Chuyện lạ ở huyện Quảng Trạch (Quảng Bình): Rất nhiều người bị mù không rõ nguyên do

29/03/2011 21:42 GMT+7

Toàn huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) có 300 người mù thì hết 120 người là ở xã Quảng Xuân. Có gia đình sinh ra 3 chị em mù bẩm sinh mà không hiểu tại sao.

Chi hội trưởng Hội Người mù xã Quảng Xuân, ông Phạm Xuân Hựu vừa lật mấy quyển sổ ghi chép và đống giấy tờ cũ cho chúng tôi xem, vừa nói: “Có người mù bẩm sinh, có người lớn lên mới bị mù và có cả người già bị lòa. Xã có 4 thôn, trong đó thôn Thanh Bình có nhiều người mù nhất, hơn 50 người”.

3 chị em già...dắt nhau đi chơi

Do bị mù nên có nhiều hoàn cảnh éo le, như trường hợp 3 chị em ruột ở thôn Thanh Bình gồm Dương Thị Vắn (54 tuổi), Dương Thị Vó (52 tuổi), Dương Thị Vẩy (49 tuổi). Cả 3 chị em sinh ra được vài tháng thì bị mù, hiện họ vẫn cùng sống chung trong ngôi nhà tình nghĩa.

Khi chúng tôi ghé thăm, người chị dâu tóc điểm bạc đang dọn dẹp, giặt giũ trong nhà. Bà nói: “Mấy đứa nó vừa dắt nhau đi chơi đó, để tôi chạy sang đưa về”. Nghe mà cứ là lạ làm sao, cứ như đang nói về những đứa trẻ. Một lúc sau, ba người đàn bà xuất hiện ở phía mấy bụi chuối, không phải đường chính để vào nhà, với những bước đi dò dẫm, một cánh tay quờ quạng xung quanh còn một cánh tay níu lấy nhau. Họ đi nhưng cứ như đang đứng tụm lại với nhau vậy.

Ba người có ngoại hình giống nhau: cao và gầy. Cuộc sống của họ chỉ trông nhờ vào suất trợ cấp 180.000 đồng/người/tháng. Tất cả các công việc từ nấu ăn, giặt giũ đều nhờ vào anh em, bà con; khi thì chị dâu, khi em gái, lúc người cháu sống gần đó đến giúp. Cứ như thế, họ nương tựa vào nhau đã mấy chục năm qua.


 Xót xa cảnh ba chị em già sống trong mù lòa - Ảnh: T.Q.N

Chị Vắn kể: “Bình thường buổi sáng đứa em gái (hơn 40 tuổi nhưng chưa lập gia đình - PV) dậy nấu cơm cho ba chị em ăn cả ngày rồi nó đi lên Ba Đồn giữ xe thuê đến tối mới về. Khi ăn có người gắp cho không thì tự mò mẫm vậy thôi. Giờ tôi đang bị bệnh ung thư, năm rồi đi khám các nơi họ nói vậy. Mai mốt chết đi rồi không biết mấy đứa sống như thế nào nữa”.

Còn tại thôn Xuân Hòa, gia đình anh Nguyễn Văn Mỵ đang chống chọi với khó khăn cùng cực. Năm 16 tuổi, đôi mắt sáng của anh Mỵ bỗng dưng mờ dần rồi mù luôn. Đến năm 25 tuổi thì anh lập gia đình với một cô gái tên Hoa trong thôn. Năm đứa con lần lượt chào đời và rồi cùng lăn theo vết xe của bố. Cháu đầu phải nghỉ học ngang lớp 7, cháu thứ hai dừng lớp 1, cháu thứ ba dừng lớp 8. “Hết đứa này đến đứa khác bị bệnh về mắt giống tôi. Tụi nó thích đi học lắm nhưng đành phải bỏ”, anh Mỵ buồn bã nhớ lại. Mới đây đứa con gái bị mù của anh Mỵ sinh con, nhưng cháu cũng không thể sáng mắt hơn mẹ.

Chi hội trưởng Phạm Xuân Hựu cho biết từ trước đến nay mới chỉ có một đoàn cán bộ trẻ về điều tra bệnh tình của bà con, nhưng sau đó bặt vô âm tín. Ngoài yếu tố di truyền thì có lẽ vùng này sát biển và người đi biển nhiều nên mắt bị ảnh hưởng do cát và hơi mặn. Nhưng tất cả cũng chỉ là phỏng đoán của một người dân bình thường…

Người mù vượt khó

Chuyện anh Võ Văn Bế, 47 tuổi, ở thôn Thanh Lương khiến nhiều người nể phục. Khi mới sinh ra anh cũng nhìn được nhưng sau đó tự nhiên mù hẳn. Tuy đôi mắt không còn thấy gì nhưng anh cùng vợ đã biến mảnh vườn toàn cát trắng rộng hơn 4 sào của mình trở nên xanh tốt. Từ bàn tay trắng, vợ chồng anh cất được ngôi nhà khang trang trị giá hơn 150 triệu đồng. Anh chia sẻ: “Biết mình bị tật nguyền nên tôi phải ráng sức làm để nuôi vợ, nuôi con. Chỉ mong con cái không bỗng dưng bị mù như tôi mà thôi”.

Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.