sao các TĐ, TCT vẫn lao vào đầu tư "tay trái" bất chấp các nguy cơ như phân tích nói trên? Điều này xuất phát từ quan điểm, tư duy của người đại diện phần vốn nhà nước trong các TĐ, TCT chưa có tầm dài hạn để đáp ứng cho quá trình phát triển bền vững. Họ thường tham gia đầu tư vào những lĩnh vực có mức đầu tư ngắn hạn để thu lợi theo tính chất nhiệm kỳ hơn là thực hiện những dự án mang tầm chiến lược. Vì vậy, vấn đề giám sát chặt chẽ vốn Nhà nước đã, đang và sẽ là vấn đề cấp thiết của các nhà quản lý.

Nhưng ngay cả trong trường hợp các TĐ, TCT có thành công khi đầu tư “tay trái” đi chăng nữa, thì điều này cũng không thể ủng hộ. Bởi có một thực tế không thể chối cãi là hầu hết các TĐ, TCT hiện nay, vì lý do chủ quan hay khách quan cũng chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Các TĐ, TCT được hưởng những ưu đãi về vốn, quyền kinh doanh, tài nguyên... nên trước tiên cần hoàn thành nhiệm vụ trong lĩnh vực được Nhà nước giao phó chứ không phải trở thành những công ty đa ngành nghề, đầu tư chồng chéo, rất dễ giẫm chân lên nhau, gây lãng phí vốn của Nhà nước.

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.