Câm điếc đột xuất

18/03/2011 08:38 GMT+7

(TNTS) Thiên Long bát bộ kể rằng trên giang hồ có phái Tiêu Dao. Trong Hán văn, tiêu dao có nghĩa là thong thả đây đó, không bị gò bó, bắt buộc. Hai chữ tiêu dao hình thành một quan điểm triết lý trong triết học của Trang Tử; lại mang theo tư tưởng giải thoát trong triết học Phật giáo.

Phái Tiêu Dao do Vô Nhai Tử làm chưởng môn. Vô Nhai Tử đẹp trai, có võ công xuất chúng. Võ công của phái này gồm bộ pháp Lăng Ba vi bộ, nội công Bắc minh chân khí, Thiên Sơn lục dương chưởng, Thiên Sơn chiết mai thủ, chỉ pháp Tiểu vô tướng công.

Thế nhưng, Vô Nhai Tử là tay lãng mạn, ham chơi. Ông ta say mê… cô em út của vợ mình, suốt ngày chỉ lo dựng tượng cô này. Ngoài ra, ông ta còn đánh đàn, chơi cờ, làm thơ, vẽ tranh. Đại đệ tử phái Tiêu Dao là Tô Tinh Hà học theo cách của thầy, ngoài võ công cũng ráng chơi cầm, kỳ, thi, họa. Đệ tử thứ nhì là Đinh Xuân Thu không thèm học các món chơi, chỉ chuyên tâm luyện võ, nên võ công cao cường hơn Tô Tinh Hà.

 

Thế rồi Đinh Xuân Thu làm cuộc bạo loạn, đánh Vô Nhai Tử rơi xuống vực, buộc Tô Tinh Hà phải đưa hết các bí kíp võ công cho mình. Tô Tinh Hà không đưa. Họ Tô nói: "Ta không giữ các kinh thư này, cũng không biết chỗ sư phụ cất. Ngươi muốn giết ta cứ việc ra tay". Đinh Xuân Thu nói: "Hôm nay, ta không giết ngươi, nhưng từ đây ngươi phải giả câm giả điếc". Hắn giao ước: Nếu Tô Tinh Hà không làm được, Đinh Xuân Thu sẽ tàn sát cả phái Tiêu Dao. Đinh Xuân Thu bỏ sang Tây Vực, lập nên phái Tinh Tú.

Vậy là từ đó, Tô Tinh Hà đột xuất câm điếc. Sợ các đệ tử của mình bị Đinh Xuân Thu hại, lão đuổi tất cả bọn họ ra khỏi phái Tiêu Dao. Những đệ tử nhập môn sau, lão đều chọn người câm điếc. Phái Tiêu Dao từ đó lặng lẽ… tiêu dao, không có tiếng nói, không có tiếng cười. Tô Tinh Hà tự xưng mình là Lung á lão nhân (Ông già câm điếc), giữ lời hứa, không bao giờ mở miệng ra nói với ai một lời, kể cả với người yêu.

Gặp bọn cao thủ giang hồ, lão chỉ nhép miệng cười, ra dấu chào hỏi. Tất nhiên, lão còn nhớ ngón đàn của mình. Tuy Kim Dung không nói rõ nhưng tôi đồ chừng khi lão cao hứng muốn ca hát thì có lẽ lão cũng chỉ… hát nhép như nhiều ca sĩ ăn gian, hát nhép trên sân khấu của chúng ta ngày nay.

Chuyện câm đột xuất không phải là hiện tượng hiếm hoi. Báo chí đã phản ánh các ca sĩ thu sẵn bài hát trong phòng thu, ra sân khấu  bỏ đĩa vào máy phát; ca sĩ chỉ cần nhảy nhót, nhép miệng. m thanh trong phòng thu được cân chỉnh khá tốt qua hai khâu mix và remix. Ca sĩ không biết hát cũng thu đại, câu nào dở quá, câu nào lờ lợ, chữ nào non, chữ nào già đều được người thu thanh sửa giúp cho tại chỗ.

Thu xong, ca khúc lại được mix (pha trộn lời ca và tiếng nhạc) rồi remix (pha trộn lại lần hai), tút cho ngọt ngào, dịu dàng đâu đó. Tất cả đều được làm với máy vi tính. Ca sĩ ra sân khấu sẽ… câm đột xuất, chỉ nhép cho đúng chữ, đúng tiết tấu của ca khúc. Tất nhiên, khi: "Kính chào quý vị khán giả thân mến" và khi lãnh tiền cát-sê thì họ hết câm.

Tình hình ca sĩ hát nhép đã khiến cho các nhạc sĩ la làng. Đó là khi các nhạc sĩ làm chương trình muốn được nghe ca sĩ hát với giọng thật. Các "ca sĩ" không thể giả câm được nữa, phải ráng mà hát nhưng tiếng hát họ faut quá cỡ, có khi đột xuất cao lên hoặc thấp xuống một nửa tông (so với cao độ nhạc nền). Họ hụt hơi, họ thở dốc, chất lượng ca khúc tương đương cỡ hát karaoke trong đường hẻm. Ấy vậy mà họ vẫn xưng là ca sĩ đấy.

Tình hình câm đột xuất trong một vài cơ quan công quyền của ta còn nặng hơn. Một sự kiện xảy ra, anh (chị) nhà báo nắm được thông tin, bèn đến xin các vị có trách nhiệm lên tiếng. Lập tức, các vị đó sẽ "câm" ngay. Nói câm là nói một cách hình tượng. Thật ra, họ có nói nhưng cũng như không nói gì: "Vụ việc này còn chờ xin ý kiến lãnh đạo cấp trên" hoặc "Vụ việc này không thuộc thẩm quyền giải quyết của chúng tôi". Sau đó là hết, không có lời nào nữa.

Có những người "câm" khôn hơn. Vụ việc xảy ra, họ dặn cấp dưới "Ai đến hỏi nói tôi đi vắng". Chắc ăn hơn, họ tắt (hoặc không nghe) điện thoại di động. Đố ông trời nào buộc họ mở miệng phát ngôn được.

Cái khổ của nhà báo không phải là phải đi nhiều nơi thu thập thông tin, phải qua nhiều cửa, thỉnh thoảng bị đánh, bị thu máy ảnh hay máy quay phim. Cái khổ nhất là cơ quan công quyền, cơ quan chức năng không chịu hợp tác để có một phát ngôn chính thức nhằm động viên, trấn an dư luận, giúp người đọc và người xem đài hiểu đúng bản chất vụ việc. Mà có việc gì nghiêm trọng đâu để từ chối, tránh mặt không gặp, không nói với anh (chị) em báo giới nhỉ?

Bệnh điếc đột xuất còn tràn lan và có nguy cơ cao hơn cả bệnh câm. Một bé gái bị cưỡng bức tình dục, gia đình bị lăng mạ khiến ai cũng công phẫn. Thế nhưng khi báo chí hỏi đến người có trách nhiệm, người này lại trả lời tỉnh queo: "Chưa có ai báo cáo vụ việc lên nên chúng tôi chưa biết" hoặc: "Tôi chưa nghe ai phản ánh, để chúng tôi kiểm tra lại thử xem".

Chúng ta thường nói đến thái độ vô cảm như một nguy cơ lớn của xã hội. Nhiều băng đảng thực hiện những hành vi nguy hiểm cho nhân dân, trái với pháp luật vẫn được bỏ qua ở Biên Hòa, Đồng Nai. Khi vụ việc vỡ lở, một số cán bộ công an bị xử lý kỷ luật.

Điều mà nhân dân đều biết thì cán bộ, công chức của nhà nước không thể nói là không biết. Có một cái gì đó dửng dưng, lãnh đạm với niềm đau của số phận con người phía sau những sự kiện này.

Trong khu phố, có một hộ buôn bán ma túy. Công an phường xã phải biết bởi nhân dân đều biết. Trong khu phố, có người đàn ông uống rượu rồi về nhà đánh đập vợ; công an, hội phụ nữ, ban tư pháp phải biết bởi nhân dân đều biết. Có những vụ việc không cần phản ánh, không cần đơn từ. Cái sai trái, cái vi phạm pháp luật mới manh nha, chính quyền và cơ quan chức năng phải "lặt" ngay từ đầu, không để cho chúng phát triển thành nghiêm trọng.

Những người giả điếc nhiều khi nói chuyện hết sức buồn cười. Tòa nhà lầu to thế xây không giấy phép, xây vượt tầng cho phép mà cơ quan chức năng vẫn làm ngơ. Cho đến khi nó hình thành, nó nghiêng, nó ảnh hưởng đến mạng sống của cả chục hộ dân liền kề thì cơ quan chức năng mới "vào cuộc". Hai chữ vào cuộc nghe sao mà buồn vậy. Lúc bấy giờ, cơ quan này đổ thừa cơ quan kia; cứ y như mấy em bé đá bóng cãi lộn nhau trong sân Hoa Lư.

Một công dân thành phố khởi kiện dân sự đối với "ông lô cốt". Đại diện của ngành chức năng tới hầu tòa nhưng đại diện của nhà thầu Trung Quốc thì... không tới. Đây là một kiểu giả lơ, giả điếc cần phải được chấn chỉnh lại mà không cần biết người điếc là ông nào. Khi ông đến đây hợp đồng làm ăn, nghĩa vụ của ông là phải tuân thủ đúng luật pháp Việt Nam. Tòa triệu tập không tới thì tòa còn có quyền sai áp. Tất nhiên, ông này không phải và cũng không thể là Tô Tinh Hà của phái Tiêu Dao.

Vũ Đức Sao Biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.