Trung Quốc “nghi ngại nghiêm trọng” nghị quyết về Libya

18/03/2011 13:54 GMT+7

(TNO) Trung Quốc nói nước này “nghi ngại nghiêm trọng” quyết định của Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho phép sử dụng biện pháp quân sự với Libya, theo Tân Hoa Xã.

>> LHQ cho phép tấn công Libya

Trong thông báo được đăng tải trên website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 18.3, người phát ngôn bộ này, bà Khương Du cho biết Bắc Kinh lo lắng sau khi Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết thiết lập vùng cấm bay ở Libya, cũng như ủng hộ “tất cả các biện pháp cần thiết”, cụm từ ám chỉ hành động quân sự, nhằm bảo vệ thường dân ở Libya trước lực lượng của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.

Bà Khương Du nói Hội đồng Bảo an cần phải "theo đuổi việc giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại ở Libya thông qua đối thoại và các phương tiện hòa bình khác”.

“Chúng tôi chống lại việc sử dụng lực lượng vũ trang trong các mối quan hệ quốc tế, và nghi ngại nghiêm trọng một vài nội dung trong nghị quyết”, bà Khương Du nói.

Theo Reuters, Trung Quốc từ lâu đã phản đối những hành động can thiệp quân sự trong các cuộc xung đột nội bộ ở các quốc gia khác.

Nghị quyết 1973 về Libya được HĐBA gồm 15 thành viên thông qua vào sáng nay, 18.3, với tỉ lệ phiếu ủng hộ là 10-0 trong khi Trung Quốc, Nga, Brazil, Ấn Độ và Đức đã bỏ phiếu trắng. 

Tại trụ sở của LHQ ở New York, các phái đoàn của Nga và Trung Quốc nói những bên ủng hộ nghị quyết 1973 đã không thể đưa ra lời giải thích thỏa đáng về cách vận hành của vùng cấm bay.

Tuy nhiên, Trung Quốc nói sở dĩ họ không bỏ phiếu phủ quyết vì quan tâm đến yêu cầu thiết lập vùng cấm bay từ Liên đoàn Ả Rập.

Bà Khương Du nói: “Xét thấy những lo ngại và lập trường của các nước Ả Rập và Liên đoàn Ả Rập, cùng hoàn cảnh đặc biệt ở Libya, Trung Quốc cùng các nước khác đã bỏ phiếu trắng thay vì ngăn cản việc thông qua nghị quyết”.

Trung Quốc và Nga, hai thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, vốn có thể ngăn cản việc thông qua nghị quyết 1973 bằng cách sử dụng quyền phủ quyết của họ.

Sơn Duân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.