Đủ chiêu “độ” cân

28/03/2011 09:03 GMT+7

Với dịch vụ “độ” cân chuyên nghiệp, chỉ cần làm “bùa” chi tiết các bàn cân đồng hồ, cân điện tử sai lệch ít nhất vài lạng đến cả chục ký, người tiêu dùng bị “móc túi” dài dài mà không cách nào phát hiện.

 

 

Khu vực chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM) là nơi tập trung các cửa hàng “độ” cân theo ý khách. Một người thợ sửa tại khu vực này vừa hì hục “độ” cân, vừa quảng cáo: “Làm già đi mấy lạng rồi bấm chì lại như cũ thì như cân mới thôi, chỉ người trong nghề mới phát hiện”.

Thợ của một cửa hàng trên đường Hải Thượng Lãn Ông, Q.5 “độ” cân đồng hồ - Ảnh: MINH MẪN

Nhiều mánh

 

Tiểu xảo

Ông Tư, một người chuyên sửa cân dạo ở các chợ quanh khu vực Q.Gò Vấp, cho biết: “Loại cân quả hai bàn treo thăng bằng, người bán thường dùng hai bộ quả, một bộ quả cân thiếu, một bộ quả đủ. Người bán hay yêu cầu tui gọt quả cân 1kg còn tám lạng rưỡi hoặc chín lạng”.

Người thợ “độ” cân tên Quảng giới thiệu hai cách “độ” cho cân lò xo. Ông này nói nếu vặn làm giãn lò xo thì “ăn” tối đa được hai lạng, giá “độ” là 20.000 đồng, sau này nếu chủ không muốn “ăn” nữa, ông ta có thể chỉnh lại chuẩn xác như cân của công ty. Cũng theo ông này, cách mài mòn lò xo sẽ “ăn” được nhiều ký hơn nhưng không chỉnh lại như ban đầu được vì lò xo bị mỏng, giá làm là 40.000 đồng.

 

Vừa nói ông Quảng vừa chỉnh lại một bàn cân đồng hồ nhãn hiệu Nhơn Hòa loại 15kg theo ý một khách hàng. Tỏ ra khá thuần thục, ông ta cầm kềm bấm khéo léo cắt rời viên chì niêm rồi tháo từng chiếc lò xo, bằng hai cây kềm ông vặn tới vặn lui để làm giãn lò xo. Sau đó ráp lại đúng theo sơ đồ của chiêu thức “độ” cân lò xo.

Lấy ra một quả cân chuẩn bằng sắt nặng 1kg đặt lên cân, ông nói: “Chuẩn rồi! 1kg thành 1,2kg rồi”. Nhận được cái gật đầu của người mua, ông Quảng dùng mỏ hàn để hàn lại chì niêm phong. Ông này còn giới thiệu thêm: “Tùy nghe! Nếu muốn “ăn” nhiều hơn nữa thì phải mài lo xo nhiều. Nhưng vừa phải thôi, mài mỏng quá cân mau hư”.

Cũng ở tiệm “độ” cân này, người thợ tên Thái đang “sửa” lại một bàn cân điện tử. Khi được hỏi loại cân này có thể “độ” được không, ông Thái cười phì: “Cái gì mà làm không được. Loại này thì khó hơn. Dùng máy móc chứ không phải dùng mấy cái kềm, búa mà làm được. Bàn cân điện tử này giá hơn trăm triệu đồng. Nếu chỉnh thì chỉ được một mức để “ăn” thôi, nhưng khó bị phát hiện. Giá độ sẽ cao đấy!”.

Một cơ sở ở đường Gò Công, Q.5 chuyên bán nhiều loại cân cũ và luôn có một nhóm thợ túc trực, sẵn sàng “độ” cân tăng giảm theo yêu cầu của khách. Chúng tôi hỏi mua cân cũ, bà chủ liền giới thiệu: “Đủ loại. Cân 10kg, 20kg, 60kg… Chọn đi rồi muốn làm lại thì thợ của tôi làm cho, tiền công là 50.000 đồng”. Bà nói tiếp: “Không biết sao dạo này ai mua cân cũ cũng làm lại hết chứ không mua cân mới để làm”. Bà khoe thợ của bà có thể “độ” nhiều bài theo ý khách, nếu là người bán ra thì thợ sẽ chỉnh “ăn” thêm vài lạng hoặc hơn tùy ý. Còn nếu là người mua hàng vào, thợ sẽ chỉnh hụt đi vài ký, giá “độ” hụt ký là 100.000 đồng.

Chủ một cửa hàng ở đường Hải Thượng Lãn Ông, Q.5 có chiêu độc hơn. Cân sau khi đã “độ”, nếu đặt món hàng chính giữa bàn cân thì số cân vẫn đủ, chính xác, nếu kéo hàng về phía bên phải hay trái thì sẽ ăn một lạng hoặc hơn. Ông này cho biết bài “độ” cân này thường được các bà ngoài chợ yêu cầu làm để tránh kiểm tra đột xuất của nhân viên quản lý chợ. Khách hàng nào trả đúng giá thì cân đủ, trả thấp thì kéo qua một bên để cân thiếu.

Đúng lúc một người đến hỏi mua cân để bán gạo, loại 30kg, khách yêu cầu “ăn” hai lạng khi kéo về bên trái. Thợ của cửa hàng nhanh chóng mở cân, tháo một lò xo bên trái ra và dùng một chiếc giũa sắt loại lớn giũa phần móc lò xo, rồi đem lò xo vào máy để mài đều khắp thân của chiếc lò xo. Tay thợ cho biết: “Có gì lạ đâu, chỉ làm yếu một bên lò xo”. Sau đó anh ta vặn chiếc lò xo này thêm vài vòng để cân bằng lực đàn hồi so với ban đầu.

Ông chủ yêu cầu: “Nếu đã “độ” cân ở đây, cửa hàng sẽ không “bảo hành” và hết trách nhiệm. Chúng tôi không nhận lại cân, cũng như nếu có kiện cáo thì chúng tôi không liên quan. Nếu đồng ý thì chúng tôi mới làm, giá 70.000 đồng/lần độ”.

 

Chủ một cửa hàng trên đường Tháp Mười, Q.6 ghi giá cân và tiền công “độ” cân điện tử cho khách hàng - Ảnh: MINH MẪN

 

Nhấn nút “nuốt tiền”

“Chiêu thức vặn, kéo, mài làm giãn lò xo đàn hồi của cân sẽ tăng thêm số ký nhưng không đáng kể và đã lỗi thời. Cân “độ” bây giờ được điều khiển từ xa bằng remote. Chủ muốn ăn (số ký) bao nhiêu thì chỉ cần bấm nút, không muốn ăn thì thôi!” - bà Vy, chủ một lò “độ” cân ở đường Tháp Mười, Q.6, quảng cáo. Bà Vy giới thiệu tiếp: “Tiệm tôi có thể “độ” điều khiển điện tử cho các loại cân lò xo, cân bàn điện tử, cân điện tử cảm ứng… Giá vài triệu nhưng tiền nào của nấy. Sẽ không bị phát hiện khi quản lý thị trường kiểm tra”.

Bà giải thích từng bài “độ” cân bằng mạch điện tử: “Nếu độ cho cân lò xo loại 60-100kg, giá độ điện tử và cả cân là 4,5 triệu đồng. Loại cân lò xo, chúng tôi sẽ lắp ráp một bo mạch điện tử do thợ của tiệm tự chế tạo và một bộ bơm thủy lực kéo đẩy cân để bo mạch điều khiển… và nhiều món lắm, kể ra không biết đâu. Tất cả được ráp trong lòng cân lò xo, sau đó chúng tôi có chì niêm phong giống 100% của chính hãng cân để bấm lại cho khách hàng. Tiệm sẽ cấp cho chủ cân một cái điều khiển bí mật nhỏ bằng thẻ xe, khi cần, chủ nhấn nút thì cân sẽ làm việc”.

Loại cân lò xo có bo mạch điện tử có lợi thế là chủ có thể điều khiển được hai mức độ “ăn” hoặc hụt cân. Cụ thể, nếu cân loại bao vải 50kg bán cho khách, ở mức độ tăng đầu tiên cân sẽ nhảy 52kg, mức thứ hai cân có thể nhảy 55kg. Ngược lại, nếu là đại lý thu hàng vào, tiệm sẽ chỉnh hụt cân tương tự. Nếu bị kiểm tra hoặc đặt cân thử vẫn không thể phát hiện đối với loại “độ” cân bằng bo mạch điện tử này.

Với các loại cân điện tử, cân bàn điện tử thì thợ sẽ có bài “độ” riêng. Nhưng mức “ăn”, hụt của cân chỉ điều chỉnh được một mức và chỉnh được một lần do phải điều khiển bằng bo mạch điện tử và phải lập trình, khác với cân lò xo vừa có thể điều khiển được bo mạch vừa điều chỉnh được lực đàn hồi của lò xo. Giá “độ” cho một cân điện tử là 3,5 triệu đồng.

Bà Vy cho biết với bài “độ” cân bằng điện tử, chủ có thể đứng cách xa 5m vẫn có thể điều khiển được cân. “Độ” cân bằng điện tử và điều khiển từ xa rất được chuộng, tuy giá cao nhưng với nhiều cơ sở mua vải ký, đại lý mua bán sắt thép, đồng, bột mì... số tiền đầu tư ban đầu chẳng là bao so với số tiền cân sẽ “nuốt” lại cho chủ. Vừa nói bà mở sổ ghi chép cho chúng tôi xem tên một số cơ sở đặt làm cân “độ”. Trong đó, cơ sở NL ở quốc lộ 1A tại TP.HCM sản xuất thang nhôm, đặt “độ” một cân điện tử loại 300kg để “nuốt” (giảm) số ký nhôm khi cân nhập vào kho.

Tương tự, cơ sở bán bột mì LH trên tỉnh lộ 10 đặt một cân điện tử để “tăng” số ký bột mì bán giao cho khách hàng. Số ký “ăn”, “nuốt” từ cân của hai doanh nghiệp trên không thể hiện là bao nhiêu nhưng bà chủ cho biết: “Với loại hàng có giá trị cao thì khách thường chỉnh ăn từ 2-5kg, còn giá trị thấp thì từ 5-10kg cho mỗi lần cân trọng tải dao động từ 50-200kg”.

 

TS Nguyễn Mộng Hùng
(chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM):

Phải xử lý mạnh tay với nạn cân gian

Tình trạng cân gian, cân thiếu tồn tại lâu nay. Một số người vẫn biết mua hàng ở các nơi lề đường, xe đẩy… dễ bị cân thiếu nhưng họ vẫn mua, tạo điều kiện để nạn cân gian tồn tại. Và vì mức xử phạt còn quá nhẹ, cùng lắm chỉ bị tịch thu phương tiện là bàn cân, không đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Hội Bảo vệ người tiêu dùng có đặt cân đối chứng ở các chợ trong TP, nhưng đa số người tiêu dùng đều làm ngơ. Để dẹp bỏ nạn cân gian đòi hỏi lực lượng quản lý thị trường, các cơ quan liên ngành thường xuyên tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra cân của người mua, bán và có biện pháp xử lý mạnh tay hơn.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.