Vì sao miền Tây cạn nước?

03/04/2011 01:10 GMT+7

Tình trạng hạn, mặn xâm nhập ở ĐBSCL được dự báo sẽ ngày càng gay gắt. Vì sao có tình trạng này?

>> Miền Tây cạn nước

Lo nhất là các đập thủy điện ở thượng lưu

Từng có nhiều năm nghiên cứu về thủy lợi ở ĐBSCL, tiến sĩ Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam  cho rằng, nguyên nhân năm nay hạn, mặn xâm nhập sâu ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân ở ĐBSCL do lượng mưa trong lưu vực ít hơn trung bình nhiều năm, các hồ thủy điện ở Trung Quốc vẫn trong giai đoạn tích nước nên ảnh hưởng đến nguồn nước về hạ lưu. Cụ thể 7 năm liên tiếp gần đây, ĐBSCL có lũ dưới trung bình. Năm nay, mùa lũ nhưng mực nước sông Mê Kông còn thấp hơn cùng thời kỳ vào năm ngoái khoảng 1m. Biến đổi khí hậu đã tác động trực tiếp đến lượng mưa cả về không gian lẫn thời gian. Năm ngoái, mùa mưa ở ĐBSCL kết thúc sớm 1 tháng, năm nay mưa lại muộn mất 1 tháng. Trong khi đó, lượng mưa đóng góp phần lớn vào dòng chảy cho sông Mê Kông ở khu vực thượng lưu, đặc biệt là vùng trung Lào cũng ít hơn hẳn so với trung bình nhiều năm. Theo thống kê mưa từ đầu tháng 4 cho đến cuối tháng 9 năm nay phân bố mưa không đều trên lưu vực sông Mê Kông. Khu vực thượng và trung lưu từ Chiang Saen (Thái Lan) xuống đến Kompong Cham (Campuchia) tổng lượng mưa nhìn chung thấp hơn trung bình nhiều năm và thấp hơn năm 2009.

 

 Nông dân huyện Châu Thành (Trà Vinh) kéo ống nước tìm nước ngọt bơm chuyền cứu lúa đông xuân - Ảnh: T.Trình

Nhiều nhà khoa học khác khi trả lời Thanh Niên cũng có nhận định tương tự khi cho rằng, ngoài khô hạn do tác động của biến đổi khí hậu gây ra, nước biển dâng đẩy mặn xâm nhập sâu vào nội địa, thì sự suy kiệt mực nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về không thể vô can trong việc ĐBSCL cạn nước. Ông Nguyễn Ngọc Anh, quyền Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho biết: Nói về sự suy kiệt của dòng sông, người ta thường gắn với sự phát triển không kiểm soát, phát triển không bền vững của con người. Ở đây, trong trường hợp của sông Mê Kông, yếu tố phát triển không bền vững đã lồng vào trong sự khô hạn tự nhiên, làm gia tăng mức độ nghiêm trọng. Khai thác rừng, nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp, phục vụ dân sinh ngày càng tăng trong khi biến đổi khí hậu gây ra hạn hán nghiêm trọng đã khiến mực nước sông bị suy giảm. Việc con người xây nhiều đập nước trên thượng lưu, kể cả sông nhánh được đánh giá là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kể trên. Và vì nằm ở khu vực hạ lưu nên ĐBSCL phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.

Lo nhất là nước bị chuyển khỏi lưu vực Mê Kông

"Các nước ở thượng nguồn sông Mê Kông xây dựng nhiều đập thủy điện, việc vận hành các nhà máy thủy điện bao giờ người ta cũng nghĩ đến quyền lợi của chính họ hơn là quan tâm đến yêu cầu của các nước hạ lưu. Các đập của Trung Quốc ảnh hưởng đến Việt Nam thực ra không nhiều vì khá xa Việt Nam lại có Biển Hồ của Campuchia điều tiết tự nhiên cả mùa lũ và mùa kiệt. Đáng lo nhất là nếu Trung Quốc chuyển nước ra khỏi lưu vực Mê Kông sẽ tác động lớn đến nguồn nước sông Mê Kông như  thiếu nước, ảnh hưởng đến phù sa, thủy sản, giao thông thủy, dịch chuyển dòng chảy..." - TS Tô Văn Trường

Các hồ thủy điện đều vận hành theo quy trình: tích nước vào mùa lũ và xả nước vào mùa cạn. Ứng với năm mưa thuận gió hòa, thủy điện có tác động tích cực đối với điều tiết nước cho hạ lưu. Tuy nhiên, vào những năm khô hạn thì các hồ thủy điện này tác động tiêu cực đến cả dòng chảy lũ và dòng chảy kiệt. Nếu có lũ lớn, khả năng cắt lũ của các hồ thủy điện phía thượng nguồn sông Mê Kông là không đáng kể. Trong khi đó, vào những năm lũ trung bình và lũ nhỏ, vì tác động của các đập trên ở thượng lưu, làm lũ về ĐBSCL nhỏ hơn, từ lũ trung bình thành lũ nhỏ, từ lũ nhỏ trở thành không có lũ trong khi ĐBSCL là đồng bằng cần lũ và chung sống với lũ. Đối với dòng chảy kiệt cũng thế, những năm khô hạn, các nước ở thượng lưu cũng bị thiếu nước và họ sẽ tích nước vào các hồ để phục vụ lợi ích của mình, làm cho khô hạn ở ĐBSCL nghiêm trọng hơn.

Dự báo đáng lo ngại

Tại hội thảo về quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng tổ chức cách đây không lâu, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đã đưa ra các dự báo về tình trạng xâm nhập mặn và ngập lũ khu vực này đến năm 2050 rất đáng lo ngại. Cụ thể, ranh mặn 1g/l (con người không thể sử dụng nước có độ mặn từ trên 1g/l - PV) trên sông Tiền qua TP Vĩnh Long 3 km, trên sông Hậu qua TP Cần Thơ 10 km. Ranh mặn 4g/l (không thể sử dụng trong trồng trọt - PV) trên sông Tiền xâm nhập sâu vào nội địa, qua TP Mỹ Tho 10 km, trên sông Hậu cách TP Cần Thơ 2 km. Trong tháng 4, diện tích nhiễm mặn trên 1g/l và 4g/l lần lượt chiếm tới trên 66% và 52,9% diện tích tự nhiên của toàn vùng.

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ rõ, 4/5 diện tích bán đảo Cà Mau sẽ bị mặn xâm nhập. Toàn bộ diện tích các dự án Gò Công, Bảo Định, Bắc Bến Tre, Mỏ Cày, Nam Măng Thít, Tiếp Nhật... bị mặn bao bọc và xâm nhập. Ngoài các thành phố và thị xã: Bến Lức, Tân An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá, Hà Tiên, sẽ có thêm Mỹ Tho, Vĩnh Long và Cần Thơ bị ảnh hưởng do mặn lên sâu hơn.

Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, đến năm 2050 sẽ có 3,1 triệu ha bị ngập trên 0,5m, chiếm tới 81,2% diện tích toàn vùng ĐBSCL. Ngập úng tại các vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, đặc biệt là khu vực kẹp giữa 2 sông Tiền - Hậu sẽ nghiêm trọng hơn. Ngoài các thành phố và thị xã đã bị ngập lũ hiện nay như Châu Đốc, Long Xuyên, Cao Lãnh sẽ có thêm Sa Đéc, Vĩnh Long, Tân An, Mỹ Tho, Cần Thơ, Vị Thanh, Sóc Trăng, Rạch Giá và Hà Tiên bị ngập trên 1m. Bán đảo Cà Mau tuy là vùng trũng thấp nhưng chỉ gần 50% diện tích ngập dưới 0,5m. Nước biển dâng làm tiêu thoát nước của các thành phố, thị xã Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu và Cà Mau khó khăn hơn.

Quang Duẩn - Nguyễn Đình Mười

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.