Chiến dịch mở cửa bầu trời Libya

20/03/2011 22:21 GMT+7

Mỹ và Anh đã dội mưa tên lửa vào lãnh thổ Libya theo sau vụ không kích của phi đội chiến đấu cơ Rafale của Pháp tại thành phố Benghazi.

Với mục tiêu tấn công hệ thống phòng không của Libya, Mỹ - Anh bắt đầu triển khai kế hoạch tiêu diệt đa giai đoạn nhằm giảm thiểu rủi ro cho các máy bay của liên quân khi di chuyển sâu vào đất liền. Theo đó, phần mở màn của chiến dịch mà người Mỹ gọi là Hừng đông Odyssey (phía Anh gọi là Ellamy) đã diễn ra theo đúng kịch bản với việc phóng tên lửa hành trình Tomahawk để dọn đường cho máy bay chiến đấu. Chiến dịch chống nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi chính thức được mở màn.


 Sơ đồ vị trí đóng quân của liên minh quốc tế trong chiến dịch ở Libya - Ảnh: Le Figaro

Hừng đông Odyssey

Trong chiến dịch phối hợp có quy mô lớn nhất kể từ chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, lực lượng Anh và Mỹ đã phóng tổng cộng 112 tên lửa Tomahawk từ các tàu tại Địa Trung Hải trong đêm 19.3 đến rạng sáng qua (giờ VN).

48 người chết, 150 người bị thương

Đài truyền hình Libya đưa tin có khoảng 48 người chết và 150 người bị thương khi Mỹ - Anh dội tên lửa vào nước này. Quân đội của ông Gaddafi khẳng định hầu hết các nạn nhân là phụ nữ, trẻ em và giáo sĩ.

CNN đưa tin tổng chỉ huy chiến dịch Hừng đông Odyssey là Đô đốc Mỹ Samuel Locklear, vốn là Tư lệnh Lực lượng liên quân đóng tại Naples (Ý). Ông có mặt trên tàu chỉ huy hạm đội 6 là USS Mount Whitney đang hiện diện tại Địa Trung Hải. Theo Bloomberg dẫn thông tin từ Lầu Năm Góc, các tên lửa hành trình Tomahawk đầu tiên đã được phóng đi từ 5 tàu Mỹ đang neo gần bờ biển Libya, trong đó có các tàu khu trục USS Stout và USS Barry, cũng như 3 tàu ngầm USS Providence, USS Scranton và USS Florida. Cùng lúc, tàu ngầm lớp Trafalgar của Anh đậu gần đó cũng khai hỏa tên lửa Tomahawk về phía lãnh thổ Libya. Sau 1 giờ bay, nhóm tên lửa đã đến được các mục tiêu trên đất liền, cụ thể là những điểm ở Tripoli và Misrata.

CNN dẫn lời Phó đô đốc Mỹ William Gortney phát biểu tại Lầu Năm Góc cho biết mục tiêu của các tên lửa trên là hơn 20 hệ thống phòng không tại miền tây Libya, bao gồm hệ thống radar, trung tâm liên lạc và các điểm đặt tên lửa SA-5, với tầm bắn xa nhất vào khoảng 300 km. Libya cũng có khoảng 50 tên lửa SA-6, loại mà người Serbia ở Bosnia từng sử dụng để hạ chiếc F-16 của Không lực Mỹ hồi năm 1995.

Về tổng quan, hệ thống phòng không của Libya dựa trên công nghệ vũ khí từ thời Liên Xô, nhưng tướng Gortney cho rằng nó vẫn là mối đe dọa đáng kể đối với các máy bay nước ngoài di chuyển gần hoặc tiến vào không phận của nước này. Hệ thống phòng không phức hợp của Libya vốn có quy mô tương tự như Iraq, với khoảng 30 điểm đặt tên lửa đất đối không, liên lạc chặt chẽ với 15 trạm radar cảnh báo sớm được đặt dọc theo bờ biển Địa Trung Hải.

Thông thường, tên lửa hành trình là lựa chọn đầu tiên trong các chiến dịch như Hừng đông Odyssey vì liên quân không muốn làm hao tổn phi công một cách không cần thiết. Biện pháp tối ưu vẫn là sử dụng công nghệ định vị toàn cầu để bắn tên lửa một cách chuẩn xác nhất mà không cần triển khai phi công đến tận nơi.

Ngoài ra, tờ Guardian dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Anh Liam Fox cho hay các máy bay Tornado GR4 của nước này cũng tấn công bằng tên lửa Stormshadow, trong khi một căn cứ không quân của Libya lãnh hơn 40 quả bom từ máy bay tàng hình B2 của Mỹ.

Các bước tiếp theo

Sau khi xác định được hệ thống phòng không của Libya đã bị khống chế và tước mất năng lực chiến đấu, NATO sẽ đổ chiến đấu cơ tấn công các mục tiêu trên mặt đất. Lần này, các máy bay của liên quân sẽ nhắm bắn các mục tiêu như xe bọc thép, xe tăng, hệ thống tên lửa tầm xa và bệ phóng tên lửa tự hành của lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Gaddafi. Để phục vụ cho giai đoạn 2, NATO tiến hành triển khai các máy bay tiếp nhiên liệu trên không; máy bay do thám không người lái Global Hawk và RC-135 Rivet Joint. Kèm theo đó là các máy bay chống vô tuyến điện EC-130H và EA-6B Prowler của hải quân, cũng như chiến đấu cơ triệt tiêu radar F-16CJ của không quân.

Đến bước thứ 3, sau khi chiến đấu cơ dọn sạch mục tiêu trên mặt đất, phi công của liên quân sẽ bắt đầu tuần tiễu trong khu vực cấm bay do LHQ xác lập, Bloomberg dẫn lời nguyên Phó tư lệnh Không lực châu u Charles Wald nhận định.

Nhiều chuyên gia dự đoán Libya không thể nào đương cự nổi cuộc tấn công tổng lực này. Quốc gia Bắc Phi có không lực giới hạn, với khoảng 80% máy bay thuộc vào dạng không thể chiến đấu. Mức độ chuyên nghiệp của phi công cũng như những chiến thuật không chiến không thể nào bì được với các phi công liên quân, theo Lầu Năm Góc. Libya cũng chỉ có hơn 100 chiếc MiG, 30 trực thăng và 15 máy bay vận chuyển.

Nếu so sánh về tương quan lực lượng, trong khu vực hiện có đến 25 tàu của Mỹ, Anh, Canada, Ý tại Địa Trung Hải. Trong số này, Mỹ sở hữu khoảng 11 tàu, gồm 3 tàu ngầm, 2 tàu khu trục, 2 tàu tấn công đổ bộ và tàu chỉ huy hạm đội 6 của Hải quân Mỹ là USS Mount Whitney.

Nhiều bên phản đối

Trong lúc các nước tập hợp lực lượng tấn công Libya, Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) hôm qua kêu gọi ngừng ngay lập tức hành động can thiệp quân sự của nước ngoài tại Libya, theo AP. Tại châu Mỹ La-tinh, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ các cuộc tấn công vào quốc gia Bắc Phi, với cáo buộc rằng Mỹ và đồng minh đã dùng vũ lực đánh Libya để trục lợi từ nguồn tài nguyên dồi dào của nước này là dầu mỏ. Giới lãnh đạo Cuba, Bolivia và Nicaragua cũng bày tỏ mối lo ngại tương tự. Trong khi đó, 2 thành viên thường trực của HĐBA LHQ là Nga và Trung Quốc tiếp tục phản đối hành động của liên quân tại Libya. RIA-Novosti dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cho biết Moscow lấy làm tiếc về sự can thiệp bằng quân sự của các lực lượng ngoại quốc. Còn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua cũng  khẳng định Bắc Kinh không đồng ý dùng vũ lực để giải quyết các quan hệ quốc tế.

Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập Amr Moussa hôm qua cũng chỉ trích các cuộc không kích của liên quân vào Libya là đã xa rời “mục tiêu thiết lập vùng cấm bay”, theo AFP. Ông Moussa nói: “Chúng tôi ủng hộ thực hiện vùng cấm bay nhằm bảo vệ những vùng dân cư chứ không phải để đánh bom vào những vùng dân cư khác”, đồng thời kêu gọi tổ chức họp khẩn về tình hình chiến sự. Ấn Độ thì cho rằng các biện pháp được thực hiện cần phải giảm nhẹ chứ không làm xấu thêm tình hình ở Libya.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.