Tương quan lực lượng NATO - Libya

02/04/2011 11:09 GMT+7

(TNTS) Vào ngày 19.3.2011, Pháp, Anh, Mỹ, Ý, Canada bắt đầu chiến dịch Bình minh Odyssey theo Nghị quyết 1973 của Liên Hiệp Quốc. Có khá nhiều câu hỏi đặt ra với chiến dịch quân sự này. Trong đó, tương quan lực lượng giữa NATO và Libya là điều mà hầu như ai cũng muốn biết.

Libya trước cuộc chiến

Trong nhiều năm qua, nguồn thu nhập chính của Libya là xuất khẩu dầu mỏ. Trong đó phần lớn thu nhập được chính quyền Libya chi cho việc mua vũ khí, khí tài mới cũng như tài trợ cho một số tổ chức vũ trang quốc tế.

Vào cuối thập niên 1980, do bị cấm vận quốc tế nên Libya hầu như không có cơ hội mua sắm vũ khí mới trên thị trường quốc tế. Do vậy, giờ đây sức mạnh quân sự của đất nước Bắc Phi này khá lạc hậu, khó có khả năng chống đỡ với các đòn đánh của phương Tây.

 
USS Batann của NATO - Ảnh: AFP 

Trước 15.2.2011 - ngày mà Libya bắt đầu diễn ra biểu tình, nội chiến, quân đội Libya sở hữu chủ yếu vũ khí, khí tài của Liên Xô trước đây và của Czech, Trung Quốc. Ngoài ra, còn một số ít vũ khí do Nga sản xuất trước năm 2000.

Theo số liệu cuối năm 2010 của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế - IISS, bộ binh Libya sở hữu nhiều loại tăng: tăng T-55 (500 chiếc), T-62 (100), gần T-72 (gần 200) và tăng T-90 (180). Ngoài ra, trong kho của Libya còn 1.040 chiếc T-55, T-70, T-62 và 115 chiếc T-72. Bộ binh nước này còn có gần 1.000 xe thiết giáp BMP-1, 750 xe thiết giáp loại BTR-50 và BTR-60 do Liên Xô sản xuất, 28 chiếc M113 (Mỹ), 100 chiếc EE-11 (Brazil), 67 chiếc OT-64SKOT (Czech) và 50 chiếc xe trinh thám BRDM-2 (Liên Xô) và EE-9 của Brazil.

Lực lượng pháo binh Libya có 130 khẩu pháo tự hành 2S1 loại 120 ly, 60 pháo tự hành 2S3 loại 152 ly, 190 pháo D-30 loại 122 ly, 60 pháo D-74, 330 pháo M1954 loại 130 ly và 25 pháo Ml-20 loại 152 ly. Đây là các loại pháo do Liên Xô và Nga sản xuất. Libya còn sở hữu 80 khẩu pháo tự hành vz.77 Dana loại 152 ly do Czech sản xuất, 14 khẩu M109 loại 155 ly, 42 khẩu M101 loại 105 ly của Mỹ và 160 khẩu pháo tự hành 155 ly Palmaria do Ý sản xuất.

Bộ binh Libya còn có hơn 500 khẩu cối loại 82 ly và 160 ly, 830 dàn pháo Type 63 (Trung Quốc sản xuất), BM-11, 9K51 "Grad" (Liên Xô sản xuất) và RM-70 (Czech). 45 giàn tên lửa chiến thuật 2K6 "Luna", 2.045 giàn tên lửa chống tăng "Malyutka", "Fagot", RPG-7 (Liên Xô sản xuất), MILAN (Ý-Đức), Carl Gusav M2 (Thụy Điển) và M40A1 (Mỹ).

Lực lượng phòng không Libya theo số liệu cuối năm 2010 của IISS, có hơn 900 tên lửa đạn đạo và hệ thống tên lửa "Strela" - 1/2/10, ZSU-23-4 "Shilka", ZPU-2, S-60, S-200 (Liên Xô sản xuất) và 24 hệ thống Crotale của Ý. Riêng hạm đội của Libya vào cuối năm 2010 có 2 tuần dương hạm "Koni" (dự án 1159 của Liên Xô), 2 chiến hạm "Nanuchka" (dự án 1234 "Ovod" của Liên Xô), 10 chiếc ca-nô cao tốc Combattant II của Pháp, 12 chiếc ca-nô "Osa" và 9 chiếc ca-nô "Natya" đều do Liên Xô sản xuất. Ngoài ra, còn có 6 tàu ngầm dự án 641 của Liên Xô. Các loại tàu này được Libya mua từ những năm 1960 - 1970.

Về không lực, vào cuối năm 2010, theo số liệu của tổ chức Flightglobal MiliCAS, Libya có 20 tiêm kích Mig-21, 50 Mig-23 và 1 chiếc Mirage F1ED, 80 máy bay ném bom Su-22, 2 chiếc Su-24. Máy bay vận tải Libya có 26 chiếc An-26, 1 chiếc An-72, 3 chiếc C-130H/L Hercules (Mỹ) và 14 chiếc L-410 (Czech). Ngoài ra, quân đội Libya còn có 4 trực thăng đa chức năng AB-205, 5 trực thăng vận tải CH-47C (Mỹ), 37 chiếc Mi-8/17, 10 chiếc Mi-14 và 39 chiếc Mi-24/25/35 (Liên Xô).

 
Mig-21của Libya - Ảnh: Shutterstock

Chưa có kịch bản cuối cùng

Ngay khi cuộc chiến nổ ra ở Libya, lực lượng nổi dậy và quân của Tổng thống Libya - Gadhafi, đã có những cuộc giao tranh ác liệt. Hiện vũ khí, khí tài quân đội của ông Gadhafi là một ẩn số. Cuộc nội chiến và những đợt tấn công của Mỹ và NATO vào quốc gia này chắc chắn làm hư hỏng, thiệt hại nhiều cơ sở quân sự của Libya.     

Theo BBC News, quân nổi dậy Libya cũng có vũ khí hạng nặng như tăng T-55, dàn pháo 12 trái của Trung Quốc sản xuất, vũ khí chống tăng M40A1 và tên lửa Carl Gustav… Có thể thấy, các loại vũ khí tấn công chủ yếu thuộc quân đội của ông Gadhafi. Đáng chú ý là các vũ khí của quân nổi dậy do các nhà báo được tiếp cận với lực lượng này công bố. Còn quân đội của ông Gadhafi hầu như không cho phép các phóng viên tiếp cận với những gì thuộc bí mật quân sự. 

Theo đánh giá của trang web The World Reporter, hiện quân đội của ông Gadhafi có khoảng 400 hệ thống tên lửa đạn đạo, 490 xe tăng (chủ yếu là T-55 và T-62), 240 hệ thống pháo phòng không, 35 trực thăng tấn công, 113 máy bay tiêm kích - ném bom đa năng, 229 máy bay tiêm kích và 7 máy bay ném bom.

Các phương tiện truyền thông phương Tây đưa tin, tham gia chiến dịch Bình Minh Odyssey có tàu chỉ huy lớp LCC-20 Mount Whitney mà dưới quyền của nó có tàu đa năng LHD-3, tàu vận tải LPD-55, chiến hạm DDG-52, DDG-55, tàu ngầm nguyên tử SSN-719, SSN-756, SSGN-728 "Florida", máy bay do thám EA-18G Glrowler...

Không lực Mỹ tham gia chiến dịch còn có 3 máy bay ném bom B-2 Spirit, 10 tiêm kích F-15E Eagle, 8 chiếc F-16C Fighting Falcon. Lính thủy đánh bộ (nếu tác chiến) sẽ được hỗ trợ từ 4 chiếc tiêm kích AV-8B Harrier II. Còn Pháp tham gia chiến dịch với 20 máy bay, kể cả 8 chiếc tiêm kích Mirage 2000 và 1 chiếc do thám tầm xa E3-F, một máy bay tiếp xăng trên không C-135. Anh tham gia với 20 chiếc tiêm kích Tornado.

Từ ngày 19.3 vừa qua, Mỹ và một số nước thuộc NATO mở màn chiến dịch tấn công Libya. Đến nay hàng trăm quả tên lửa Tomahawk và bom tấn đã phá hủy nhiều căn cứ quân sự, sân bay, cầu cảng của Libya. Phe đồng minh tuyên bố đã thiết lập được "vùng cấm bay" và phòng không - không quân của Libya đã "tê liệt hoàn toàn". Dù vậy, những kết quả đó hầu như không thay đổi được cục diện chiến trường trên bộ ở đất nước Bắc Phi này. Quân đội của ông Gadhafi dường như vẫn nắm giữ, làm chủ nhiều khu vực trọng điểm, còn phe nổi dậy dù được hậu thuẫn của bên ngoài vẫn loay hoay không thể xoay chuyển được tình thế.

Trong tình thế đó, khi Mỹ đã tuyên bố chỉ đóng vai trò thứ yếu trong chiến dịch Bình minh Odyssey, thì không có nhà phân tích quốc tế nào dám đưa ra một kịch bản cuối cùng cho cuộc chiến ở Libya. Nhiều khả năng kịch bản sẽ diễn ra như năm 1999 khi NATO tiến hành chiến dịch chống Nhà nước Nam Tư mới nhằm bảo vệ Kosovo. Nghĩa là, liên minh NATO sẽ tiếp tục tấn công lực lượng của ông Gadhafi và cung cấp vũ khí, thuốc men, vũ khí khí tài cho quân nổi dậy. Bên cạnh đó, trong tương lai gần, NATO sẽ hạn chế hành động là chỉ giúp quân nổi dậy và đảm bảo vùng cấm bay tại thủ phủ của lực lượng này là khu vực Benghazi.

Ngữ Tử Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.