34 năm mặc áo thanh niên xung phong

28/03/2011 08:51 GMT+7

Khi lên đường đi thanh niên xung phong (năm 1977), Nguyễn Viết Cường - 17 tuổi - dự định sẽ về sau ba tháng. Ba tháng đó của ông bây giờ là 34 năm.

 

 

Cậu thiếu niên “công tử bột” dân Sài Gòn ngày ấy giờ là phó giám đốc phụ trách kế hoạch, rường cột của Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp thanh niên xung phong (Adeco).

Ông Cường (bìa phải) tại trại chăn nuôi của Adeco ở Bình Dương  - Ảnh: MAI VINH

Đứng dậy

Nơi đầu tiên Cường được đưa đến là Tân Uyên, Sông Bé (Bình Dương ngày nay). Nơi đây ngày ấy âm u, rừng thiêng nước độc, ngày chim kêu vượn hú, đêm nghe thú gầm gừ. Mỗi buổi sáng đi làm ai nấy đều cầu mong đừng gặp “thổ địa”, ý nói tránh của bom mìn.

Đất Tân Uyên ngày đó khổ quá, dân kinh tế mới vào rồi lại đi, nhiều người chịu không thấu. Ông Cường bảo mình là người ốm yếu nên làm việc năng suất thấp nhất. Đêm nào ông cũng bị kiểm điểm. Ông kể lại và cười: “Tôi làm việc chẳng có kỹ thuật gì hết, nhiều khi chặt tre quên chừa nhánh để bám leo xuống nên khi lên cao phải kêu cứu đồng đội”.

 

Đối xử bằng niềm tin

Ở Trường số 6, ông cho xây bếp để học viên tự tổ chức thêm bữa ăn đơn giản. Ông cho học viên vào rừng kiếm củi nấu nước tắm trong sự can ngăn của ban quản giáo. Trước khi ông nhậm chức ở đây đã có 108 học viên trốn trại, phải mất rất nhiều công sức mới đưa về được 80 học viên. Ông bảo: “Hãy hành xử với họ bằng niềm tin và sự công bằng. Khi nào học viên cảm thấy mình đang được nhìn nhận đúng nghĩa là con người thì sẽ không có hành vi tiêu cực”. Trước khi đi, ông nói với các học viên như thách: “Đã là hảo hán thì phải giữ lời!”.

Đúng giờ hẹn, xe vào rừng chở củi và đón học viên về không thiếu một ai.

Sức một “công tử bột” như ông chịu không nổi dầm mưa dãi nắng. Cứ như vậy ông gần như rớt ra bên lề của nhịp lao động ở nông trường. Tuổi 17 ông thấy mình cực và nhục. Cực vì chưa quen khổ và nhục vì không làm khỏe như các đồng đội khác. Nhưng cũng chính nơi đây ông cảm nhận được sự ấm áp của tình đồng đội khi sẻ chia từng viên thuốc, từng củ khoai giữa lúc cả nước đói kém.

 

Nhưng ông không bỏ cuộc. Sau ba tháng, bàn tay chàng “công tử bột” đã chai sần, quen dần với những nhát cuốc tóe lửa khi bập vào nền đất khô cằn rắn như đá núi.

Xanh lại những phần đời

Ông được điều đi nhiều nơi. Năm 1978 về tận Nông trường Minh Hải (Cà Mau bây giờ) và đến năm 1983 mới quay lại Nông trường Đỗ Hòa (Cần Giờ, TP.HCM). Đến năm 1994 ông lại về Trường Giáo dục và giải quyết việc làm Nhị Xuân (TP.HCM). Nhưng phần đời ông, như ông tự nhận, “gai góc nhất là ở Đắk Nông”.

Tháng 5-2005, ông về nhậm chức giám đốc Trường Giáo dục và giải quyết việc làm số 6 ở Tuy Đức, Đắk Nông. Ông Nguyễn Sỏi, nguyên phó giám đốc Trường số 6, người làm việc với ông ngày đó, cười nói: “Ổng lên nhận chức và nhận luôn khoản nợ 1,8 tỉ đồng bị thua lỗ”. Khi nhận việc, ông Cường hạ quyết tâm: “Nợ là nhục, trong năm nay phải trả xong nợ!”. Việc đầu tiên ông làm là không tiệc tùng tiếp khách để tiết kiệm. Nhưng hơn thế, đó là một thái độ về sự công bằng với những người lao động nơi đây.

Ông nhận thấy học viên cai nghiện ma túy ở đây thiếu niềm tin vào cán bộ quản lý, chuyện đánh học viên thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Ông tổ chức hòm thư góp ý cho giám đốc. Đó là nơi học viên có thể giãi bày nỗi niềm, từ chuyện gia đình, nhà cửa, hoàn cảnh cho đến nỗi uất ức...

Hòm thư lập ra, mỗi ngày ông nhận được 20-30 lá thư. Mọi chuyện chưa sáng tỏ đều được ông giải đáp trong buổi sinh hoạt với học viên. Ông cho phép học viên đến tận phòng làm việc hoặc phòng ở của mình để nói chuyện. Sáu tháng sau, những khiếu nại của học viên giảm dần.

Song song với việc cải thiện quan hệ, ông tiến hành cải tạo môi trường sống cho học viên. Trong một lần tiếp xúc với học viên, ông rổn rảng hỏi: “Ai dám nhận mình đã phá bàn ghế và trần nhà? Các hảo hán lên tiếng đi!”. Sau lần nói chuyện đó là toàn bộ phòng ở của học viên được sửa sang chu đáo. Nhưng ông rất khắt khe: chi phí sửa sang được trừ dần vào ngày công của học viên. Vậy mà không học viên nào trách ông, lại còn khen ông chịu chơi.

Đất rừng Tuy Đức trống chỗ nào ông đều xăm vào làm. Ông cùng học viên vác thuổng lên những đồi trọc. Sau một năm, 102ha đồi trọc Tuy Đức đã phủ xanh. Đất nào có thể thâm canh thì ông tận dụng làm hoa màu và bán lại cho nhà bếp của trường với giá rẻ để cải thiện bữa ăn. Một năm sau, trường trả xong khoản nợ 1,8 tỉ đồng. Năm 2007, ông đi làm nhiệm vụ mới: giám đốc Trường Giáo dục và giải quyết việc làm số 5 ở Đắk Nông.

Nhà ở TP.HCM nhưng chẳng mấy khi có ông ở nhà, tờ mờ sáng ông đã đi Bình Dương và về Sài Gòn lúc gần khuya. Để ông yên tâm sáng trại gà, chiều trại heo, vợ ông xin nghỉ việc ở thanh niên xung phong để ở nhà lo cho cô con gái bị bệnh tim.

Hiện ông là phó giám đốc phụ trách kế hoạch Adeco, một trong những đơn vị làm kinh tế chủ lực của Thanh niên xung phong TP.HCM. Trong năm 2010, riêng Adeco đã cung cấp cho chương trình bình ổn giá TP.HCM 35 triệu trứng gà đã qua xử lý và trứng gà của Thanh niên xung phong TP.HCM có mặt ở 17 siêu thị lớn của thành phố.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.