Khó quy trách nhiệm vì thiếu thể chế

24/03/2011 01:15 GMT+7

Hôm qua, các ĐBQH đã thảo luận tại tổ về Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ (CP), Thủ tướng CP.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh (UBQP-AN) Lê Quang Bình, nhiệm kỳ qua trong bối cảnh có nhiều khó khăn nhưng CP và Thủ tướng điều hành đã đảm bảo tăng trưởng khá tốt, GDP tăng trung bình 7%, được tổ chức quốc tế đánh giá cao. Đặc biệt, giữ vững được ổn định chính trị, an ninh quốc phòng; hạ tầng giao thông được cải thiện rất lớn.

Mặc dầu vậy, ông Bình cũng chỉ ra tồn tại là sự phát triển kinh tế không cân đối với vấn đề xã hội. “Kinh tế phát triển như thế nhưng xã hội còn quá nhiều vấn đề bức xúc. Giờ mà điều tra xã hội học một cách sâu sắc về tâm trạng người dân sẽ rõ. Trước hết là vấn đề quan liêu, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, tiếp xúc cử tri đều thấy nói rất nhiều”, ông Bình dẫn chứng. Nêu thêm những tồn tại khác như tình trạng lãng phí còn phổ biến, khiếu nại tố cáo tăng, tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường còn trầm trọng…, ông Bình nhận định: “Những tồn tại trên tuy nêu nhiều trong các báo cáo nhưng chậm được đẩy lùi, khắc phục được ít”.

 
Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh  Lê Quang Bình phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: Ngọc Thắng

ĐB Nguyễn Danh (Gia Lai) cũng cho rằng, báo cáo của CP nêu đời sống nhân dân tiếp tục cải thiện. Tuy nhiên khi đi tiếp xúc cử tri vừa qua, rất nhiều người dân phàn nàn bởi lạm phát tăng cao, đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống. “Chênh lệch khoảng cách giàu - nghèo tới 9 - 10 lần, lạm phát càng làm cho người nghèo sẽ nghèo thêm”, ông Danh lo lắng.

 

Chính phủ khóa tới nên tập trung nhiều về việc xây dựng thể chế, kỷ cương kỷ luật hành chính

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường

Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng nêu lại những băn khoăn của ông về chất lượng tăng trưởng. Theo ông Thuận, đời sống người nghèo, công chức bậc trung đang bị “bão giá” tác động, vô cùng khó khăn và ông coi “đây là nguyên nhân dẫn tới nạn tham nhũng vặt tăng”.

Đánh giá cao sự ứng phó nhạy bén của CP trước tác động khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới nhiều năm qua, song ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) cũng cho rằng: “Kinh tế VN vẫn còn nặng về mục tiêu tăng trưởng bao nhiêu phần trăm mà chưa để ý đến chất lượng tăng trưởng. Trong khi đó, đánh giá chất lượng kinh tế phải trên cơ sở yếu tố phát triển bền vững”.

Ví “CP là dàn nhạc, Thủ tướng là nhạc trưởng” và nhiệm kỳ qua, dàn nhạc dù năng động nhưng trong phối hợp lại không nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả", ĐB Nguyễn Ngọc Hòa đề nghị CP cần đánh giá toàn diện các thành viên CP hoàn thành nhiệm vụ như thế nào. “Để làm căn cứ cho QH nhiệm kỳ tới bầu bộ máy Nhà nước”, ông Hòa nói.

Phó chủ tịch UB T.Ư MTTQ VN Trần Hoàng Thám trăn trở: “Tôi có cảm nhận quyết tâm của các thành viên CP không đồng đều, sự phối hợp giữa các bộ chưa ổn, cần báo cáo thêm để QH xem bộ máy CP như vừa rồi ngon lành chưa để QH khóa sau có cơ sở xem xét, quyết định về tổ chức bộ máy CP khóa mới”.

Chủ nhiệm UBQP-AN Lê Quang Bình kiến nghị cần xem lại cơ chế, thể chế xác định trách nhiệm thuộc về ai trong nhiệm kỳ CP khóa tới. Theo ông Bình, trong các luật của ta, điều luật nào cũng nói quyền, nghĩa vụ, còn trách nhiệm thì rất ít; rồi tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực nhưng phân định trách nhiệm không rõ ràng cho nên không quy được trách nhiệm cho ai. 

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cũng thừa nhận việc phối hợp giữa các bộ đúng là như các ĐB nói có sự chưa nhuần nhuyễn. Bộ máy ở các địa phương cũng còn lớn nhưng chưa hiệu quả, chưa hợp lý trong việc phân công nhiệm vụ. Ông Cường cho rằng “CP khóa tới nên tập trung nhiều về việc xây dựng thể chế, kỷ cương kỷ luật hành chính”.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.