Chuyện kể về hải trình 33 ngày dài

04/04/2011 15:36 GMT+7

(TNO) Vén màn sương sớm, con tàu màu trắng mang dòng chữ LISSOS bắt đầu hiện rõ thì cũng là lúc tất cả mọi người trên bờ vỡ òa trong niềm vui khôn xiết. Tiếng huýt sáo, tiếng hò reo vang dội cùng những cánh tay vẫy liên hồi trên tàu báo hiệu: 1.015 lao động VN tại Libya đã thực sự trở về.

Vượt 24.000 km về nhà

Lần đầu tiên được đặt chân lên bờ sau hơn 1 tháng lênh đênh trên biển, với anh Nguyễn Tất Minh, 26 tuổi (Nghệ An) là một cảm giác khó tả. “Ở trên tàu từ hôm bắt đầu khởi hành ở cảng Benghazi ( Libya - PV) đến hôm nay đã ngày thứ 33 mới về được đến nhà. Mới đầu từ dưới tàu bước lên bờ, mình có cảm giác hơi bồng bềnh, như bị say đất liền. Nhớ đất liền quá” - anh Minh reo lên. 

Tu ừng ực một hơi chai nước suối để lấy thêm sức, anh Minh kể: “Chuyến hải trình này tàu chạy về trễ hơn so với kế hoạch khoảng 2 tuần. Một trong số các nguyên nhân của việc chậm trễ này là do tàu bị hỏng và phải dừng sửa chữa tại Biển Đỏ 3 ngày và Malaysia 8 ngày”.

Ông Nguyễn Quang Hồ, 52 tuổi (Phú Thọ), đang ngồi bệt xuống gần đó để nghỉ mệt cũng góp chuyện: “Thêm một nguyên nhân nữa là chúng tôi bị mất hết giấy tờ nên khi cập cảng ở Singapore, tàu không thể vào bờ và chủ tàu phải xuống làm thủ tục bảo lãnh cho lao động nên tàu về muộn”.

Cũng theo ông Hồ, tàu đã đi qua nhiều nơi ở vùng biển như: Ai Cập - kênh đào Suez - Jordani - Srilanka, đến eo biển Singapore - Malaysia trước khi cập cảng Cái Lân để trở về đất liền của Tổ quốc.

Với cách tính toán của mình, ông Hồ cho rằng: “Có lẽ, chúng tôi đã phải trải qua một quãng đường dài từ 20.000 - 24.000 km. So với những lao động khác được đưa về Việt Nam bằng đường hàng không, rõ ràng 33 ngày là một quãng thời gian không dễ dàng gì với chúng tôi. Chúng tôi mòn mỏi đếm từng ngày, mong từng giờ được nhìn thấy quê hương...”.

Nỗi “ám ảnh” suốt 33 ngày

“Những ngày đầu, các anh em trên tàu chỉ còn biết tụ tập nhau lại chuyện trò, vui hơn nữa thì mở nhạc nhảy múa, ca hát cho qua đêm. Những cuộc vui đó kéo dài thâu đêm đến sáng đến khi nào mệt thì lăn ra ngủ” - anh Minh kể.

Đó là chuyện của mấy ngày đầu, còn sau đó, không ai có sức nữa bởi không thể nào ăn được đồ ăn trên tàu. "Dễ đến khoảng hơn 1 tuần đầu tiên, chúng tôi không ăn uống được gì vì những món ăn nấu theo kiểu Hy Lạp, chủ yếu dùng nguyên liệu là mì sợi và chế biến không phù hợp với khẩu vị của người Việt" - anh Minh cho biết.

Thực đơn quen thuộc của các lao động trong những ngày qua trên tàu được anh Nguyễn Văn Hóa, 34 tuổi (Hà Tĩnh), miêu tả: “Một quả trứng luộc cho điểm tâm sáng, một đĩa mì xào cho bữa trưa và bữa tối thì được ăn cơm trắng, một miếng thịt và có kèm thêm ít rau xanh để cải thiện”.

Nhưng đây vẫn chưa phải là “nỗi ám ảnh” xuyên suốt 33 ngày lênh đênh trên biển của người lao động.

Ông Hồ vẫn còn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại những tháng ngày “chòng chành” sóng nước. “Hầu như 100% lao động trên tàu đều bị say sóng, cả với những người được coi là khỏe nhất hay chưa từng bị say sóng bao giờ”.


Đứng trên bờ mà các lao động vẫn còn chưa hết cảm giác say sóng - Ảnh: H.S

Anh Trần Văn Quảng, 29 tuổi (Đông Thành, Yên Thành, Nghệ An) xót xa vén tay áo để lộ cánh tay gầy guộc và gân xanh nổi chằng chịt. Hơn 1 tháng trên biển đã khiến một chàng trai có tiếng là vạm vỡ trong con mắt của đồng nghiệp đi xuất khẩu lao động ngày nào, giờ trở thành một người “mảnh khảnh” hoàn toàn.

Ông Tạ Văn Khoa, 54 tuổi (Thanh Oai, Hà Nội) nhanh nhẹn rảo bước tới đoàn xe đang chờ mình. Ông vừa đi vừa lắc đầu ngao ngán: “Tôi đã từng có thâm niên tới 4 lần đi lao động nước ngoài, bao gồm cả nơi được coi là điểm nóng chiến sự của thế giới như Iraq. Lần này vẫn biết là sự cố ngoài ý muốn nhưng đúng là chuyến đi này vất vả quá!”.

“Phải sống ở Libya những ngày vừa qua, mới thấy sự sống và người thân gia đình quý giá như thế nào với những người xa quê, khi suốt ngày đạn bom gầm rú và rình rập tứ phía. Về được đến đây, còn sống được đã là quý giá lắm rồi. Giờ tôi đã ở cái tuổi này, tiếp tục đi lao động nước ngoài nữa, chắc không dám. Nếu may mắn được Nhà nước bố trí tiếp một công việc nào đó, chắc cũng không đủ sức. Tôi quyết định ở nhà, ôm cháu, rau cháo qua ngày thôi...” - ông Hồ quyết định.

Bích Ngọc - Hải Sâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.