Chiến sự ác liệt tại Libya

21/03/2011 00:57 GMT+7

Sau đợt không kích tối 19.3 đến sáng qua, liên quân quốc tế tiến đến bước thứ 2 nhằm làm suy giảm sức phản công của lực lượng Gaddafi.

Hôm qua, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Mỹ Mike Mullen tuyên bố bước đi tức thời tiếp theo trong chiến dịch của liên quân là cắt các đường tiếp tế của quân đội chính phủ Libya. Trả lời trên kênh truyền hình NBC, ông Mullen nhấn mạnh liên quân can thiệp quân sự theo Nghị quyết 1973 để bảo vệ thường dân và không nhằm lật đổ lãnh đạo Muammar Gaddafi. Ông cũng đánh giá cuộc không kích hôm trước đã chặn đà tiến của lực lượng Gaddafi vào Benghazi, “thủ đô” của phe nổi dậy và tuyên bố vùng cấm bay đã chính thức được thiết lập trên không phận Libya. Tính đến 0 giờ 15 ngày 21.3 (giờ VN), liên quân chỉ mới thực hiện một số cuộc không kích nhỏ lẻ. Quân đội Pháp thông báo đã triển khai 15 máy bay tham gia tấn công hôm 20.3.


Xe tăng của quân chính phủ Libya bốc cháy sau đợt không kích của lực lượng quốc tế trên đường từ Benghazi đến Ajdabiyah - Ảnh: Reuters

Từ nhiều năm nay, các vệ tinh tình báo của phương Tây đã bay trên không phận Libya để chụp hình các căn cứ quân sự của nước này từ độ cao 700 km, theo AFP. Trong khi đó, ở Địa Trung Hải, nhiều tàu do thám của Mỹ đang ghi nhận những tín hiệu từ radar về máy bay của quân đội chính phủ Gaddafi. Tất cả thông tin tình báo này được chuyển về trung tâm xử lý chung của liên quân phục vụ cho các cuộc không kích.

VN kêu gọi các bên kiềm chế, sớm chấm dứt hoạt động quân sự tại Libya

Về phản ứng của VN trước những diễn biến mới hiện nay ở Libya, ngày 20.3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Nguyễn Phương Nga nói: “VN lo ngại sâu sắc trước sự gia tăng căng thẳng và những hành động quân sự mới đây tại Libya với nhiều hệ lụy đối với đời sống của người dân nước này và hòa bình, ổn định ở khu vực. VN kêu gọi các bên kiềm chế, sớm chấm dứt các hoạt động quân sự, tích cực thúc đẩy đối thoại, tìm kiếm giải pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia”.

TTXVN

Cũng trong hôm qua, tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp đã rời cảng quân sự Toulon ở miền nam nước này, mang theo khoảng 20 máy bay chiến đấu và trực thăng, 2 máy bay do thám Hawk-Eye cùng 2.600 lính hải quân. AFP dẫn nguồn tin từ quân đội Pháp cho biết tàu Charles de Gaulle dự kiến đến vùng biển ngoài khơi Libya trong vòng 24 tiếng nhưng phải mất thêm từ 12-24 tiếng nữa để có thể tham gia chiến dịch.

Ngoài ra, lực lượng quốc tế sẽ được bổ sung thêm các máy bay chiến đấu của Bỉ, Đan Mạch và Ý. Hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Pieter De Crem thông báo 250 binh sĩ và 6 chiến đấu cơ F-16 của nước này sẽ vào cuộc kể từ hôm nay, “dưới sự chỉ huy của liên quân”, theo Đài truyền hình RTBF. Ông De Crem nhận định nhiều khả năng cuộc chiến này sẽ kéo dài nhiều tuần lễ và không loại trừ khả năng gửi bộ binh đến Libya khi tình hình cho phép. Cùng ngày, Ý tuyên bố sẽ tham chiến với 8 máy bay chiến đấu dù trước đó một ngày chính quyền nước này cho biết chưa muốn tham gia không kích và chỉ ủng hộ liên quân bằng các căn cứ quân sự của nước này ở Địa Trung Hải. Các máy bay chiến đấu Đan Mạch cũng đã rời căn cứ ở đảo Sicily, Ý để tiến về Libya từ chiều hôm qua.

Đáp lại, Bộ Quốc phòng Libya thông báo sẽ cung cấp vũ khí cho hơn một triệu người, theo hãng tin Jana. Nếu quân đội của nhà lãnh đạo Gaddafi có thể hoàn thành việc này trong vòng vài giờ như thông báo, nhiều khả năng dân thường cũng sẽ được huy động vì nước này chỉ có hơn 6 triệu dân. Cùng lúc đó, chiến sự tại khu vực ngoại vi thành phố Benghazi vẫn diễn ra khá căng thẳng. Theo AFP, hàng chục chiến xa và xe tăng của quân đội Libya đã bị bắn hạ vào sáng qua. Nhiều xác xe tăng nổ tung, các khẩu đại pháo cháy đen cùng tử thi của một số lính đánh thuê châu Phi đã được tìm thấy cách Benghazi 35 km về phía Tây. AFP dẫn nguồn tin từ các bệnh viện cho biết những cuộc đụng độ giữa quân Gaddafi và phe nổi dậy trong hai ngày 18, 19.3 ở các khu vực gần Benghazi đã làm ít nhất 90 người thiệt mạng.

Mỹ sẽ tham gia “có giới hạn”

Hôm qua, AFP dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Pháp cho biết hiện chiến dịch không kích Libya được phối hợp hành động bởi bộ tham mưu Anh, Mỹ và Pháp nhưng “chưa có bộ chỉ huy tập trung”. Bộ tham mưu Pháp hiện đang đóng tại căn cứ Mont Verdun phía đông nam nước này, Bộ tham mưu Anh đóng tại Northwood, ngoại ô London còn lực lượng chỉ huy chiến dịch của Mỹ tập trung tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức. Nguồn tin trên cho biết thêm, giữa 3 bộ tham mưu vẫn có những trao đổi về nhân sự, đặc biệt giữa Mont Verdun và Ramstein và “một hệ thống chỉ huy đang dần được hình thành”.

Cho đến nay, Mỹ vẫn tỏ ra khá dè dặt trong mọi tuyên bố liên quan đến chiến dịch của liên quân. AFP dẫn lời Tổng thống Barack Obama tuyên bố: “Tối qua, hỏa tiễn của Mỹ đã bắn trúng một số mục tiêu ở Libya, trong một hành động quân sự có giới hạn. Tôi cũng nhắc lại rằng Mỹ sẽ không triển khai bộ binh tới Libya”. Trước đó, Lầu Năm Góc tuyên bố Mỹ sẽ giữ “vai trò hỗ trợ” trong chiến dịch lần này. Hầu hết các nước thuộc liên quân đều chưa đả động gì đến việc huy động bộ binh để tấn công Libya, ngay cả hai nước được xem là “tiên phong” là Anh và Pháp.

Nghị quyết 1973 tuy được xem là “bật đèn xanh” cho việc can thiệp quân sự vào Libya nhưng quy định “không được đưa quân chiếm đóng” chính là rào cản khiến các nước không huy động bộ binh. Mặt khác, trái với lực lượng không quân bị đánh giá kém hơn hẳn so với liên quân, bộ binh của quân đội Gaddafi khá hùng hậu, với 50.000 binh sĩ, 800 xe tăng, 120 xe do thám, 2.400 khẩu đại pháo… Các nước Tây phương và đặc biệt Mỹ không muốn sa lầy vào một cuộc chiến như ở Afghanistan hay Iraq.

Nghị quyết 1973

Nghị quyết 1973, do Pháp, Anh và Li-băng đề xuất, được HĐBA LHQ thông qua hôm 17.3 với 10 phiếu thuận và 5 phiếu trắng (Ấn Độ, Brazil, Đức, Nga, Trung Quốc), không có phiếu chống. Nội dung chính của nghị quyết yêu cầu “ngừng bắn ngay lập tức và chấm dứt tất cả các cuộc tấn công vào dân thường”, đồng thời dự kiến “thiết lập vùng cấm bay trên không phận Libya và sử dụng mọi biện pháp cần thiết, ngoại trừ chiếm đóng, để ngăn cản các cuộc không kích vào những khu vực dân cư”. Nói cách khác, LHQ đã chính thức “bật đèn xanh” để liên minh các nước có thể can thiệp quân sự vào Libya.

Ngoài ra, Nghị quyết 1973 còn tăng cường một số biện pháp trừng phạt đối với chính quyền của nhà lãnh đạo Gaddafi: cấm vận vũ khí, đóng băng tài sản của giới quan chức cấp cao Libya và thân nhân, xem xét đưa một số cá nhân ra xét xử tại Tòa án Quốc tế...

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.