Đổ xô khai thác đá opal

24/03/2011 10:36 GMT+7

(TNO) Thời gian qua, nhiều người đổ xô khai thác, đào trộm đá opal để bán, làm thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng nghiêm trọng an ninh trật tự tại thôn Tân Định, xã Đắk Gằn, H.Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông.


Một góc thôn Tân Định bị người dân đào bới để tìm đá opal

Đến thôn Tân Định, chúng tôi thấy hàng chục máy xúc đất, cùng khoảng 100 người, trong đó có cả người già, trẻ em, đang hì hục đào bới để tìm đá opal. Tại khu vực đồi Thanh Niên, nơi từng là rẫy cà phê, xuất hiện hàng chục chiếc hầm lớn, với độ sâu 5-8m, do việc đào đá opal để lại.

Anh Nguyễn Văn Tùng, một người đang đào đá tại đây cho biết: “Chúng tôi nghi ở khu vực này có một tảng đá opal lớn, nhưng đào suốt 2 ngày vẫn chưa thấy. Đào thêm một vài ngày nữa mà không có, chúng tôi sẽ chuyển sang nơi khác”.

Đá opal được dùng để chế biến đồ mỹ nghệ, trang sức… Hiện nay, giá bán “chui” đá opal nhỏ và trung bình khoảng 10.000 - 20.000 đồng/kg. Còn đá lớn có khi lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng mỗi hòn, tùy thuộc  hình thể.

Theo ông Nguyễn Như Phúc, Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn, đã có nhiều gia đình bỏ bê nương rẫy và công việc khác để theo “nghề” đào đá opal. Nhiều học sinh bỏ học, theo cha mẹ đi tìm đá. Tình hình thôn Tân Định thời gian qua khá phức tạp bởi tình trạng tranh chấp lãnh địa, tai nạn lao động, trộm cắp…

Ông Lê Văn Điệp, Phó phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) huyện Đắk Mil cho hay: mỏ đá opal ở thôn Tân Định được phát hiện từ năm 2006, nhưng chưa có tổ chức hay cá nhân nào được cấp phép khai thác, mua bán, vận chuyển. Thế nhưng một số “đầu nậu”, thậm chí doanh nghiệp tư nhân tổ chức đưa người, máy móc vào thôn này mua đất của dân để khai thác đá opal trái phép.

Ngày 14.3.2011, đoàn kiểm tra của Phòng TN-MT huyện Đắk Mil đã bắt quả tang 15 máy xúc đất, cùng hơn 100 lao động đang khai thác đá opal tại thôn Tân Định. Tuy nhiên, chưa xác định được số lao động và máy móc này là của đơn vị nào.

Theo ông Nguyễn Như Phúc, đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra do khai thác đá opal. Đầu tháng 7.2010, Trần Văn Tuấn, trú tại xã Đắk R’la (Đắk Mil) bị một tảng đá opal chừng 2 tấn đè gãy hai chân. Sau đó, Phạm Văn Hồ, trú tại thôn Tân Định bị đá đè dập bàn tay. Mới đây, ngày 4.3.2011, các anh Y Ning và Y Biếu (đều trú ở thôn Đắc Krai, xã Đắk Gằn) đang đào hầm để tìm đá opal thì hầm sập, đè chết cả hai...


UBND xã Đắk Gằn thu giữ một tảng đá opal lớn

Ngày 24.1.2011, UBND huyện Đắk Mil đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý việc khai thác đá opal tại thôn Tân Định. Tiếp đó, ngày 10.3.2011, UBND huyện Đắk Mil lại ban hành chỉ thị yêu cầu các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn việc khai thác, mua bán, vận chuyển đá opal. Cùng với đó, UBND huyện chỉ đạo ngành giáo dục rà soát, xử lý tình trạng học sinh bỏ học để đi đào đá opal. Tuy nhiên, theo Phòng TN-MT huyện Đắk Mil, hiện mỗi ngày vẫn có khoảng 15 - 20 tấn đá opal bị người dân khai thác, đem đi tiêu thụ. Trong khi đó, tình trạng người dân phá bỏ đất nông nghiệp, học sinh nghỉ học để tìm đá opal vẫn tiếp diễn.

Bài, ảnh: Việt Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.