Dè dặt với bảo hiểm hạn hán

26/03/2011 12:02 GMT+7

(TNO) Mặc dù “mất thì ít, được thì nhiều” nhưng chưa có nhiều nông dân tham gia bảo hiểm hạn hán cho cây cà phê, lý do sản phẩm này quá mới.

Mưa thiếu là bồi thường gấp 10

Chỉ cần bỏ ra khoản tiền tối đa là 5,5 triệu đồng mua phí bảo hiểm cho 1 ha cà phê, nếu lượng mưa trong khoảng thời gian từ ngày 31.3 đến 10.5 (thời hạn bảo hiểm) hằng năm chỉ đạt hoặc thấp hơn ngưỡng theo quy định, thì người nông dân sẽ được nhận bồi thường 55 triệu đồng.

Đó là sản phẩm Bảo hiểm gián đoạn kinh doanh nông nghiệp theo chỉ số đối với rủi ro do hạn hán (gọi tắt là bảo hiểm hạn hán) được Công ty Bảo Minh Đắk Lắk (thuộc Tổng công ty cổ phần Bảo Minh) vừa triển khai ngay sau Tết Tân Mão.

 
Khô hạn từng làm chết nhiều vườn cà phê ở Đắk Lắk

Bảo Minh chọn 5 vùng có trạm đo mưa để thiết lập vùng bảo hiểm hạn hán cho nông dân ở Đắk Lắk, gồm Buôn Hồ, Ea Hđinh (H.Cư Mgar), Buôn Ma Thuột, Cầu 14 (sông Sêrêpốk) và Buôn Đrây (H.Krông Ana). Tùy từng vùng được bảo hiểm hạn hán mà “điểm ngưỡng” của lượng mưa được tính khác nhau, từ 32 - 68mm.

Chẳng hạn, đối với vùng Buôn Hồ, tổng lượng mưa trong thời hạn bảo hiểm bằng hoặc thấp hơn ngưỡng 55mm thì sẽ được bồi thường; trong khi ở Buôn Ma Thuột điểm ngưỡng là 40mm, vùng Ea Hđinh chỉ 32mm. Mức phí bảo hiểm tối đa cũng tùy từng vùng, từ 4,5 - 5,5 triệu đồng/ha cà phê và số tiền bồi thường gấp 10 lần mức phí.

Ông Trần Quốc Phúc, Phó giám đốc Công ty Bảo minh Đắk Lắk, cho biết: “Người mua cũng có thể chọn mức phí thấp hơn mức tối đa. Doanh nghiệp bảo hiểm không phải giám định thiệt hại vườn cây, chỉ cần căn cứ vào báo cáo lượng mưa đo được của trạm khí tượng trên vùng bảo hiểm là xác định bồi thường hay không”.

Tính đến ngày 7.3, hạn chót đợt mua bảo hiểm hạn hán năm 2011 của Bảo Minh Đắk Lắk, đã có 35 hộ nông dân là khách hàng đầu tiên, với tổng số phí đạt 68 triệu đồng; đa số hộ mua mức phí từ 1,5 - 2 triệu đồng/ha. Vùng Buôn Hồ có số hộ mua bảo hiểm nhiều nhất: 22 hộ, vùng Ea Hđinh 8 hộ, Buôn Ma Thuột 5 hộ.

Theo ông Phúc, số hộ và diện tích cà phê tham gia bảo hiểm nói trên còn quá nhỏ bé so với hàng vạn hộ canh tác trên hàng trăm ngàn ha cà phê thuộc 5 vùng được xác định bảo hiểm hạn hán ở Đắk Lắk.

Còn dè dặt

Vợ chồng ông Phan Văn Hữu, ở phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ, đã mua 1,5 triệu đồng phí bảo hiểm cho 0,5 ha cà phê của mình và vận động thêm 3 người em mua 6 triệu đồng phí bảo hiểm trên 3 ha nữa.

Ông Hữu lý giải cho quyết định của mình: “Nhiều năm nay, thời tiết thường diễn biến bất lợi cho người trồng cà phê, hơn nữa do biến đổi khí hậu nên rủi ro hạn hán rất khó lường. Theo tôi, mua bảo hiểm hạn hán cho vườn cà phê chỉ có lợi, nếu khô hạn xảy ra thì tiền bồi thường sẽ bù được chi phí đầu tư tưới, chăm sóc, thiệt hại do mất mùa; còn nếu mưa đủ thì mất đi tiền phí bảo hiểm không lớn lắm”. 

Ông Hữu cho rằng, nhiều nông dân trong vùng còn dè dặt, chưa dám mạnh dạn mua sản phẩm bảo hiểm này vì nghi ngại “trời mưa không công bằng” trong thời hạn bảo hiểm; có thể mưa xảy ra cục bộ ngay tại địa điểm trạm khí tượng, còn những vùng khác xung quanh thì mưa ít hoặc không mưa.

 
Nông dân tốn kém nhiều chi phí đào giếng, bơm tưới chống hạn cho cà phê

Ông Nguyễn Đức Giáp là một trong hai hộ mua bảo hiểm hạn hán ở xã Ea Hồ, huyện Krông Năng, với mức phí 2 triệu đồng cho 1 ha cà phê. “Phần lớn hộ trồng cà phê trên địa bàn này đều ngần ngại vì họ chưa từng biết cái gọi là bảo hiểm cây trồng nên chờ xem tôi mua “thí điểm” thế nào”, ông Giáp cho hay và khẳng định sang năm 2012 sẽ mua bảo hiểm cho cả 3 ha cà phê của vườn nhà.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Quốc Phúc cho rằng, tâm lý e ngại của người trồng cà phê còn phổ biến, bởi đây là sản phẩm lần đầu ra mắt, không phải ai cũng nhận ra lợi ích lâu dài “mất thì ít, được thì nhiều”.

Ông Phúc thừa nhận: “Công tác thông tin truyền thông của Bảo Minh chưa nhiều, chưa phối hợp với chính quyền địa phương nên nhiều nông dân chưa hiểu rõ loại hình bảo hiểm này”.

Theo ông Phúc, cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, đặc biệt là mức phí bảo hiểm cho hộ nông dân nghèo. Đối với bảo hiểm cho cà phê, chính quyền, ngành nông nghiệp, các tổ chức đoàn thể cũng phải cùng phối hợp để giúp người nông dân hiểu rõ và tham gia bảo hiểm nhằm giảm thiểu thiệt hại một khi hạn hán xảy ra.

Ông Trần Quốc Phúc cho biết: dự thảo thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2013 của Bộ Tài chính có đề xuất mức hỗ trợ phí bảo hiểm của Nhà nước cho các đối tượng tham gia, gồm: Hỗ trợ 90 - 100% cho hộ nông dân nghèo, cá nhân nghèo; hỗ trợ 60 - 70% cho hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo; hỗ trợ 50% cho tổ chức sản xuất nông nghiệp.

Bài, ảnh: Trần Ngọc Quyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.