Chất lượng đội ngũ

06/04/2011 23:45 GMT+7

Ông Phó giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội từng kể trong một hội nghị về cải cách hành chính của thành phố rằng, khi ông ra phường xin xác nhận tình trạng hôn nhân cho con cũng bị cán bộ “hành” bằng những thủ tục “không biết ở đâu ra”. “Họ yêu cầu có xác nhận của tổ dân phố, trong khi chẳng có quy định nào giao thẩm quyền này cho tổ dân phố”, ông này nói.

Tất nhiên, ông phó giám đốc chẳng khó khăn gì vượt qua “cửa ải” phường khi ông tiết lộ thân phận. Nhưng còn biết bao nhiêu người dân khác thì sao, họ sẽ không có cách nào khác là phải thực hiện yêu cầu bất thành văn này của cán bộ giải quyết hồ sơ.

Tổ công tác rà soát các thủ tục liên quan đến xây dựng của Bộ Xây dựng cũng từng phát hoảng vì khả năng “sáng tác” thủ tục của các công chức địa phương. Chẳng hạn như hồ sơ xin phép xây dựng theo luật quy định chỉ có 3 loại giấy tờ, nhưng thực tế, người dân khi đi xin phép xây dựng phải nộp khoảng 14 tài liệu.

Nghị định 181 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai quy định: khi tiếp nhận hồ sơ người tiếp nhận chỉ hướng dẫn một lần nhưng đa phần người dân khi tiến hành thủ tục về đất đai nói rằng, họ thường phải đi lên, đi xuống 7-8 lần, mỗi lần lại được cán bộ hướng dẫn thêm một loại thủ tục. Chẳng hạn, hầu hết các phiếu hẹn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Hà Nội hiện nay đều ghi là 55 ngày (không kể thời gian cơ quan chức năng thẩm định hồ sơ). 55 ngày là quy định của luật, nhưng phần mở ngoặc (...) rõ ràng là sáng tác của cán bộ giải quyết thủ tục. Thời gian thẩm định hồ sơ của cơ quan chức năng là vô cùng, vô tận, không một người dân, doanh nghiệp nào kiểm soát được. Như vậy có thể hiểu rằng, quyền giải quyết hoặc không, nhanh hoặc chậm hoàn toàn thuộc về người thụ lý hồ sơ mà không nằm trong quy trình về thủ tục.

Do vậy, việc cắt giảm, đơn giản hàng nghìn thủ tục hành chính mà các bộ, ngành, địa phương đã làm thời gian qua sẽ không duy trì được mấy ý nghĩa, nếu như không có các biện pháp khác nhằm cải cách con người. Bởi xét cho đến cùng, thủ tục vốn là các quy định vô tri, có thể thêm, có thể bớt nhưng thái độ của người thực hiện các thủ tục ấy mới quyết định chất lượng của một nền hành chính.

Trọng tâm cải cách hành chính của giai đoạn 1 (2011 -2015) trong Chương trình cải cách hành chính nhà nước 2011 - 2020 được xác định là, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Điều này rất là hay; nhưng cần rõ ràng rằng, nâng cao chất lượng đội ngũ không thể chỉ bằng những hô hào chung chung. Nó phải được xác định trên cơ sở những mục tiêu lượng hóa được. Trong đó, thái độ ứng xử với công dân phải được coi là một trong những chỉ dấu quan trọng. Để làm được điều đó, có lẽ một kênh thông tin riêng cho lực lượng thanh tra công vụ, đủ thẩm quyền và độc lập cũng là điều nên làm ngay. 

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.