Ám ảnh địa ngục trần gian

03/04/2011 11:13 GMT+7

Bức xúc với mức án 5 năm tù dành cho kẻ đã lừa bán ít nhất 14 cô gái ra nước ngoài làm gái mại dâm, cả VKSND và các nạn nhân đều khẳng định sẽ kháng nghị và kháng cáo.

>> Bán 14 phụ nữ, bị phạt 5 năm tù

Ngay sau khi TAND tỉnh Đồng Tháp kết thúc phiên tòa sơ thẩm và tuyên phạt Đinh Thị Thu Hồng (SN 1966, ngụ xã Phú Hựu, huyện Châu Thành - Đồng Tháp) 5 năm tù giam về tội mua bán người vào chiều 30-3, VKSND tỉnh khẳng định sẽ kháng nghị bản án này.
 
Theo đại diện VKSND, hành vi phạm tội của thị Hồng rất nghiêm trọng nhưng mức án 5 năm tù là quá nhẹ (viện đề nghị 12-14 năm, đã có chiếu cố). Những người bị hại cũng hết sức bức xúc trước bản án này, đã kể lại quá trình bị lừa vào bẫy và tháng ngày họ phải sống trong địa ngục trần gian ở xứ người.
 
Bẽ bàng giấc mộng đổi đời
 
Lớn lên ở vùng nông thôn nghèo ở huyện Cao Lãnh - Đồng Tháp trong gia đình có đến 10 chị em, N.T.N (SN 1986) lao vào cuộc mưu sinh từ rất sớm. Làm thuê, làm mướn, cô và người em N.T.D (SN 1988) dành dụm tiền mở một tiệm làm tóc, trang điểm cô dâu ở chợ xã.
 
Giữa năm 2008, cả cha và mẹ N. đều đổ bệnh, phải vay cả 100 triệu đồng để chạy chữa. Lúc đó, một người đàn bà ăn mặc sang trọng xưng tên là Tám Tèo (tức thị Hồng) thỉnh thoảng ghé tiệm của chị em N. làm tóc, trò chuyện. Bà Tám Tèo cho biết mình có người cháu mở một nhà hàng rất lớn tại Singapore.
 
Người này nhờ bà tìm những cô gái có ngoại hình đẹp đưa sang đó làm lễ tân hoặc bưng bê thức ăn phục vụ khách với mức lương đến 30 triệu đồng/tháng.

“Bà Tám Tèo mở lời với chị em tôi nhưng tụi tôi từ chối vì không biết tiếng nước ngoài, cũng không đủ tiền lo vé máy bay” - N. kể lại – “Song bà ta bảo người cháu đó sẽ tạm ứng tiền mua vé máy bay, qua bên kia trừ lương trả. Còn ngoại ngữ thì không cần phải lo vì đây là nhà hàng của người Việt”. Cứ vậy, vài tháng sau, bà Tám Tèo đã thuyết phục được chị em N. và một bạn gái của cô là N.T.N.L.


Tú bà Đinh Thị Thu  Hồng tại phiên tòa sơ thẩm ngày 30-3

Ngày 21-10-2009, bà Tám Tèo đưa các cô gái đến sân bay Tân Sơn Nhất giao cho một phụ nữ tự xưng là Vy, cháu ruột bà và là chủ nhà hàng ở Singapore, để xuất ngoại theo diện du lịch. Khi lên máy bay, các cô gái phát hiện điểm đến là Malaysia nên phản ứng, không chịu đi. Vy trấn an các cô, bảo rằng Malaysia và Singapore giáp ranh với nhau, tới Malaysia đi ô tô sang Singapore rất gần.
 
Tới sân bay Kuala Lumpur - Malaysia, chồng Vy lái chiếc ô tô 5 chỗ ra đón. “Đến lúc này, Vy lộ rõ bộ mặt tú bà khi thẳng thừng nói sang đây, tụi tôi phải bán bia ôm, bán dâm cho khách. Tụi tôi bị buộc phải “làm việc” để trừ tiền vé máy bay và trừ tiền bà Vy “mua” lại cả ba chúng tôi từ bà Tám Tèo với giá 4.500 ringgit (khoảng 26 triệu đồng) mỗi người” - các nạn nhân chua xót nói.
 
Thấy chị em N. phản kháng, vợ chồng Vy chở tất cả về nhà, nhốt xuống một hầm tối và bảo các cô suy nghĩ lại. Biết không có đường đào thoát, N. bàn với D. và L. rằng cô sẽ chấp nhận ở lại Malaysia để đổi lấy sự tự do cho em và bạn gái. “Tôi và L. đều không chịu nhưng chị N. nói thà chị chịu đày đọa một mình để chúng tôi về nước tố cáo tội ác của bà Tám Tèo, để không còn cô gái nào bị lừa gạt nữa” – D. nghẹn ngào.
 
Sáng hôm sau, N. đặt điều kiện với Vy là cô sẽ chấp nhận ở lại tiếp khách và nhận trả nợ thay cho cả D. và L. để 2 người kia được về Việt Nam. Tổng số nợ N. phải trả cho vợ chồng Vy là 13.500 ringgit (khoảng 78 triệu đồng). Cuối cùng, Vy cũng chấp thuận,  đưa D. và L. ra sân bay về nước ngay trong ngày.
 
Tan tành đời con gái
 
Ngay tối hôm đó, N. được đưa vào một nhà hàng lớn tại Kuala Lumpur, được xếp riêng vào một phòng vì là “hàng xịn”. “Khoảng 20 giờ, tôi được người phiên dịch yêu cầu thay đồ mới, trang điểm rồi đẩy vào phòng khác để tiếp một ông khách đứng tuổi. Thế là đời con gái của tôi tan tành” – N. chua chát.
 
Sau lần đó, N. bị đưa vào ở chung phòng với 8 cô gái Việt khác.  Trong số này, đến 7 người có hoàn cảnh như N. Trong đó, T.M, 17 tuổi, bị bà Tám Tèo lừa bán sang đây từ năm 15 tuổi. Nhớ nhà và tủi hổ, các cô gái cứ ôm nhau khóc vùi. Ai mệt mỏi, bệnh hoạn không chịu tiếp khách sẽ bị cách ly, bỏ đói, bị đánh đập… “Tám chị em tôi chỉ được ra ngoài khi “đi khách” nhưng cũng phải do bọn ma cô chở đi nên không thể trốn thoát” - N. cho biết.


Một nạn nhân bức xúc trình bày quá trình bị thị Hồng lừa bán sang nước ngoài

Ngày 21-11-2009, hộ chiếu của N. hết hạn, Vy bèn đưa cô đi làm thủ tục gia hạn thêm một tháng. N. bảo muốn điện thoại về nhà xem em mình về chưa để yên tâm ở Malaysia làm trả nợ. Vy không nghi ngờ gì liền đưa máy. Tranh thủ lúc Vy đang làm thủ tục, N. trốn vào nhà vệ sinh rồi gọi điện thoại về nhà cầu cứu.

Nỗi đau đeo đẳng

Theo CQĐT, nạn nhân đều là các thiếu nữ ở nông thôn nên khi sự việc vỡ lở, không ai muốn làm lớn chuyện hay tố cáo vì sợ xóm giềng gièm pha. Người nhà của họ cũng có chung tâm trạng như thế. Ông T.V.H, cha một nạn nhân, rầu rĩ: “Con gái tôi giờ không biết có mang bệnh gì không, nếu làm lớn chuyện thì làng xã đều biết, mai này tụi nhỏ sao lấy chồng?”.

Người nhà N.T.D cho biết từ ngày thoát được về Việt Nam đến nay, tính khí cô rất thất thường, hay khóc la vô cớ, gặp ai cũng sợ. Còn N.T.N.L, sau khi trở về nhà được mấy ngày cũng bỏ đi biệt xứ.

N. nức nở kể lại: “Không ngờ điện thoại của bà Vy cài chế độ tự động ghi âm nên bà ta phát hiện được, đã đánh đập, hành hạ và nhốt tôi dưới hầm. Ba ngày liên tục, cảnh sát nhiều lần tới bấm chuông nhà bà Vy nhưng bà đóng kín cửa, giả vờ không có nhà. Lo sợ bị cảnh sát phát hiện, ngày 24-11-2009, bà Vy nhờ một đàn em đưa tôi ra sân bay mua vé về Việt Nam. Đàn em của bà ta liên tục đe dọa tôi. Song nhờ đó mà tôi được trở về nhà”.
 
Lộ mặt tú bà
 
Tới Đồng Tháp, N. mới hay cả D. và L. đều bị thị Vy dọa giết nên hoảng loạn trốn gần cả tháng mới dám về quê. Từ cuối năm 2009, N., D. và L. đã làm đơn tố cáo tội ác của bà Tám Tèo và Vy đến Công an tỉnh Đồng Tháp. Song lúc ấy, CQĐT vẫn không xác định được bà Tám Tèo và thị Vy là ai.
 
Nạn nhân tiếp theo của bà Tám Tèo là P.C.L và P.T.T.N, cùng ở Đồng Tháp. Khi C.L và T.N đang tiếp thị bia cho các quán nhậu tại TPHCM, bà Tám Tèo - lúc này lấy tên là Tám Hồng - tìm cách tiếp cận để dụ dỗ. Bà ta cho 2 cô số điện thoại, địa chỉ ở xã Phú Hựu để họ liên lạc khi muốn có “quyết định đổi đời”. Tháng 10-2009, C.L cùng 2 cô gái khác được bà Tám Tèo bàn giao cho thị Vy để đưa sang Malaysia. Khoảng 4 tháng sau, đến lượt T.N và 2 cô gái nữa. Cả 6 cô gái này đều bị thị Vy đưa vào nhà chứa, ép bán dâm.
 
Trong số những ông khách mà C.L và T.N phục vụ, có một người Hoa tốt bụng. Sau khi biết rõ hoàn cảnh đáng thương của 2 cô, ông quyết tìm cơ hội giúp họ. Ngày 22-4-2010, C.L, T.N và một cô gái khác được ông đưa đi trốn và trình báo cảnh sát. Ngày 30-7-2010, C.L và T.N được phía Malaysia giao trả về Việt Nam. Ngay lập tức, Công an tỉnh Đồng Tháp đã tiếp cận họ để tìm hiểu lai lịch của bà Tám Tèo và bà Vy.
 
Từ địa chỉ mà các nạn nhân cung cấp, CQĐT đã xác định được Tám Tèo hay Tám Hồng chính là Đinh Thị Thu Hồng. Còn thị Vy, các nạn nhân chỉ biết được quê ở Kiên Giang. Tại CQĐT, thị Hồng khai nhận ngoài Vy, bà ta còn bán nhiều cô gái khác cho một người tên Khanh ở Singapore. Tuy nhiên, thị Hồng cho biết chỉ liên lạc với Vy và Khanh qua điện thoại, không rõ địa chỉ và không biết tên thật.
 
Từ thông tin Công an tỉnh Kiên Giang cung cấp về một phụ nữ tên Đặng Thị Nhỡ (SN 1983, ngụ huyện Hòn Đất) nhiều lần đi trùng các chuyến bay với những nạn nhân, CQĐT đã thu thập hình ảnh của thị để các cô gái và thị Hồng nhận dạng. Kết quả, Vy được xác định chính là Nhỡ. Cuối năm 2010, CQĐT quyết định khởi tố, ra lệnh bắt giam Nhỡ để điều tra. Tuy nhiên, Nhỡ định cư tại Malaysia nên vẫn đang bị truy nã.
 
Khám xét nhà thị Hồng, CQĐT thu giữ 39 giấy khai sinh của 39 cô gái, 9 CMND, 25 giấy đăng ký kết hôn với người Đài Loan... Giải thích về những giấy tờ này, bước đầu thị Hồng khai nhận mình môi giới hôn nhân chứ không phải “bán” các cô gái cho nhà chứa. Đến nay, do nhiều nạn nhân vẫn không dám tố cáo hành vi buôn người của thị Hồng nên CQĐT chỉ mới xác định được 14 nạn nhân của tú bà này.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.