Bị cáo giết lãnh đạo quận Phú Nhuận lên huyết áp

05/04/2011 13:54 GMT+7

(TNO) Hôm nay 5.4, phiên tòa xét xử hai bị cáo sát hại lãnh đạo Q.Phú Nhuận (TP.HCM) phải dừng lại khoảng 15 phút để các bác sĩ chăm sóc cho Nguyễn Trọng Nhân (SN 1980, ngụ tại 14 Tôn Thất Đạm, P.Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM) vì bị cáo này lên huyết áp.

>> Mở lại phiên tòa xử vụ sát hại lãnh đạo Q.Phú Nhuận
>> Hoãn xử vụ giết hại lãnh đạo Q.Phú Nhuận
>> Mẹ bị cáo trong vụ giết lãnh đạo Phú Nhuận xin chết thay con
>> Mở phiên tòa xét xử vụ sát hại lãnh đạo Phú Nhuận
>> Hé lộ nhiều tình tiết vụ sát hại phó bí thư quận
>> Bắt hai hung thủ sát hại lãnh đạo quận Phú Nhuận
>> Khởi tố 2 bị can sát hại lãnh đạo quận Phú Nhuận

Không nhận tội

Nhân đã được các bác sĩ Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương khám sức khỏe vì có biểu hiện mệt mỏi, choáng váng khi đứng trước vành móng ngựa trả lời xét hỏi của chủ tọa.

Thẩm phán Vũ Phi Long, Chủ tọa phiên tòa đã cho phép tạm dừng phiên tòa để các bác sĩ cấp cứu và cho phép các luật sư tiếp cận với bị cáo để trao đổi vấn đề sức khỏe. Theo các bác sĩ, Nhân bị huyết áp cao và căng thẳng.

Tương tự như phiên tòa trước đó, hôm nay trả lời phần xét hỏi của Hội đồng xét xử, Nhân không thừa nhận tội danh “cướp tài sản” như cáo trạng quy buộc và nói việc giết bà Đặng Thu Hồng (Phó bí thư Quận ủy Q.Phú Nhuận) là không cố ý.


Nguyễn Trọng Nhân (trái) và Lương Hoài Sang tại phiên tòa sáng 5.4 - Ảnh: Trần Duy

Theo lời Nhân, vào ngày 20.9.2010, Nhân mang theo ba lô có “tặng phẩm” đến nhà bà Bùi Thị Ngô Mỹ, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Q.Phú Nhuận để xin cho vợ khỏi bị kỷ luật vì những sai phạm tại cơ quan.

“Tặng phẩm” mà Nhân đề cập được Nhân khai trước tòa là: dao, roi điện, bao tay, búa, xà beng… những hung khí Nhân chuẩn bị sẵn.

Theo Hội đồng xét xử, hành vi giết người của Nhân không phải hoảng loạn hay bồng bột nhất thời mà đã có sự chuẩn bị nhiều lần, quyết tâm thực hiện đến cùng.

Tính đến ngày 20.9.2010, ngày Nhân và Sang gây ra vụ án mạng kinh hoàng, đã nhiều lần Nhân “nghiên cứu” thói quen đi lại, sinh hoạt của gia đình nạn nhân.

Khi ra tay lấy mạng bà Hồng (nạn nhân bất ngờ xuất hiện tại nhà bà Mỹ), chính Nhân đã đâm nạn nhân tổng cộng 24 nhát dao và đều nhắm vào những chỗ chí mạng. Không những thế, khi Sang phát hiện bà Mỹ còn sống và quay qua Nhân nói: “Anh Nhân ơi, cô Mỹ còn sống”, Nhân đã quay dao đâm vào cổ bà Mỹ.

Bắt nạn nhân làm con tin

Tiếp xúc với PV Thanh Niên Online trong giờ giải lao tại phiên tòa, bà Tô Thị Thu (mẹ bị cáo Nhân) cho biết, năm 2002, khi xảy ra vụ cháy lớn tại Trung tâm thương mại quốc tế ITC (TP.HCM), Nhân là một trong những người tham gia cứu hộ nạn nhân trong vụ cháy và đã được nhận giấy khen về thành tích này. Tuy nhiên, trong những lần chuyển nhà, tờ giấy khen ấy đã bị thất lạc.

Theo lời bà Thu, kể từ sau vụ cứu hộ nạn nhân trong vụ cháy đó, Nhân thường tỏ ra buồn phiền, nhất là vào buổi chiều. Nhân bỏ ra hàng giờ dùng phấn trắng vẽ những hình người chết cháy trên nền nhà rồi dùng than đen tô lên. Cũng từ thời điểm đó, tính tình Nhân trở nên cáu gắt, dễ nổi giận kể cả với bà…

Chủ tọa hỏi Sang, đồng phạm “tích cực” giúp sức cho Nhân trong việc giết bà Hồng, đâm trọng thương bà Mỹ và chị Lê Thị Thu Hương (con gái ruột bà Mỹ) vì sao nhận lời của Nhân cùng tìm đến nhà bà Mỹ? Sang trả lời: Những lần trước bị cáo không dám đi vì sợ ở tù. Nhưng do anh Nhân kể cho bị cáo nghe chuyện của vợ ảnh bị chèn ép nên bị cáo “đồng cảm”.

Sang cũng khai nhận chính bị cáo là người đề xuất ý kiến bắt chị Hương làm con tin sau khi sự việc bị lực lượng dân phòng và công an địa phương phát hiện, vây bắt.

Theo Hội đồng xét xử, nếu Sang không phải là người la lên cho Nhân biết bà Mỹ vẫn còn sống thì Nhân đã không đâm vào cổ bà Mỹ vì nghĩ nạn nhân đã chết.

Hội đồng xét xử nhận định, nếu Nhân đến nhà bà Mỹ để giết nạn nhân và cướp tài sản thì lý do để Sang đồng ý cùng tham gia là vì tiền.

Tòa cũng đã xét hỏi Lê Thị Thu Hiền (vợ Nhân), vì trong suốt quá trình điều tra và trước tòa, động cơ khiến Nhân tìm đến nhà bà Mỹ và gây ra vụ án mạng kinh hoàng xuất phát từ việc Hiền kể cho chồng nghe những chuyện bất bình trong cơ quan.

Hiền cho biết, từ thời yêu nhau cho đến khi nên vợ, nên chồng, mọi việc trong cơ quan Hiền luôn kể cho Nhân nghe. Tòa hỏi Hiền có biết những lần Nhân chuẩn bị đến nhà bà Mỹ hay không, Hiền khóc: “Tôi không biết những chuyện liên quan đến mục đích và động cơ của Nhân”.

Đại diện của bà Hồng (nạn nhân đã chết) có mặt tại phiên tòa mong tòa xét xử đúng người đúng tội, đồng thời nêu yêu cầu các bị cáo bồi thường chi phí mai táng và bồi thường tổn thất tinh thần đối với gia đình.

Tại phiên tòa, bà Mỹ, nạn nhân thoát chết khẳng định không chèn ép Hiền trong công việc.

“Cho đến chết tôi không thể quên được hình ảnh các bị cáo đâm vào cổ tôi và giết chết người bạn thân nhất của tôi. Các bị cáo có khóc lóc và xin tôi tha thứ nhưng tôi nói tôi không có quyền. Tôi chỉ mong các bị cáo nói sự thật”, bà Mỹ nói.

Trần Duy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.